Sẽ không còn thanh tra chuyên ngành, bỏ hoàn toàn thanh tra bộ, sở, huyện

Sẽ không còn thanh tra chuyên ngành, bỏ hoàn toàn thanh tra bộ, sở, huyện


Dự án Luật Thanh tra sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng 26/4. Dự luật được sửa đổi nhằm hiện thực hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.

Định hướng sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra là tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Hồng Phong).

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, với lần sửa đổi này, dự thảo luật đã lược bỏ 54 điều và lược bỏ hoàn toàn quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Thay vào đó, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo luật không quy định “hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Hồng Phong).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết một số ý kiến đề nghị làm rõ trong nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sau sắp xếp có tiếp tục giữ 2 loại hoạt động thanh tra trên hay không.

“Nếu không còn hoạt động thanh tra chuyên ngành có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không? Nếu vẫn duy trì thanh tra chuyên ngành, việc tiến hành 2 loại hoạt động thanh tra này theo cùng một trình tự, thủ tục có phù hợp, khả thi không? Thanh tra Chính phủ có thực hiện thanh tra chuyên ngành không?”, ông Tùng đặt vấn đề và đề nghị làm rõ nội dung này.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng tán thành việc giao Chính phủ quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc của Luật Thanh tra hiện hành về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động Kiểm toán Nhà nước, vì Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập và hoạt động độc lập.

Giải trình về những vấn đề trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

“Với quy định của dự thảo luật thì không còn thanh tra chuyên ngành, mà chỉ có kiểm tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra là thanh tra chung”, ông Phong nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Hồng Phong).

Về việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán Nhà nước, ông Phong cho biết thực tế những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phối hợp rất chặt chẽ và gần như không có sự chồng chéo.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban  Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung chính trong dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi gồm 9 chương và 64 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, diễn ra vào tháng 5 tới.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/se-khong-con-thanh-tra-chuyen-nganh-bo-hoan-toan-thanh-tra-bo-so-huyen-20250426110635918.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *