Ngày 17/4, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cùng G3 Media đã tổ chức tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia”, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế.
Mục tiêu là xác định rõ khái niệm công nghệ chiến lược cho Việt Nam và đề xuất những cơ chế, chính sách khác biệt, không đi theo lối mòn. Các chuyên gia đã thảo luận, nhìn thẳng thắn vào thực trạng về các vấn đề then chốt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần của Nghị quyết 57.
Qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi tư duy, loại bỏ những chính sách cũ không còn phù hợp, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nêu bật tầm quan trọng của việc tận dụng cơ hội từ các công nghệ mũi nhọn, hợp tác quốc tế để đưa Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn hay công nghệ sinh học… đều là những lĩnh vực quan trọng, nhưng cần xác định rõ lĩnh vực nào là công nghệ chiến lược.
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Chí Hiếu).
Đây cũng là một trong những yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết 57).
Tổng Bí thư chỉ đạo khẩn trương ban hành danh mục công nghệ chiến lược, trong đó chú trọng công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là lĩnh vực về đất hiếm.
Hơn 23.000 tiến sĩ có hoàn toàn đóng góp vào phát triển sản xuất?
Tại sự kiện, GS, TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán chia sẻ, các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… thường dành khoảng 14-15% nguồn lực cho khoa học công nghệ (KHCN), nghiên cứu cơ bản.
Tổng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thường dưới 40%, trong khi nghiên cứu phát triển chiếm trên 60% do họ có nền công nghiệp mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Hồ Tú Bảo chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: Chí Hiếu).
“Mức đầu tư chung cho KHCN thường quanh 3% GDP như Hàn Quốc, họ đầu tư rất cao lên tới 4,9% GDP cho nghiên cứu phát triển (NC&PT). Trong khi Trung Quốc, chỉ dành 6% cho nghiên cứu cơ bản, nhưng tới 83% trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Những con số này phản ánh chiến lược và cấu trúc KHCN riêng của mỗi quốc gia”, giáo sư Hồ Tú Bảo bày tỏ.
Theo đó, chúng ta chưa phân định rạch ròi ba loại hình nghiên cứu này, thường lẫn lộn giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Điều này rất khó tìm được dữ liệu chính xác về cơ cấu đầu tư, dù lực lượng các nhà khoa học tại Việt Nam đông đảo nhưng hiệu quả chưa cao.
Giáo sư Bảo dẫn thống kê tháng 8/2023 cho thấy, Việt Nam có xấp xỉ 743 giáo sư, hơn 91.000 giảng viên đại học, hơn 23.776 tiến sĩ.
“Đây là lực lượng trí thức rất lớn, nhưng thử hỏi bao nhiêu trong số hơn 23.000 tiến sĩ của Việt Nam đang thực sự gắn bó công việc hàng ngày trong việc phát triển sản xuất của đất nước? Trong khi Trung Quốc chỉ đầu tư 6% cho nghiên cứu cơ bản mà họ vẫn rất mạnh? Chúng ta có nên xem xét lại chủ trương phải đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản không?”, Giáo sư Bảo nêu quan điểm.
Giáo sư chỉ ra một số thách thức mà lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang gặp phải như:
Tính hàn lâm: Chủ yếu dừng lại ở nghiên cứu trong các viện, trường, tạo ra nhiều nghiên cứu nhưng ít chuyển giao vào sản xuất.
Thiếu gắn kết với sản xuất: Đây là điểm yếu cốt lõi. Khoa học công nghệ thiếu động lực từ nhu cầu thực tế của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Thiếu các chương trình trọng điểm quốc gia (Top-down): Chúng ta thiếu những “bài toán lớn” do nhà nước đặt ra để tập trung nguồn lực giỏi để giải quyết, như trước đây từng làm (chế tạo vũ khí thời kháng chiến, sản xuất penicillin, diệt sốt rét, rà phá thủy lôi…).
Phổ biến cách làm “Bottom-up”: Các đề tài nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ ý tưởng, sở trường cá nhân của nhà khoa học, mang tính xây dựng lực lượng là chính nhưng khó tạo đột phá lớn và giải quyết vấn đề trọng yếu của quốc gia.
Đề xuất mô hình KCC: Từ năm 2016, GS đã đề xuất mô hình đánh giá KHCN theo “Kiểu – Cách – Cỡ”. Kiểu: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu phát triển. Cách: nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu dựa trên dữ liệu (Data-driven research – một hướng cần đẩy mạnh). Cỡ: Đề tài nhỏ (bottom-up) và đề tài lớn (top-down – cần tăng cường).
Việt Nam cần công nghệ chiến lược nào?
Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam cần định hướng phát triển chip chuyên dụng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hiện tại, chúng ta có thể tập trung vào chip chuyên dụng tầm trung (ví dụ Viettel phát triển chip viễn thông kích thước 28-150nm), trong khi chip điện thoại cao cấp (3-5nm, xấp xỉ 20 tỷ transistor) đòi hỏi đầu tư cực lớn, Việt Nam chưa đủ khả năng tự chủ hoàn toàn nhưng có thể tham gia vào một số khâu nhất định”, Giáo sư Tuấn chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Chí Hiếu).
Theo Giáo sư Tuấn, Việt Nam cần có một số công nghệ chiến lược như:
Công nghệ Tự động hóa và Robot để ứng dụng trong sản xuất thông minh, logistics, vệ sinh đô thị, phòng chống dịch. Đặc biệt, trong thời điểm nhu cầu tự động hóa các nhà máy hiện có tại Việt Nam là rất lớn.
Công nghệ Vật liệu mới và Năng lượng sạch: Ứng dụng trong phát triển giao thông sạch, hạ tầng xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể tham gia.
Công nghệ Lưỡng dụng: Cần thúc đẩy phát triển các công nghệ phục vụ cả kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh. Việt Nam có thế mạnh và năng lực trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như phát triển công nghệ không gian, máy bay không người lái UAV.
Công nghệ Sinh học và Y sinh: Phục vụ y tế dự phòng, sản xuất vaccine, dược phẩm, quản lý sức khỏe đô thị.
Công nghệ Nông nghiệp: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi công nghệ cao, có thể bổ trợ cho công nghệ sinh học.
“Trí tuệ Nhân tạo (AI) có khả năng thay đổi nền tảng, hướng tới người máy thông minh hơn. Dữ liệu lớn (Big Data), Internet Vạn vật (IoT). Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) phải cần được quan tâm, ứng dụng trong quản lý đất đai, hành chính công, minh bạch hóa tài chính công”, Giáo sư Tuấn đề xuất.
Đặc biệt, công nghệ An ninh mạng và bảo mật thông tin là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn dữ liệu, hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số toàn diện sắp tới.
Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa nhấn mạnh, muốn triển khai công nghệ chiến lược, bắt buộc phải có các cơ chế chiến lược tương ứng. Không chỉ dựa vào ngân sách quốc gia, cần sự tham gia của địa phương, toàn xã hội và doanh nghiệp.
Vai trò then chốt của Công nghệ và Quản lý
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung Ương chia sẻ: “Kinh nghiệm làm việc của tôi (kể cả khi còn làm Chủ tịch thành phố Hải Phòng và tiếp xúc với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tầm quan trọng của việc phân biệt rõ: Chiến lược và Chính sách”.
Chiến lược: Là kế hoạch, tầm nhìn dài hạn (đến năm 2030, 2045 hoặc xa hơn), xác định hướng đi chính, đây ví như “xương sống” của con cá.
Chính sách: Là hệ thống các nguyên tắc, cơ chế, giải pháp cụ thể để hiện thực hóa chiến lược, giúp đi đúng hướng và đi nhanh. Ví như các bộ phận khác (vây, thân…) giúp con cá bơi hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung Ương chia sẻ (Ảnh: Trung Nam).
“Thực tế cho thấy nhiều quốc gia dù hạn chế tài nguyên nhưng vẫn vươn lên hàng đầu thế giới nhờ công nghệ. Khi trao đổi tại Hàn Quốc, họ đã nhấn mạnh hai yếu tố cốt lõi làm nên sự phát triển thần kỳ của họ là “quản lý và công nghệ”.
Điều này tương đồng với quan điểm của Peter Drucker: “Không có quốc gia kém phát triển, chỉ có quốc gia quản lý kém”. Các cuộc cách mạng công nghiệp (từ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa đến số hóa và AI hiện nay) đều khẳng định vai trò động lực của công nghệ, nhưng phải đi cùng với năng lực quản lý hiệu quả”, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.
Một đề nghị quan trọng là chúng ta cần xác định rõ danh mục công nghệ chiến lược của Việt Nam một cách tập trung, có trọng điểm, thay vì các danh mục dàn trải như trước đây (ưu tiên, mũi nhọn…). Cần phân tích kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) của từng lựa chọn công nghệ, học hỏi từ cả kinh nghiệm thành công và thất bại trên thế giới.
Theo PGS Nguyễn Văn Thành, chúng ta phải nhận diện cả mặt tích cực và tiêu cực. Ví dụ, AI mang lại cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của con người trong xã hội AI.
Kỷ nguyên số đặt dữ liệu vào vị trí trung tâm, ai nắm dữ liệu, người đó chiến thắng. Tuy nhiên, đi kèm là thách thức cực lớn về đảm bảo quyền riêng tư, an ninh dữ liệu. Vụ việc rò rỉ hơn 1 triệu hồ sơ bệnh án ở Singapore là bài học đắt giá về nguy cơ gây bất ổn, xung đột xã hội nếu vấn đề này không được quản lý tốt.
“Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, với nguyên tắc cốt lõi là thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải rõ ràng, minh bạch để mọi người dân, doanh nghiệp biết điều gì được làm, điều gì không được làm và phải tuân thủ. Cần khắc phục tư duy tìm cách lách luật, coi thường kỷ cương”, PGS Thành nhấn mạnh.
Theo đó, các Nghị quyết Trung ương gần đây như Nghị quyết 57 đã đề ra các quan điểm, giải pháp, đột phá quan trọng. Nghị quyết xác định rõ đột phá về khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng hàng đầu, có ý nghĩa như động cơ hơi nước của James Watt tạo ra cách mạng công nghiệp.
PGS Thành bày tỏ: “Việc Nghị quyết 57 được ban hành vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt (ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12) và do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo cho thấy tầm quan trọng chiến lược của nó. Vì vậy, đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, qua hội thảo hôm nay, hãy chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự đột phá để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Có ba thứ một khi đã qua đi thì không bao giờ trở lại, đó là lời nói, thời gian và cơ hội. Chúng ta cần hành động khẩn trương, bởi thời gian và cơ hội không chờ đợi. Đặc biệt, cần có chính sách đồng bộ để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì công nghệ không thể tự phát triển nếu thiếu con người vận hành và sáng tạo”.
Source link: https://dantri.com.vn/cong-nghe/thuc-day-cong-nghe-chien-luoc-can-chinh-sach-dac-biet-loai-bo-tu-duy-cu-20250417224513448.htm