Trưa 6/5, TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội quyết định tạm dừng phiên tòa xử vụ ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường gần 44 tỷ đồng do có hành vi giữ bằng cử nhân và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng của ông suốt thời gian dài.
Hội đồng xét xử cho rằng đơn khởi kiện ban đầu của ông Hảo và trình bày tại phiên tòa có nhiều điểm khác biệt. Số tiền nêu ra trong đơn khởi kiện lúc đầu trên 36 tỷ đồng nhưng tại phiên tòa sáng 6/5, ông Hảo đã điều chỉnh tăng lên gần 44 tỷ đồng.
Ông Dương Thế Hảo sau phiên tòa (Ảnh: Phùng Minh).
Vì thế, hội đồng xét xử đề nghị ông Hảo cung cấp bảng đánh giá chi tiết, làm rõ căn cứ của từng khoản tiền đề nghị bồi thường để tòa án có cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ.
Vì sao đề nghị bồi thường gần 44 tỷ đồng?
Tại phiên tòa, ông Hảo khẳng định bị Trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ bằng tốt nghiệp suốt 25 năm, hồ sơ cá nhân bị giữ trong 30 năm, hộ khẩu cá nhân bị giữ 15 năm.
Khi nhập học, ông Hảo nói đã nộp hồ sơ, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ, địa chỉ tạm trú cũng được chuyển về trường. Song do không lấy được bằng tốt nghiệp nên toàn bộ hồ sơ gốc của ông bị giữ lại.
Thiếu bằng đại học, cuộc sống cá nhân của ông bị đảo lộn, không thể đăng ký kết hôn, đăng ký hộ khẩu, không thể làm giấy khai sinh cho con tại Hà Nội.
Hai con ông Hảo không được theo học trường công ở Hà Nội dẫn đến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những năm 2000, ông làm trong lĩnh vực bất động sản nhưng không có chứng minh nhân dân nên thường phải thuê người đứng tên mua bán, đứng tên trên giấy tờ.
Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: Thế Kha).
Đến năm 2019, ông Hảo mới nhận được bằng tốt nghiệp đại học từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sau khi khởi kiện ra tòa và trải qua 5 phiên hòa giải.
Khi đó, ông tiếp tục khởi kiện lần 2, đề nghị điều chỉnh năm tốt nghiệp đại học thành năm 1989 và yêu cầu nhà trường bồi thường những tổn thất về thu nhập, tinh thần, cơ hội nghề nghiệp, quyền công dân.
“Tôi tốt nghiệp năm 1989 nhưng bằng tốt nghiệp do trường cấp năm 2019 lại ghi thời điểm tốt nghiệp là năm 1994, là không đúng”, ông Hảo nói.
Số tiền đề nghị bồi thường gần 44 tỷ đồng được ông Hảo thống kê từ các tổn thất, thiệt hại về vật chất và tinh thần trong suốt thời gian dài mà gia đình ông phải gánh chịu.
Nhà trường khẳng định không có hành vi “giữ bằng cử nhân”
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư đại diện cho Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, sau khi tốt nghiệp năm 1989 ông Hảo không liên hệ với trường để xin lại hồ sơ như những sinh viên khác.
Đến năm 2017, ông Hảo mới gửi thư đề nghị nhà trường trả lại hồ sơ. Khi đó, trường đã cấp xác nhận ông Hảo là cựu sinh viên, công nhận bảng điểm và xác nhận không còn lưu giữ hồ sơ của ông. Sau đó, ông Hảo gửi đơn lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vị luật sư cho rằng, nhà trường đã rất nỗ lực tìm lại hồ sơ của ông Hảo. Việc chậm trễ trả hồ sơ do nguyên nhân khách quan. Hơn nữa, thời gian đó, trường liên tục chuyển địa điểm, nhiều cán bộ nghỉ hưu hoặc qua đời, việc quản lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
Bằng cử nhân của ông Hảo được trường cấp năm 2019 (Ảnh: Thế Kha).
Đối với cáo buộc giữ bằng tốt nghiệp của ông Hảo suốt 25 năm, vị luật sư của Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ, trường không có hành vi “giữ bằng”, bởi đến năm 2019 trường mới cấp bằng cho ông Hảo.
Sau khi nhận lại bằng, ông Hảo có quyền khởi kiện đòi bồi thường nhưng ông không thực hiện ngay, nên theo luật sư, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện.
Về yêu cầu bồi thường gần 44 tỷ đồng, luật sư nói nguyên đơn chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, cũng như thiếu tài liệu xác thực.
Có mặt tại tòa, cán bộ Trường Đại học Kinh tế quốc dân lý giải nguyên nhân dẫn đến việc bằng tốt nghiệp của ông Dương Thế Hảo ghi năm tốt nghiệp 1994 dù ông hoàn thành chương trình học từ năm 1989.
Theo vị này, sinh viên bị hoãn công nhận tốt nghiệp trong thời gian từ 1-2 năm như ông Hảo phải đến trường nộp hồ sơ xét tốt nghiệp. Thế nhưng nhà trường không tìm thấy giấy tờ liên quan đến việc ông Hảo đã nộp hồ sơ xét tốt nghiệp từ năm 1989. Đến năm 1994, nhà trường mới ghi nhận tên ông Hảo trong danh sách xét tốt nghiệp.
Tại thời điểm đó, theo đại diện nhà trường, phôi bằng cử nhân do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, trường không có sẵn bằng để phát cho sinh viên như hiện nay.
Khi sinh viên đến, trường mới thực hiện thủ tục xin cấp phôi bằng và tiến hành in bằng. Từ năm 2015, Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới được phép tự chủ trong việc in phôi bằng và chứng chỉ.
Trước thời điểm đó, mọi việc in ấn đều phải thực hiện theo quy trình xin phôi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã có lời xin lỗi và đã trao bằng tốt nghiệp cho ông Hảo.
Hội đồng xét xử cho biết, quyết định tạm dừng phiên tòa để phía bị đơn – ông Dương Thế Hảo có thời gian làm rõ từng con số trong yêu cầu đòi bồi thường. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tam-dung-phien-toa-xu-vu-cuu-sinh-vien-doi-dh-kinh-te-quoc-dan-boi-thuong-20250506152929828.htm