Những ngày cận Tết, nhiều tiểu thương bán hoa, cây kiểng tại các chợ hoa xuân ở TPHCM phải thức trắng đêm, gồng mình chống chọi với cái lạnh, chịu cảnh muỗi cắn để canh hoa. Dù vất vả nhưng ai cũng hy vọng bán hết hoa, cây kiểng để về nhà sum họp cùng gia đình.
Một tiểu thương mệt mỏi ngủ thiếp đi bên cạnh các gốc đào được chuyển từ tỉnh Thái Bình vào công viên 23/9 (quận 1) để bán cho người dân chơi Tết (Ảnh: Hữu Khoa).
Các tiểu thương mắc màn ngủ tạm trước khu vực nhà ga ngầm Bến Thành (Metro số 1) để canh hoa Tết (Ảnh: Hữu Khoa).
Đa số họ là những người miền Tây, mang hoa lên thành phố bán đến đêm giao thừa để kiếm tiền về quê ăn Tết (Ảnh: Hữu Khoa).
Hơn 1h, anh Nguyễn Văn Lợi (Bến Tre) chỉnh lại các bóng đèn để thắp sáng cho hàng trăm gốc mai vàng (Ảnh: Hữu Khoa).
Gần 2h, ông Nguyễn Văn Trưởng (áo trắng, 65 tuổi, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cùng các nhân công lót dạ bằng nồi cháo gà được gia đình ông chuẩn bị từ dưới quê gửi theo cùng chuyến xe chở mai vàng.
“Tết nào tôi cũng chở hoa mai lên công viên 23/9 để bán cho khách hàng, công việc này kéo dài gần 20 năm. Tôi thuê 3 lô ở công viên để bày bán hơn 100 gốc mai vàng, giá thuê khoảng 10 triệu đồng, tiền xe chở mai từ dưới quê lên TPHCM hết 8 triệu đồng cho 2 chuyến. Hy vọng bán được hàng để về quê nhà đón Tết cùng con cháu”, ông Trưởng nói (Ảnh: Hữu Khoa).
Hơn 2h, nhưng các tiểu thương vẫn vận chuyển hàng chục chậu hoa cúc mâm xôi để bày bán trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, chợ hoa xuân tại công viên 23/9 năm nay ngoài các loài hoa cúc, hoa giấy, mai vàng… được bày bán thì số lượng hoa đào từ các tỉnh phía Bắc cũng chiếm số lượng lớn (Ảnh: Hữu Khoa).
Giấc ngủ tạm bợ của những tiểu thương tại chợ hoa Tết ở TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).
Một số tiểu thương mắc võng vào các cây xanh trong công viên 23/9 để ngủ tạm (Ảnh: Hữu Khoa).
Tiểu thương co ro trong đêm lạnh để canh hoa Tết ở công viên 23/9 (Ảnh: Hữu Khoa).
Những ngày cận Tết Ất Tỵ, công viên 23/9 tấp nập các loại xe chở hoa từ các tỉnh miền Tây lên. Các tiểu thương ở đây phải canh cả đêm để bốc hoa từ xe tải xuống (Ảnh: Nam Anh).
Anh Tùng (32 tuổi) vẫn phun thuốc trừ sâu cho vựa mai của gia đình. “Mai được chuyển từ miền Tây lên TPHCM để bán dịp Tết, thời tiết, không khí thay đổi, mai dễ bị sâu bệnh. Chúng tôi phải chăm kỹ trước khi giao hoa đến tay khách hàng chơi Tết”, anh Tùng nói (Ảnh: Nam Anh).
“Cả năm chăm bẵm chỉ chờ ngày bán kiếm tiền tiêu Tết, nông dân như chúng tôi cũng muốn có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình với người thân. Năm ngoái, phải đến giao thừa mới bán hết để về nhà, hy vọng năm nay sẽ được về nhà đón Tết sớm hơn”, bà Nguyễn Thị Hoa (quê Bến Tre) tâm sự (Ảnh: Nam Anh).
Đa số họ là những người miền Tây, mang hoa lên thành phố bán đến đêm giao thừa để kiếm tiền về quê ăn Tết (Ảnh: Nam Anh).
Vào ban đêm, nhiệt độ TPHCM hạ thấp, nhiều tiểu thương trùm chăn kín mít, co ro tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi (Ảnh: Nam Anh).
Một người phụ nữ tận dụng xe ba gác chở hàng để mắc võng ngủ cạnh hàng quất của gia đình (Ảnh: Nam Anh).
Theo nhiều tiểu thương, mùa hoa Tết năm nay được mùa, giá thành thấp hơn so với những năm trước nhưng sức mua giảm (Ảnh: Nam Anh).
Một em nhỏ ngủ tạm ngoài công viên khi theo bố mẹ lên TPHCM bán hoa Tết (Ảnh: Nam Anh).
Các xe tải chở hoa Tết từ các tỉnh miền Tây về bày bán tại công viên 23/9. Nhiều tiểu thương mong mỏi khách hàng đừng chờ đến ngày cuối cùng của năm mới mua hoa. Có như vậy họ mới được về quê nhà sớm, sum họp bên gia đình (Ảnh: Hữu Khoa).
Source link: https://dantri.com.vn/tet-2025/tieu-thuong-co-ro-trong-dem-lanh-mong-ban-het-hoa-de-ve-nha-an-tet-20250127175443549.htm