Chấn thương mùa hè: Cảnh báo những tình trạng nguy hiểm “bị xem nhẹ”

Chấn thương mùa hè: Cảnh báo những tình trạng nguy hiểm "bị xem nhẹ"


Ngày 9/7, số đầu tiên của chuỗi tọa đàm “Những hiểm họa mùa hè và giải pháp phòng chống” do báo Dân trí phối hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) tổ chức đã diễn ra tại tòa soạn báo Dân trí.

Bác sĩ chia sẻ nguy cơ chấn thương mùa hè.

Nhiều vấn đề về chấn thương nói chung, chấn thương mùa hè nói riêng đã được chuyên gia chia sẻ, cung cấp thông tin thiết thực cho người dân – đặc biệt là người đam mê vận động và gia đình có con nhỏ.

BS.CK1 Vi Văn Dương, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Vì sao nguy cơ chấn thương gia tăng trong mùa hè?

BS.CK1 Vi Văn Dương, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, vào mùa hè, trẻ em được nghỉ học ra ngoài vận động, chơi các môn thể thao như đá bóng, cầu lông… nhiều hơn. Trong khi đó, người lớn cũng tham gia các hoạt động dã ngoại, du lịch, leo núi. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương về xương khớp.

Ngoài ra, thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao dễ gây mất tập trung. Cộng với tần suất tham gia giao thông tăng cao, dẫn đến khả năng xảy ra tai nạn giao thông.

“Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn tiếp nhận rất nhiều ca chấn thương vào mùa hè, từ gãy tay, gãy chân đến trật khớp. Những chấn thương này thường bị xem nhẹ, nhưng nếu không xử lý đúng có thể dẫn đến biến chứng lâu dài, ảnh hưởng vận động và chất lượng cuộc sống.

Để xử lý, cần thực hiện 4 bước. Thứ nhất, ngưng vận động, ngừng chơi thể thao. Thứ hai, băng ép vùng chấn thương. Thứ ba, chườm lạnh đúng cách. Thứ tư, kê cao chi bị tổn thương.

Ngoại trừ các trường hợp như gãy xương có di lệch nhiều, trật khớp lâu ngày hay tổn thương dây chằng nghiêm trọng, thông thường bệnh nhân nếu xử lý đúng cách sẽ không cần phải phẫu thuật”, bác sĩ Dương nói.

Bác sĩ Vi Văn Dương chia sẻ những tình huống có thể dẫn đến nguy cơ chấn thương trong mùa hè (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Cũng theo bác sĩ Dương, ngoài những chấn thương thông thường khi vui chơi hay dã ngoại, mùa hè còn dễ xảy ra những chấn thương nghiêm trọng trong sinh hoạt hay lao động, gây ra hậu quả nặng nề như đứt lìa chi thể.

Lúc này, bệnh nhân cần được bảo quản bộ phận đứt lìa đúng cách và đến bệnh viện kịp thời, cũng như được áp dụng các kỹ thuật điều trị hiện đại để nối lại chi, nhằm tránh nguy cơ tàn phế.

Bác sĩ Dương dẫn chứng, nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trong vòng 6 tiếng sau tai nạn, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngay. Quy trình cấp cứu bao gồm cố định xương trước, sau đó phẫu thuật nối động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, gân và cơ bằng kỹ thuật vi phẫu.

Ca phẫu thuật sẽ được thực hiện với đội ngũ 7-8 người, gồm bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ phụ mổ, nhân viên y tế gây mê và kỹ thuật viên phòng mổ. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi tích cực trong 12-24 giờ để kiểm tra khả năng tưới máu và phản ứng mạch máu, đồng thời dùng các loại thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bác sĩ chia sẻ việc điều trị các tai nạn mùa hè trong những tình huống cụ thể (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Sau khi can thiệp ban đầu, bệnh nhân sẽ trải qua quá trình phục hồi chức năng. Tỷ lệ và thời gian hồi phục chức năng phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Nhưng với sự phát triển của các kỹ thuật hiện đại, khả năng vận động ở nhiều trường hợp có thể đạt gần như bình thường.

Nhiều tiến bộ trong điều trị chấn thương

Bác sĩ Vi Văn Dương từng tiếp nhận một bệnh nhân trẻ đam mê bóng đá, không may bị tai nạn dẫn đến chấn thương khớp gối nặng, đi khám nhiều nơi không khỏi.

Sau khi vào viện, ông đã thăm khám và khẩn trương phẫu thuật nội soi khớp gối cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sớm được tập vật lý trị liệu. Ngay ngày hôm sau, vùng gối bệnh nhân đã gập được 90 độ. Qua thời gian tập luyện theo lộ trình, chỉ 6-8 tháng sau, bệnh nhân đã chơi thể thao trở lại bình thường.

“Chứng kiến việc hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân tiếp tục tin tưởng giới thiệu bạn bè, gia đình đến. Tôi mổ cho bệnh nhân, mẹ bệnh nhân rồi cả anh trai bệnh nhân, mỗi lần đi tái khám là đi cả gia đình họ cùng đến”, bác sĩ Dương chia sẻ.

Một trường hợp điều trị chấn thương thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Bệnh viện).

Bác sĩ Dương khẳng định, việc điều trị trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Việt Nam hiện đã phát triển rất cao. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, các bác sĩ đã thành công trong việc phẫu thuật ít xâm lấn, thay khớp nhân tạo, vi phẫu, và đã làm chủ được thuật nội soi khớp.

Bằng sự hỗ trợ của hệ thống camera hiện đại qua vết rạch chỉ 0,5-1cm, các chuyên gia có thể có thể quan sát và sửa chữa cấu trúc bên trong để điều trị hiệu quả những tổn thương khớp gối, vai, cổ chân.

Tuỳ theo nhu cầu vận động, lộ trình phục hồi cho từng bệnh nhân sẽ được cá thể hóa, lên kế hoạch chi tiết các bài tập ngay từ những ngày đầu sau mổ.

“Vấn đề quan trọng nhất là lộ trình được thiết kế phù hợp với thể trạng thực tế của bệnh nhân. Ví dụ, sau phẫu thuật, đội ngũ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập các bài tập như co duỗi gối, vận động vai đúng cách, sử dụng sóng điện, siêu âm trị liệu hoặc chườm lạnh theo từng diễn tiến phục hồi.

Khi xuất viện, bệnh nhân được cung cấp bài tập tại nhà như co cơ chủ động, đi bộ nhẹ, đạp xe. Sau 1-3 tháng, tùy tình trạng mà bệnh nhân có thể tập gym, bơi lội. Mục tiêu chính của chúng tôi là giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, trở lại sinh hoạt hoặc thể thao sớm nhất”, bác sĩ Dương phân tích.

MC Thanh Bạch từng điều trị chấn thương, phục hồi nhanh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Bệnh viện).

Những tình huống thực tế

Tại tọa đàm, rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến bác sĩ. Anh Nhân (ở TPHCM) bị xẹp cột sống lưng sau tai nạn giao thông và đã bơm xi măng. Anh thắc mắc hiện tại nên ăn gì, có cần phải kiêng cử hay lưu ý gì.

Trả lời câu hỏi trên, bác sĩ Dương cho biết sau bơm xi măng, người bệnh cần đeo đai lưng, kiểm tra loãng xương định kỳ, bổ sung canxi qua thực phẩm (cá, tôm, cua) hoặc thuốc. Bệnh nhân cũng cần tránh ăn quá nhiều hoặc bỏ bữa, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất, song song với việc tránh vận động mạnh, tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng để duy trì sức mạnh cơ lưng.

Anh Thanh Hành (30 tuổi) bị gãy xương đùi do chơi pickleball. “Làm gì để tránh biến chứng, và bao lâu thì chơi thể thao lại được?”, anh đặt vấn đề.

Bác sĩ giải đáp các câu hỏi của các độc giả gửi về chương trình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bác sĩ Dương chia sẻ, gãy xương đùi là một chấn thương phức tạp do khu vực này có nhiều mạch máu xung quanh. Tuy nhiên, chính nhờ nguồn cung cấp máu dồi dào, khả năng lành xương của bệnh nhân rất tốt, với tỷ lệ phục hồi gần như hoàn toàn nếu điều trị đúng cách.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bắt đầu tập đi giới hạn (khoảng 30% trọng lực cơ thể). Trong 1-2 tháng tiếp theo, bệnh nhân có thể đi lại với nạng. Đến thời gian 2-3 tháng sau, bệnh nhân thường đi lại gần bình thường, với điều kiện tuân thủ tập vật lý trị liệu và các bài tập tăng cường sức cơ…

Với câu hỏi của độc giả Nguyên Lê (35 tuổi) về việc bị té ngã khi đi leo núi gần đây, chấn thương nặng khớp háng và tay thì liệu có mổ cùng lúc, bác sĩ Dương khẳng định, cả hai chấn thương này đều cần mổ sớm để phục hồi chức năng. Việc thực hiện phẫu thuật cùng lúc sẽ giúp giảm số lần mổ, rút ngắn thời gian hồi phục và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.

Trong ảnh là hệ thống máy O-arm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trong những ca phẫu thuật xử trí chấn thương (Ảnh: Bệnh viện).

Bác sĩ Vi Văn Dương khuyến cáo, mọi người cần có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh để tránh các tai nạn mùa hè. Cụ thể, nên khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, sử dụng đồ bảo hộ tùy thuộc từng bộ môn. Người lớn tuổi hạn chế leo núi cao hay nơi ẩm thấp để tránh trượt ngã. Trẻ nhỏ khi vui chơi cần có sự quan sát kỹ lưỡng của phụ huynh.

Khi chấn thương, bạn cần ngưng vận động và đến cơ sở y tế sớm để được can thiệp phù hợp.

Toạ đàm “Những hiểm họa mùa hè và giải pháp phòng chống” số đầu tiên đã giải đáp hàng loạt vấn đề về chấn thương (Ảnh: Trịnh Nguyễn).



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tai-nan-mua-he-canh-bao-nhung-tinh-trang-nguy-hiem-bi-xem-nhe-20250710020544164.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *