Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), vừa có văn bản gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn xác định dự kiến quy mô biên chế.
Theo hướng dẫn, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh gồm các phòng thi hành án dân sự khu vực và các phòng chuyên môn, tham mưu – tương đương cấp phòng thuộc sở.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: VKSNDTC).
Phòng chuyên môn, tham mưu có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và quản trị nội bộ.
Căn cứ mảng, lĩnh vực quản lý, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh có không quá 5 phòng tham mưu (trừ trường hợp đặc biệt), gồm: Văn phòng; Phòng Tài chính – Kế toán; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng nghiệp vụ thi hành án.
Phòng thi hành án dân sự khu vực có trưởng phòng, phó trưởng phòng, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án, chuyên viên, văn thư.
Phòng thi hành án dân sự khu vực không có tư cách pháp nhân, không ra quyết định thi hành án, không quản lý ngân sách, kinh phí, tài chính, tài sản phát sinh từ hoạt động thi hành án.
Về quy mô biên chế, Tổng cục Thi hành án dân sự dự kiến không bố trí đội ngũ công chức làm công tác kế toán, thủ kho, thủ quỹ, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các phòng thi hành án dân sự khu vực.
Số biên chế kế toán, thủ kho, thủ quỹ, nhân sự làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các Chi cục Thi hành án dân sự (cũ) sẽ được điều chuyển về cơ quan thi hành án dân sự tỉnh để làm công tác này.
Trên cơ sở nhu cầu của từng đơn vị, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết sẽ xem xét bố trí đội ngũ công chức cho phù hợp. Cụ thể, dự kiến không quá 50% số lượng kế toán, thủ kho, thủ quỹ được bố trí tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh.
Các trường hợp giữ ngạch kế toán viên, chuyên viên khác có bằng cử nhân luật, nếu có nguyện vọng có thể được xem xét chuyển ngạch chuyên viên làm công tác thi hành án dân sự.
“Số công chức còn lại nếu không sắp xếp được vị trí phù hợp thì đề xuất tổng cục điều động đến các địa phương có nhu cầu hoặc tinh giản biên chế”, Tổng cục Thi hành án dân sự nêu rõ.
Ngoài ra, phòng thi hành án dân sự khu vực mới được hình thành sẽ bao gồm toàn bộ số biên chế còn lại tại các Chi cục Thi hành án dân sự (cũ).
Thống kê trước đó cho thấy, toàn hệ thống thi hành án dân sự có hơn 1.100 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc (Ảnh minh họa: THA).
Như Dân trí thông tin trước đó, hơn 1.100 công chức tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đăng ký xin nghỉ sớm đang được Tổng cục Thi hành án tổng hợp, thẩm định, tham mưu giải quyết chế độ chính sách.
Toàn hệ thống thi hành án dân sự hiện có 270 phòng thuộc 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Đến đầu năm nay, cả nước có 693 chi cục thi hành án dân sự, trung bình mỗi chi cục có 9,4 biên chế.
606 chi cục thi hành án có dưới 15 biên chế (chiếm hơn 86%), chưa đáp ứng tiêu chí thành lập chi cục theo quy định tại Nghị định 123/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Dự kiến, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ được tổ chức lại thành Cục Quản lý Thi hành án dân sự và đi vào hoạt động từ ngày 1/7.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thi-hanh-an-dan-su-cap-tinh-se-duoc-to-chuc-nhu-the-nao-20250504214700264.htm