Khát vọng hòa bình từ đường kim, mũi chỉ
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở thành giới tuyến tạm thời, hướng tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức hai năm sau đó.
Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã phản bội Hiệp định Geneva với ý đồ biến vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia.
Đôi bờ Hiền Lương năm 1961 (Ảnh: Tư liệu).
Giai đoạn 1954-1967, nơi đây diễn ra những “cuộc chiến” không tiếng súng nhưng vô cùng căng thẳng. Màu sơn của cầu Hiền Lương, dàn loa tuyên truyền, chiều cao cột cờ… trở thành những đề tài đấu tranh giữa hai phía.
Khi Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc, đặc biệt là tại Vĩnh Linh, cột cờ của ta trở thành mục tiêu đánh phá của địch và nhiều lần bị gãy đổ. Tuy vậy, với tinh thần bất khuất, quân dân ta luôn dựng lại cột cờ – như một lời khẳng định mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Đức Lãng là một trong những người từng tham gia may cờ Tổ quốc để treo tại giới tuyến Hiền Lương – Bến Hải (Ảnh: Nhật Anh).
Ông Nguyễn Đức Lãng (SN 1937, trú phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) là người từng phụ trách việc may cờ Tổ quốc tại giới tuyến Hiền Lương – Bến Hải cuối cùng còn sống.
Ông Lãng nhập ngũ năm 1959, thuộc Ban Hậu cần, Công an giới tuyến huyện Vĩnh Linh. Từ năm 1960, ông được giao phụ trách công tác quân trang, trong đó có một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt và thiêng liêng: may cờ Tổ quốc để treo trên Kỳ đài Hiền Lương – biểu tượng của lòng tin và ý chí Bắc – Nam thống nhất.
Vào thời điểm ấy, lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của một quốc gia mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về chính nghĩa, khát vọng độc lập, thống nhất và ý chí kiên cường của miền Bắc đối với miền Nam.
“Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm, tôi mất 7 ngày để may một lá cờ rộng 96m2. Sau này quen tay, thời gian rút ngắn xuống còn 3 ngày. Để làm ra một lá cờ như vậy cần 122m2 vải đỏ và 10m2 vải vàng. Việc may những lá cờ khổ lớn rất gian nan, nhất là khi ráp ngôi sao vàng 5 cánh”, ông Lãng nhớ lại.
Khung cảnh may cờ Tổ quốc được tái hiện tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất (Ảnh: Nhật Anh).
Theo ông Lãng, trong những năm 1965-1970, chiến tranh ác liệt, bom đạn dội xuống không ngừng. Vĩ tuyến 17, nơi có cầu Hiền Lương, trở thành trọng điểm bị không quân Mỹ tấn công. Ông Lãng và đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ may cờ trong những hầm trú ẩn chật hẹp với nhiều khó khăn.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, từng mét vải đều được ông Lãng và đồng đội tính toán kỹ lưỡng để không bị lãng phí. Những người may cờ khi ấy xem từng tấc vải là máu thịt, từng đường chỉ là sinh mệnh.
Dù biết lá cờ sau khi treo lên có thể bị rách hoặc phá hủy bất cứ lúc nào, nhưng ông Lãng và đồng đội vẫn luôn tự hào mỗi lần cờ được thay mới. Lá cờ như lời khẳng định lòng kiên cường, bất khuất, lời nhắn gửi đầy hy vọng đến đồng bào miền Nam.
“Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trời xanh, tôi như thấy hình hài đất nước. Lá cờ ấy là niềm tự hào của tôi, mỗi đường kim, mũi chỉ đều mang khát vọng hòa bình. Lá cờ tung bay trong gió còn thể hiện chủ quyền, là niềm tin thống nhất non sông của quân và dân ta”, ông Lãng xúc động nói.
Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải ngày nay (Ảnh: Nhật Anh).
Những lá cờ ông Lãng từng may đã kiêu hãnh tung bay giữa khói lửa chiến tranh, rực sáng trên kỳ đài Hiền Lương và mãi sống trong ký ức dân tộc như một phần của hồn thiêng sông núi.
Đất nước thống nhất, ông Lãng trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn giữ thói quen may cờ Tổ quốc vào mỗi dịp trọng đại như Quốc khánh, ngày 30/4, Tết Nguyên đán…
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Đức Lãng được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba) và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba).
Từ cây phi lao đến cột cờ lịch sử
Những năm tháng đất nước còn chia cắt, đằng sau mỗi lá cờ tung bay ở giới tuyến Hiền Lương – Bến Hải là cả một “cuộc đấu cờ” cam go giữa ta và địch. Mỗi lần phía bên kia nâng cao cột cờ, ta lại quyết tâm dựng cột mới cao hơn, sừng sững như ý chí không khuất phục. Nơi đó có lá cờ đỏ sao vàng ông Lãng và đồng đội may, kiêu hãnh tung bay giữa bom đạn, bão gió.
Những cột cờ ở bờ Bắc Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh (Ảnh: Tư liệu).
Ông Nguyễn Văn Trợ (SN 1936, trú tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) là một trong những người từng tham gia dựng cột cờ đầu tiên ở giới tuyến Hiền Lương – Bến Hải.
Là người con của vùng giới tuyến, ông Trợ tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Năm 1954, ông Trợ là Tiểu đội trưởng dân quân, ban ngày lao động sản xuất, ban đêm phối hợp với Đồn Công an Hiền Lương bảo vệ cầu, cột cờ và tuần tra dọc sông.
Ôn lại lịch sử, ông Trợ cho hay, dịp Kỷ niệm 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 – 2/9/1954), ông cùng một số người dân và các chiến sĩ Đồn Công an Hiền Lương đã vào rừng, tìm được một cây phi lao dài 12m, dựng cột cờ đầu tiên ngay bên bờ Hiền Lương.
“Khi đó, rất nhiều người dân tụ tập trên cầu để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Ai cũng vỡ òa cảm xúc khi thấy cờ Tổ quốc bay giữa trời xanh. Thấy cờ đỏ sao vàng tung bay, phía địch lập tức cắm cờ lên nóc lô cốt Xuân Hòa bên bờ Nam cao 15m. Quân ta sau đó lại vào rừng tìm cây cao 18m về dựng cột mới, treo lá cờ rộng 24m2”, ông Trợ hồi tưởng.
Ông Nguyễn Văn Trợ là một trong những người từng tham gia dựng cột cờ đầu tiên ở giới tuyến Hiền Lương – Bến Hải (Ảnh: Nhật Anh).
Khoảng tháng 2/1956, địch xây kỳ đài bằng bê tông cốt thép cao 30m, treo cờ Việt Nam Cộng hòa và gắn đèn đủ màu. Đáp lại, tháng 7/1957, nhân kỷ niệm 3 năm ký Hiệp định Geneva, Khu Vĩnh Linh đã dựng cột cờ bằng thép cao 32m, sơn trắng, đỉnh gắn sao đồng có 15 bóng đèn loại 50W.
Tháng 7/1957, ta dựng cột cờ cao 34,5m, địch vội vàng tôn cột cờ lên 35m. Cuối cùng, chúng phải chịu thua khi ta tiếp tục nâng chiều cao cột cờ lên 38,6m vào năm 1962.
“Ngày ấy, người dân cả hai bờ đều nhìn thấy rõ lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa nền trời xanh. Lá cờ trở thành điểm tựa, là niềm tin của đồng bào bên giới tuyến, là ngọn hải đăng dẫn đường cho quân ta trong những chuyến bí mật qua sông”, ông Trợ chia sẻ.
Giàn loa phóng thanh được phục dựng tại Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Ảnh: Nhật Anh).
Ông Trợ cho biết thêm, không chỉ “đấu cờ”, “chọi màu sơn” trên cầu Hiền Lương, sau Hiệp định Geneva, ở vĩ tuyến 17 còn diễn ra “cuộc chiến âm thanh” rất quyết liệt.
Thời điểm ấy, để tuyên truyền, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, kêu gọi những người lầm đường lạc lối ở bên kia chiến tuyến trở về với cách mạng, quân ta đã xây dựng một hệ thống loa phóng thanh lớn, phát các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đài Vĩnh Linh, ca nhạc, kịch nói, dân ca… cổ động tình yêu nước và khát vọng thống nhất non sông.
Phía bờ Nam, địch cũng dựng hệ thống loa có công suất lớn hơn, không ngừng xuyên tạc lịch sử, tung hô chính quyền miền Nam Việt Nam. Các loa phát cả ngày lẫn đêm, 2 bên liên tục nâng cao công suất loa để đấu âm thanh. Cuộc đấu cứ thế dai dẳng suốt nhiều năm.
Ngày nay, ở Kỳ đài Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng vẫn vươn cao trong gió, giữa một đất nước đã thống nhất, hòa bình (Ảnh: Nhật Anh).
Những chiến sĩ như ông Trợ, ông Lãng, chính là nhân chứng sống của lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, tri ân những người đã hy sinh để vun đắp nên ngày thống nhất.
Ngày nay, ở Kỳ đài Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng vẫn vươn cao trong gió, giữa một đất nước thống nhất, hòa bình. Lá cờ không chỉ là biểu tượng của lịch sử, mà còn là niềm tự hào của dân tộc, lời nhắc nhở về một quá khứ không thể quên và một tương lai tươi sáng, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tac-vai-la-mau-thit-duong-chi-la-sinh-menh-va-cuoc-chien-khong-tieng-sung-20250418113454944.htm