Chiều 7/5, Tập đoàn FPT đã tổ chức Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia & Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Nhân lực là nòng cốt cho sự phát triển đất nước
Nghị quyết 57 được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Tại sự kiện, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ một thông điệp mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khí quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khẳng định nhân lực là nòng cốt cho sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình (Ảnh: BTC).
Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, nếu thời 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
“Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này”, chủ tịch FPT bày tỏ.
Hiến kế phát triển nhân lực cho quốc gia
Trong phiên tọa đàm “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW”, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: “Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng, mở ra cơ hội to lớn cho quốc gia, đặc biệt trong khoa học, công nghệ và phát triển nhân lực.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57, chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai. Đó là lý do Liên minh Nhân lực Chiến lược ra đời”.
Theo ông Khoa, những bài toán lớn được đưa vào nhà trường sẽ tạo nền tảng vững chắc. Khi tốt nghiệp, các sinh viên có thể trở thành nhà khoa học chuyên sâu hoặc nhà quản trị khoa học công nghệ, được nuôi dưỡng từ tinh thần Nghị quyết 57.
“Tôi tin rằng, đến năm 2045, Việt Nam sẽ có những nhà quản trị tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ”, ông Khoa kỳ vọng.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị VietinBank bày tỏ: “Từ góc độ của VietinBank, chúng tôi đánh giá Nghị quyết 57 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho toàn xã hội, đặc biệt trong việc huy động và phát triển nguồn lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
Chúng tôi đã và đang tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Bởi trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu chậm chân, chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn có nguy cơ bị thay thế”.
Các diễn giả tại phiên tọa đàm (Ảnh: BTC).
Tuy nhiên, dù đã có chiến lược rõ ràng, nhưng khâu thực thi vẫn là một thách thức lớn: “Để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng bộ và toàn diện từ cơ chế, chính sách, thể chế cho đến văn hóa tổ chức.
Vậy, yếu tố quyết định nằm ở đâu? Theo tôi, chính là ở con người – và điều này hoàn toàn trùng khớp với tinh thần của sáng kiến Liên minh Nhân lực Chiến lược. Tại VietinBank, chúng tôi cũng đặt con người làm trung tâm trong mọi định hướng phát triển, và chúng tôi đánh giá rất cao ý tưởng này”, ông Tùng cho biết thêm.
Tại tọa đàm, các diễn giả đều nhìn nhận thách thức chung là thiếu hụt nhân lực có năng lực thực thi các nghị quyết và chiến lược quốc gia.
Để giải quyết vấn đề này, Liên minh Nhân lực Chiến lược được thành lập. Một trong những sáng kiến quan trọng là chương trình đào tạo “Kỹ sư 57” do Đại học FPT khởi xướng.
Chương trình này được thiết kế đột phá, đào tạo nhanh chóng, gắn liền với thực tiễn, áp dụng cho sinh viên từ sớm. Nội dung đào tạo bao gồm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kinh tế số, trải nghiệm người dân, và các công nghệ chuyên sâu, với sự hỗ trợ của AI trong biên soạn chương trình và giảng dạy.
Đại diện từ các ngành như ngân hàng (VietinBank), nghiên cứu chính sách (Ban IV), đào tạo cán bộ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), và an toàn thông tin (Học viện Kỹ thuật Mật mã) đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nhân lực.
“Kỹ sư 57” không chỉ cần kiến thức công nghệ (AI, cloud, an ninh mạng) mà còn phải có tư duy quản trị hiện đại, kỹ năng phân tích nghiệp vụ, hiểu biết pháp lý và khả năng lãnh đạo quá trình chuyển đổi.
Liên minh và các chương trình đào tạo như “Kỹ sư 57” được kỳ vọng sẽ tạo ra một thế hệ nhân lực mới, có tư duy đột phá, đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Source link: https://dantri.com.vn/cong-nghe/the-he-ky-su-57-nguon-luc-tre-thuc-thi-nghi-quyet-57-20250507200431806.htm