Trung ương vừa thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên.
Lịch sử hình thành tỉnh Thái Nguyên
Từ rất xa xưa, vùng đất Thái Nguyên đã từng là nơi con người cư trú. Vào thế kỷ thứ III, Thái Nguyên thuộc huyện Vũ Định, sau đổi tên thành huyện Long Bình. Đến thế kỷ thứ VII được gọi là huyện Vũ Bình, rồi thành châu Thái Nguyên dưới đời nhà Lý.
Cuối thế kỷ XIV, châu được đổi thành trấn, năm 1407 đổi lại thành châu, tới năm 1408 thì trở thành phủ, năm 1677 trở thành trấn. Đến năm 1902, triều đình mới cử quan chức trấn nhiệm Thái Nguyên.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành “phên giậu” trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076-1077, phần đất phía nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống.
Năm Minh Mệnh 1831, đất nước được chia thành tỉnh hạt, trấn Thái Nguyên trở thành tỉnh Thái Nguyên. Khi đó, tỉnh này bao gồm hai Phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ; 2 Châu là Bạch Thông và Đinh Châu.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Thái Nguyên và lãnh đạo cuộc Kháng chiến chống Pháp từ căn cứ chính tại ATK Định Hóa. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954 cũng như quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và hàng loạt sự kiện quan trọng khác.
Từ năm 1956-1975, Thái Nguyên là một tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc và thành phố Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị.
Trước đó, năm 1890, chính quyền Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thời nhà Nguyễn thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Vào năm 1965, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Tỉnh Bắc Thái cuối cùng lại tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn vào năm 1997.
Khi đó, tỉnh Thái Nguyên gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và 7 huyện là Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Võ Nhai. Còn tỉnh Bắc Kạn có thị xã Bắc Kạn và 5 huyện là Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên (Ảnh: Mạnh Thắng – Thainguyen.gov.vn).
Tỉnh Thái Nguyên hiện nay có tổng diện tích 3.541,67km², xếp thứ 38 toàn quốc. Dân số gần 1,3 triệu người.
Về mặt hành chính, tỉnh được chia thành 9 đơn vị cấp quận huyện, bao gồm 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên), 6 huyện (Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương); 172 đơn vị hành chính cấp xã (121 xã, 41 phường và 10 thị trấn).
Thái Nguyên có vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75km và cảng Hải Phòng 200km.
Nơi đây là điểm nút giao thông quan trọng với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành: Quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang; đường Hồ Chí Minh; đường vành đai 5; Hệ thống đường sông Đa Phúc – Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội – Kép, Lạng Sơn.
Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân… Về than, ở đây có 4 mỏ với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Quặng sắt có 47 mỏ và điểm mỏ với trữ lượng gần 100 triệu tấn. Ti tan có 18 mỏ với trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn; thiếc có 3 mỏ với trữ lượng trên 13 triệu tấn; vonfram với trữ lượng trên 110 triệu tấn…
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông, lâm nghiệp. Chè Thái Nguyên, đặc biệt chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng cả nước Việt Nam với diện tích 21.361ha, đứng thứ 2 trong cả nước, được trồng tập trung ở 4 vùng (TP Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ) với sản lượng chè búp tươi trên 200.000 tấn/năm.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng (Ảnh: UBND tỉnh Thái Nguyên).
Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu thu ngân sách nhà nước tối thiểu đạt 23.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần thu hút và giải ngân là 99.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2024.
Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hiện đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Huy Dũng
Bắc Kạn được tách ra từ tỉnh Thái Nguyên
Nhìn lại lịch sử, ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm 4 Châu là Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rì), Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn).
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.
Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra nghị quyết tách tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; đồng thời chuyển 2 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã có hơn 9.000 thanh niên xung phong ra mặt trận, nhiều người trong đó đã lập công xuất sắc, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (Ảnh: Quốc Chính).
Tổng sản phẩm GRDP năm 2024 của Bắc Kạn theo giá so sánh ước đạt 9.531 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng.
Bắc Kạn là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, với độ che phủ rừng đạt 73,38%. Thu ngân sách năm 2024 của địa phương này đạt 930,3 tỷ đồng, tăng hơn 55,7 lần so với năm 1997. Tỷ lệ hộ nghèo ở Bắc Kạn từ 50% năm 1997 giảm xuống còn hơn 19% năm 2024.
Ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hiện là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là ông Nguyễn Đăng Bình.
“Đầu tàu” thành phố Thái Nguyên có gì đặc biệt?
Được coi là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long xưa – Thủ đô Hà Nội ngày nay, vùng đất thành phố Thái Nguyên trước kia luôn là nhịp cầu nối văn hóa giữa vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng và miền thượng du, biên ải. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khu vực này được mở rộng, phát triển dần về phía Tây Nam và trở thành thị xã Thái Nguyên.
Trải qua biến thiên của lịch sử, miền đất này có nhiều đổi thay, nhưng ở thời kỳ nào cũng đều giữ vị trí trung tâm của cả vùng Việt Bắc.
Ngày 19/10/1962 thị xã Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp thành thành phố Thái Nguyên, trực thuộc tỉnh; năm 2002 được công nhận là đô thị loại II. Năm 2010, thành phố Thái Nguyên được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 và Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định thành phố Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thành phố Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên trên 222km2, dân số trên 340.000 người. Đến nay, thành phố có hơn 22.600 hộ kinh doanh cá thể và trên 2.200 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thái Nguyên là vùng đất “đệ nhất danh trà” có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú (Ảnh: Linh Tâm).
Tính từ năm 2020 đến nay, thành phố đã thu hút thành công 20 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới trên 30.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Với lợi thế có vùng chè đặc sản Tân Cương, UBND thành phố Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh, khoảng 70% diện tích được sản xuất theo các quy trình an toàn, sạch, đóng góp lớn vào tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp.
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu đô thị trung tâm, “đầu tàu” kinh tế của tỉnh, thành phố Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố; sân vận động Thái Nguyên; cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2; cầu đường bộ kết nối xã Đồng Liên với phường Hương Sơn; công viên cây xanh phía sau quảng trường Võ Nguyên Giáp.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thai-nguyen-va-bac-kan-tung-31-nam-thuoc-tinh-bac-thai-20250414142942334.htm