Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu chỉ đường đoàn quân tiến công vào Sài Gòn

Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu chỉ đường đoàn quân tiến công vào Sài Gòn


Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đã đi qua 50 năm, nhưng Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng khó tả khi sống trong những ngày tháng lịch sử.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chiến đấu và tham gia bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Trong đời binh nghiệp, ông đã đánh 67 trận, 26 tuổi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông là được làm chiến sĩ Giải phóng quân để thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về cuộc đời binh nghiệp của ông và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 

Nhâm nhi ngụm trà đặc, ông chậm rãi kể, tháng 2/1965, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Huy Hiệu (quê Hải Hậu, Nam Định) lên đường nhập ngũ.

Năm 1967, từ anh Binh nhì, Nguyễn Huy Hiệu phấn đấu lên tổ trưởng tổ ba người, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, rồi Chiến sĩ Quyết thắng và chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng; lễ kết nạp Đảng được tổ chức ngay nơi chiến hào.

“Đến giờ tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm lời thề của mình: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Lời thề đó là danh dự của người đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân đã giao phó”, ánh mắt hiện rõ sự tự hào, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

Sau khi được kết nạp vào Đảng, từ 1968 đến 1972 là những tháng ngày ông chiến đấu cùng Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Đỏ – Nghệ An, sau này là Trung đoàn Triệu Hải.

Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, vị “Anh hùng trận mạc” Nguyễn Huy Hiệu đã được tôi luyện và đạt nhiều chiến công. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông giữ cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Nhiệm vụ của Trung đoàn 27 là đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, giải phóng Sài Gòn.

Những ngày trung tuần tháng 3/1975, Trung đoàn 27 đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thì nhận được lệnh của Sư đoàn báo gấp: “Trung đoàn tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí để đi nhận nhiệm vụ chiến đấu”.

Ngay lập tức tin Trung đoàn lên đường đi chiến đấu được truyền nhanh khắp công trường, các chiến sĩ khẩn trương chuẩn bị quân trang lên đường ra trận. Sau đó, Trung đoàn 27 là đơn vị đi đầu đội hình Sư đoàn và đội hình Quân đoàn vào giải phóng miền Nam.

Ngày 18/3/1975, Trung đoàn 27 nhận lệnh hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà (Quảng Trị), làm dự bị cho giải phóng Huế – Đà Nẵng.

Tuy nhiên, khi Trung đoàn 27 vào tới Huế ngày 26/3, Huế đã được giải phóng. Ngày 29/3, ông cùng đồng đội tới bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đã được giải phóng. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, hành quân theo đường Trường Sơn, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Đường Hồ Chí Minh thời điểm này quá tải. Xe chở bộ đội, hàng hóa, xe tăng, xe thiết giáp nối nhau chạy về phía Nam. Thời điểm đó, cả dãy Trường Sơn rùng rùng chuyển động”, vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 hồi tưởng.

Thời điểm này, các đơn vị được lệnh di chuyển cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại ở những nơi có nước cho bộ đội thổi cơm. Ngày đầu, Trung đoàn đi được 100km, sau đó tăng dần 150-200km và có ngày kỷ lục đạt 300km. 

Mặc dù hành quân trong những tháng mùa khô, trời nóng hầm hập, bụi bay mù mịt, máy bay địch liên tục bay lượn trên đầu, nhưng ý chí của các chiến sĩ vô cùng mãnh liệt. 

“Chưa bao giờ tôi gặp cảnh bụi mù mịt như vậy, có đoạn xe sau cách xe trước chỉ 5-7m nhưng không nhìn thấy nhau vì bụi. Bộ đội đầu tóc, quần áo bị bụi bám đỏ quạch nhưng không một ai kêu ca hay tỏ vẻ mệt mỏi, tất cả hướng về miền Nam”, Tướng Hiệu nói.

Trên đường hành quân tới đèo Ang Bun, đơn vị nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.

“Lệnh truyền xuống, anh em dù mệt cũng bừng lên khí thế, tiến vào Bình Phước, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi tưởng.

Ngày 10/4/975, Trung đoàn 27 đã có mặt ở Đồng Xoài thuộc tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước), cách địch khoảng 50km. Đây cũng là mảnh đất cửa ngõ Đông Nam Bộ, hàng ngày địch vẫn cho máy bay đến ném bom bắn phá vào những cánh rừng cao su, nơi chúng nghi có lực lượng của ta.

Đến chiều 27/4/1975, Trung đoàn đã áp sát Tây Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), phía sau là các đơn vị cơ giới thọc sâu.

Hai ngày sau (đêm 29/4), khi Trung đoàn đến gần nghĩa địa của khu vực Búng (Bình Dương), Trung đoàn Trưởng Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội thấy một ngôi nhà lụp xụp, trong nhà le lói ngọn đèn dầu, nhận định đây là cơ sở của ta nên tiến lại gần kiểm tra.

“Tiếp cận ngôi nhà, chúng tôi phát tín hiệu 3 lần “Hồ Chí Minh” thì có người ở trong nhà đáp lại “muôn năm”. Nhận diện đúng mật khẩu, xác định đúng cơ sở của ta, tôi cho trinh sát ở vòng ngoài bảo vệ, còn mình và anh Trịnh Minh Thư vào trong nhà”, vị Trung đoàn trưởng 27 kể.

Tại đây, ông Hiệu và đồng đội được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu) – bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương.

Trong nhà má Sáu được bày một cái bàn đơn sơ, trên bàn có một chiếc đèn dầu đang được thắp sáng, lúc đó có 2 con má ngồi bên.

Lúc này, vị Trung đoàn trưởng 27 thưa với Má: “Con là chỉ huy quân giải phóng, chúng con có nhiệm vụ theo trục đường 13, ngày mai (30/4) đánh qua Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình, và đánh chiếm bộ tư lệnh Tăng thiết giáp của địch ở Gò Vấp. Nếu má có thông tin thì giúp chúng con”.

Sau đó, ông Hiệu đưa bản đồ chỉ huy cho má nhìn. Lúc đó, má đeo một kính trắng, má xem và nói không rành bản đồ này. Má vào trong buồng lấy ra một tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn (cũ) đã ghi các điểm địch phòng thủ.

“Khi đó má nói cách đây 5km có trại Huỳnh Văn Lương có khoảng gần 2.000 lính và tên Đại tá Hinh chỉ huy, sáng mai các con không cần đánh mà kêu hàng rồi nhanh chóng đánh qua quận lỵ Lái Thiêu; phải chiếm được cầu Vĩnh Bình, nếu không xe của các con sẽ không vào được nội đô.

Tôi hỏi má có con đường nào khác để vào Sài Gòn không? Má nói chỉ có cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được, chỉ có bộ binh đi được. Tiếp đó, má nói sáng mai cả gia đình má có em Phước 16 tuổi, em Đức 14 tuổi đi cùng.

Tôi đáp “thưa Má các em còn nhỏ, đã có cô Hai Mỹ và Sáu Châu cùng đơn vị dẫn đường. Chúng con giải phóng xong Sài Gòn sẽ về thăm cảm ơn má và đồng bào””, 50 năm đã đi qua nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nhớ nằm lòng từng lời trao đổi, trò chuyện với má Sáu.

Đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong những trận đánh sau này.

Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng các cán bộ trong đơn vị lập tức lên kế hoạch tiến vào Sài Gòn.

Tướng Hiệu đánh giá, thời điểm đó quận lỵ Lái Thiêu là cửa ngõ của tuyến “tử thủ” cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Do đó, trên một diện tích chưa đầy 4km2, chúng bố trí 3 tiểu đoàn bảo an, 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh và gần 2.000 quân trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương.

Sau khi xem xét các mặt mạnh, yếu của địch, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu quyết định không đánh lần lượt từ ngoài vào trong mà tập trung lực lượng, kết hợp luồn sâu, ém sẵn và thọc sâu bằng cơ giới tiến công vượt qua Lái Thiêu từ 2 đầu. 

“4h30 ngày 30/4/1975, tôi ra lệnh tiến công, một phát pháo hiệu bay vút lên không trung, các trận địa pháo đồng loạt nổ súng bắn vào khu địch. Từ những phút đầu, các chiến sĩ của Trung đoàn dùng bộc phá phá tung các lớp rào kẽm gai, thùng phuy chặn đường. Địch bị bất ngờ không kịp chống trả, nhiều tên bỏ chạy tán loạn”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể. 

Khi tiến công trên trục đường 13, đến ngã ba Lái Thiêu, ta bắn cháy 3 xe tăng và bắt sống 1 pháo 175 “vua chiến trường”. Tại trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, sau ít phút nổ súng, địch đi thành hàng cầm vải trắng giơ cao xin hàng. 

Sau hơn 2 giờ chiến đấu, đến rạng sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 đã làm chủ quận lỵ Lái Thiêu. Tuyến “tử thủ” mà quân Ngụy đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan, cánh cửa phía Bắc Sài Gòn rộng mở.

Ngay sau đó, Trung đoàn 27 tổ chức lực lượng để chiếm đánh bằng được cầu Vĩnh Bình. 

9h30 ngày 30/4/1975, Trung đoàn 27 và Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 đến cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10km. Tại cầu Vĩnh Bình, địch đang co cụm lại, có nhiều xe tăng, quân ta phải dùng pháo 37 ly đánh kìm đầu địch.

Lúc này, Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc (Đại đội trưởng xe tăng) bị hỏng xe nên đã xuống chỉ huy B40, B41 bắn cháy 3 xe, các hỏa lực bắn kiềm chế địch. Sau đó, các đơn vị của ta đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Trong trận đánh tại cầu Vĩnh Bình, Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh.

“Lúc đó, tôi nói với các anh em đưa Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc lên xe để cùng tiến vào Sài Gòn”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bùi ngùi kể.

Khi đường đã thông, đoàn quân ào ào tiến vào Sài Gòn.

10h, Trung đoàn 27 chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện 175). Sau đó, Trung đoàn bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn.

“Ngày 30/4 lịch sử, khi quân địch tuyên bố đầu hàng, biển người đổ ra khắp các tuyến đường, phất cờ tung hô, mọi thứ như vỡ òa. Đấy là một mùa Xuân vui nhất, đẹp nhất của cả dân tộc”, ánh mắt đầy tự hào, Thượng tướng Hiệu nói.

Giữ lời hứa, hôm sau ông Hiệu và đồng đội đã tổ chức về thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu cùng đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa trái.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông về Lạng Sơn tiếp tục học tập và sau đó nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu nói, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để đi đến thắng lợi to lớn và quyết định này, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Ông cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, hội nhập sâu rộng quốc tế, tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp…, chúng ta cần phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để vượt qua mọi khó khăn.

Tinh thần của Việt Nam là gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Việt Nam theo đường lối ngoại giao độc lập – tự chủ, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới. 

“Các thế hệ phải hiểu, nắm rõ văn hóa, lịch sử của đất nước, đặc biệt là nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Tuổi trẻ phải làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ vận mệnh chính là phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập, làm chủ công nghệ hiện đại”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.

Ông khẳng định chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của TPHCM sau 50 năm giải phóng.

Ông khẳng định thành phố đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước. TPHCM đã không ngừng đổi mới, xây dựng hạ tầng hiện đại, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao, đồng thời giữ vững vai trò là trung tâm giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó, vị Thượng tướng cũng lưu ý TPHCM cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giải quyết các thách thức như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh trật tự và an sinh xã hội để phát triển bền vững.

Má Sáu Ngẫu tên thật là Huỳnh Thị Sáu (sinh năm 1930, tại quận lị Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).

Ngay từ nhỏ, má Sáu Ngẫu đã tham gia công tác giao liên ở địa phương, làm nhiệm vụ tuyên truyền, rải truyền đơn, dẫn đường cho cán bộ từ chiến khu về cơ sở hoạt động bí mật. Năm 18 tuổi, má Sáu Ngẫu thoát ly đi làm cách mạng tại Chiến khu Đ.

Sau ngày chồng hy sinh, má Sáu Ngẫu một lòng một dạ thờ chồng, nuôi con, phục vụ cách mạng. Má lâm bệnh nặng và qua đời năm 1989.

Năm 2021, tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức khánh thành tượng đài “Má Huỳnh Thị Sáu” – người đã trao tấm bản đồ căn cứ địch cho trung đoàn 27, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Để tưởng nhớ, tri ân những công lao của má Sáu Ngẫu, Nhà nước đã trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cho má.

Trong những năm tháng cùng nhau hoạt động bí mật trong lòng địch, vợ chồng má Sáu Ngẫu đã phối hợp lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng. Đặc biệt, từ hiệu quả công tác địch vận, vào năm 1961, chồng má Sáu Ngẫu là cán bộ Đinh Quang Ky (bí danh Tư Ca) đã có được tấm bản đồ vô cùng quý giá. Tấm bản đồ thể hiện chi tiết đặc điểm địa lý, địa hình Sài Gòn và sơ đồ bố trí lực lượng các đơn vị của địch ở khu vực Lái Thiêu và vùng ven Sài Gòn.

Tài liệu vô giá này được chiến sĩ Tư Ca giao cho vợ cất giữ, bảo quản cẩn thận.

Năm 1968, trong một chuyến công tác thâm nhập cơ sở hỗ trợ chiến dịch tấn công địch từ hướng Lái Thiêu đến Sài Gòn, cán bộ Tư Ca bị sa vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh. Sự ra đi đột ngột của chồng khiến má Sáu Ngẫu vô cùng đau đớn, nhưng má đã cắn răng vượt qua để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ cách mạng.

Kỷ vật vô giá của chồng là tấm bản đồ sau đó đã được má Sáu Ngẫu sử dụng làm công tác tham mưu, tổ chức lực lượng dẫn đường cho Trung đoàn 27 tiến vào nội đô Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nội dung: Nguyễn Hải

Thiết kế: Đức Bình



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tam-ban-do-cua-ma-sau-ngau-chi-duong-doan-quan-tien-cong-vao-sai-gon-20250418231023839.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *