Tác giả Nguyễn Xuân Tuấn và hành trình khám phá “con đường tương lai”

Tác giả Nguyễn Xuân Tuấn và hành trình khám phá "con đường tương lai"


Thế giới đổi thay nhanh chóng, tương lai trở thành mối bận tâm của không ít người. Cuốn sách Con đường tương lai, tập 1, tác giả Nguyễn Xuân Tuấn đã mạnh dạn góp tiếng nói vào cuộc đối thoại lớn ấy.

Nhưng thay vì đi theo lối mòn học thuật, ông chọn cách riêng: đan xen giữa trải nghiệm cá nhân, dòng chảy lịch sử, tinh hoa Đông phương và cái nhìn xa về tương lai.

Từ trái sang: Nhà văn Trần Gia Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tác giả Nguyễn Xuân Tuấn và nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ tại buổi ra mắt sách (Ảnh: Ban tổ chức).

Tư duy tích hợp: Từ tâm linh đến kinh tế học phát triển

Cuốn Con đường tương lai, tập 1 không chỉ là thành quả của hơn 5 năm nghiên cứu và chiêm nghiệm, mà còn là một bức tranh toàn cảnh, đa chiều về một số lĩnh vực phát triển của đất nước trong tương lai.

Ông và các thành viên dự án đã đi thực tế ở nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, tìm kiếm tri thức.

Tác phẩm gồm 5 chương lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tâm linh, triết học nhân sinh, đến lý thuyết phát triển kinh tế và mô hình quản trị quốc gia.

Ngay ở chương mở đầu, tác giả không đơn thuần kể lại lịch sử nhân loại, mà khai thác nó từ chiều sâu tâm linh, nơi chứa đựng những niềm tin, lý tưởng sống và bản sắc.

Nguyễn Xuân Tuấn khẳng định, yếu tố tâm linh, với nghĩa rộng hơn tín ngưỡng là một phần quan trọng tạo nên bản lĩnh dân tộc.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chao đảo bởi khủng hoảng bản sắc và niềm tin, cách nhìn này mang đến một hướng tiếp cận mới, đặt nền tảng phát triển không chỉ vào vật chất mà còn vào tinh thần.

Bìa cuốn sách “Con đường tương lai”, tập 1 của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn (Ảnh: Ban tổ chức).

Nguyễn Xuân Tuấn đã dung hòa giữa tư duy lý luận và trách nhiệm nghiên cứu công dân, tạo ra một dòng mạch tư tưởng liền mạch, dẫn dắt người đọc từ quá khứ đến hiện tại, rồi mở rộng đến những viễn cảnh tương lai.

Khác với nhiều công trình lý luận hiện đại thường nặng về học thuật, ông chọn cách đề xuất cụ thể, khả thi.

Ở phần luận bàn về kinh tế, tác giả đưa ra mô hình phát triển dựa trên 4 trụ cột: Sáng tạo, quản trị rủi ro, cân bằng lợi ích và đạo đức kinh doanh. Ông chỉ ra những bất ổn nội tại của mô hình tăng trưởng nóng, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng các cơ chế dự phòng như quỹ an sinh xã hội, hệ thống cảnh báo rủi ro sớm và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới.

Không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, cuốn sách dành nhiều dung lượng để bàn về phát triển xã hội. Theo tác giả Nguyễn Xuân Tuấn, tăng trưởng không thể chỉ dựa vào GDP mà phải song hành với công bằng xã hội, giáo dục toàn diện, y tế và môi trường sống lành mạnh.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, một xã hội muốn phát triển bền vững phải củng cố hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt ở các khu vực dễ tổn thương, cải cách giáo dục để đào tạo con người toàn diện, có trách nhiệm xã hội, đồng thời phát triển các thiết chế văn hóa – tâm linh trong bối cảnh hiện đại hóa.

Chính tư duy đa chiều và nhân văn ấy đã giúp Con đường tương lai vượt ra khỏi khuôn khổ một công trình học thuật thuần túy, trở thành tài liệu hành động trong công cuộc kiến thiết xã hội hài hòa.

Văn hóa dân tộc: Tài sản hay thách thức trong kỷ nguyên số?

Một điểm nhấn đặc biệt trong cuốn sách là chương 4, viết về quản trị “rủi ro văn hóa”, một chủ đề hiếm khi được bàn tới nhưng lại mang tính sống còn trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ cảnh báo về nguy cơ xâm thực của văn hóa ngoại lai mà còn đề xuất những giải pháp bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc.

Theo ông, cần đưa giáo dục văn hóa vào chương trình đào tạo quốc gia, ứng dụng công nghệ số để quảng bá và bảo tồn di sản, đồng thời khuyến khích sáng tạo nghệ thuật mới trên nền tảng truyền thống.

Ông cũng bày tỏ quan điểm rất rõ ràng: Phát triển bền vững không thể là sự thay thế vô thức cái cũ bằng cái mới, mà phải là sự sáng tạo dựa trên nền tảng giá trị truyền thống. Đó chính là cách để văn hóa trở thành nội lực, chứ không phải là vật cản trên con đường đi tới tương lai.

Tác phẩm không đưa ra một hệ thống lý thuyết khép kín, cũng không nhằm xây dựng một học thuyết hoàn chỉnh.

Điều khiến Con đường tương lai trở nên đặc biệt chính là sự cởi mở và linh hoạt trong tư duy, đưa người đọc đi qua nhiều vùng tri thức tưởng chừng rời rạc nhưng được kết nối bởi một dòng chảy xuyên suốt, tư tưởng khơi dậy nội lực dân tộc.

Nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng chia sẻ rằng, ông phải “vác bản thảo” khi nhận bản thảo 1.000 trang của cuốn sách Con đường tương lai.

Tuy nhiên, nhà văn Trần Gia Thái đã bị cuốn hút ngay khi đọc chương 1 của cuốn sách và nhận thấy những nội dung kinh điển, bác học với lượng thông tin rất lớn lại được tác giả khéo léo thể hiện một cách dân dã và gần gũi, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận.

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường Nguyễn Văn Khương (bên phải) tại buổi ra mắt cuốn sách “Con đường tương lai” của Nguyễn Xuân Tuấn vào cuối tháng 4 ở Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ về cuốn sách, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường Nguyễn Văn Khương khẳng định rằng, dự án sách Con đường tương lai được thực hiện từ năm 2019, với sự cố vấn của một đội ngũ đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự miệt mài của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Điều đó cho thấy đây không chỉ là một nỗ lực cá nhân, mà còn là kết tinh của một tập thể trí tuệ, cùng góp sức vào cuộc đối thoại trí thức về tương lai đất nước.

Dự án mong muốn mang đến những cái nhìn sâu sắc về tương lai phát triển của đất nước trên các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, kinh tế, giáo dục, y tế, nông nghiệp, khoa học, công nghệ và xã hội, qua đó, đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến trình xây dựng một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Theo nhà văn Hữu Ước, điều làm ông ngưỡng mộ Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ là khả năng viết đều đặn và sâu sắc, mà còn là khát vọng thay đổi và dấn thân vào những vấn đề mang tính xã hội, văn hóa, và chính trị.

Ông Hữu Ước cho rằng, Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ là một nhà nghiên cứu, mà còn là một người có tầm nhìn và dũng cảm đứng ra đối diện với những thách thức lớn lao của xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về văn hóa, xã hội và kinh tế, Con đường tương lai không chỉ là một công trình nghiên cứu, mà còn là một lời mời gọi đổi mới, và khai mở tư duy tích hợp.

Con đường tương lai không chỉ là một cuốn sách để đọc, mà là một cuộc trò chuyện lâu dài giữa hiện tại và tương lai. Một cánh cửa mở ra cho những ai muốn bước vào hành trình truy cầu bản sắc, trách nhiệm và khát vọng dân tộc trong thế kỷ 21.

Con đường tương lai, tập 2 hứa hẹn sẽ nối dài hành trình tư tưởng đầy trăn trở nhưng cũng giàu cảm hứng này.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/tac-gia-nguyen-xuan-tuan-va-hanh-trinh-kham-pha-con-duong-tuong-lai-20250509111256931.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *