Mục tiêu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, nhấn mạnh khi phát biểu kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, sáng 26/4.
Quán triệt tinh thần “thần tốc, táo bạo” trong triển khai các dự án đường sắt, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai công việc nhanh, quyết liệt, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc.
Về nhiệm vụ tổng thể, Thủ tướng quán triệt tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ảnh: Đoàn Bắc).
Tinh thần được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là vừa phải triển khai công việc trước mắt, vừa phải triển khai các công việc lâu dài; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo nhân lực…
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2026.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố và có chiều dài tuyến chính hơn 390km; 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công với nguồn vốn sơ bộ khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).
Còn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Về vốn, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Ông giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Về phát triển công nghiệp đường sắt phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng nêu rõ phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quyết định về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6.
Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực. Thời gian hoàn thành của 2 đề án trong quý 2 năm nay.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt.
Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch tổng thể triển khai, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12/2026. Ông đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ mốc tiến độ tổng thể và nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Với dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
Về giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng nêu rõ các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 9.
Liên quan các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, yêu cầu các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-ra-toi-hau-thu-cho-2-dai-du-an-duong-sat-20250426140907176.htm