Sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tăng trở lại

Sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tăng trở lại


Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 9 này. Trong đó, một trong những nội dung được đề cập đến là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá.

Lộ trình tăng thuế chậm, mức tăng không đủ lớn không đem lại tác động hiệu quả

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Phát biểu tại hội thảo chia sẻ thông tin về hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra ngày 8/5 tại Hà Nội, Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 9 này.

Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Ảnh: D.L).

Trong đó, một trong những nội dung được đề cập đến là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá.

Tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá hiện vẫn rất cao, hơn 41%. Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng người hút thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, hơn 103.300 người Việt tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó có đến 18.800 người chết vì phơi nhiễm khói thuốc thụ động.

Đáng chú ý, từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 10%. Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã tăng lên 5,3 tỷ bao. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước năm 2021 là trên 4 tỷ bao. Chuyên gia WHO nhận định con số này đang gia tăng.

Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, chiếm tới 50% trong việc góp phần làm giảm tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Trong khi đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất thấp. Việt Nam đã có 4 lần điều chỉnh thuế từ năm 2008 đến năm 2019: tăng từ 55% lên 65% (2008), 65% lên 70% (2016) và 70% lên 75% (2019).

Thống kê từ năm 2006 đến 2024, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá chỉ tăng 20% trong 18 năm, tương đương 1,1%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 4-5% mỗi năm. Khoảng cách giữa các lần tăng thuế quá xa, khiến giá thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập.

Mức tăng này chưa đủ để ảnh hưởng đáng kể đến giá thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc, không đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Sản lượng tiêu dùng thuốc lá trong nước đã tăng trở lại từ năm 2021.

Việc sử dụng thuốc lá tiêu tốn của Việt Nam hơn 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP. Con số này bao gồm 16,4 nghìn tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng chi phí gián tiếp do bệnh tật, 85,8 nghìn tỷ đồng thiệt hại từ tử vong sớm. Ngoài ra, còn 49 nghìn tỷ đồng mà người dân chi để mua thuốc lá hàng năm.

Đáng chú ý, khoản thiệt hại khổng lồ này lớn hơn gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá hiện nay. Điều đó cho thấy, trong khi người dân và nền kinh tế phải chịu gánh nặng tài chính to lớn từ thuốc lá, thuế suất thấp lại không mang lại lợi ích tương xứng cho ngân sách quốc gia.

“Thuế thuốc lá là chính sách mang lại lợi ích kép. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy chúng ta chỉ cần làm một chính sách tăng thuế thật cao, đủ mạnh đã có tác động rất nhiều lần đến giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp khác (chiếm đến hơn 60%)”, Thạc sĩ Hải nhấn mạnh.

Tỷ lệ đóng góp của các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá trong việc giảm số người hút thuốc tại Thái Lan (Ảnh: T.L).

Thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để giảm tiêu thụ

Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách thông qua việc áp dụng chính sách thuế thuốc lá hiệu quả hơn.

Theo nghiên cứu của WHO, nếu giữ nguyên thuế suất hiện tại, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành dự kiến sẽ tăng đáng kể, kéo theo gần 2,5 triệu người hút thuốc mới vào năm 2030 do sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc và tăng trưởng dân số. Đồng thời, nguồn thu thuế từ thuốc lá gần như không thay đổi.

Trong khi đó, phương án 2 của Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt do Bộ Tài chính đề xuất, áp dụng mức thuế 75% cộng với 10.000 đồng/bao vào năm 2030 mang lại tác động đáng kể hơn.

Theo đó, nó sẽ giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống còn 37,5%, tương ứng giảm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc trưởng thành so với phương án trên. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số trong cùng giai đoạn, tổng số người hút thuốc vẫn không thay đổi đáng kể so với năm 2020. Về mặt tài chính, phương án này mang lại mức thu thuế tăng thêm 21.800 tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030.

Mặc dù vậy, cả hai phương án đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa đủ mạnh để đạt được các mục tiêu y tế.

WHO khuyến nghị để đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đến năm 2030 và tạo thêm nguồn thu ngân sách chính phủ, thuế tuyệt đối cần được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể ít nhất là 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.

Phương án này được kỳ vọng mang lại lợi ích vượt trội.

Cụ thể, tỷ lệ nam giới hút thuốc sẽ giảm xuống còn 35,8%, tương đương với việc giảm hơn 696.000 người hút thuốc so với năm 2020, đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Không chỉ vậy, nguồn thu ngân sách cũng sẽ tăng thêm 29.000 tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030, cao hơn khoảng 25% so với phương án 2.

Phương án này cũng giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65,3% vào 2030, gần đạt mức khuyến nghị của WHO.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/su-dung-thuoc-la-tai-viet-nam-tang-tro-lai-20250508112249778.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *