Phòng khách – Tập trung hệ thống ngữ cảnh chiếu sáng
Anh Phạm Thanh Tùng (1992, Hà Nội) và vợ đều là tiến sĩ Harvard, cũng là chủ nhân của căn hộ chung cư 80m2 tại quận Hoàng Mai.
Ưa chuộng phong cách sống tối giản. Vì thế, cả phần nội thất lẫn hệ thống smarthome đều được anh lựa chọn và cấu hình theo hướng tinh gọn, đơn giản mà hiệu quả.
Cả phần nội thất lẫn hệ thống smarthome đều được anh lựa chọn và cấu hình theo hướng tinh gọn, đơn giản mà hiệu quả.
Hệ thống không ưu tiên số lượng thiết bị mà tập trung vào tính thiết thực giải quyết những vấn đề xoay quanh cuộc sống hằng ngày. Mỗi thiết bị được lắp đặt đều có tác vụ rõ ràng, phục vụ nhu cầu cụ thể. Các thiết bị smarthome này có thể tích hợp cùng một giao diện điều khiển cũng như hệ sinh thái.
Cửa chính sử dụng khóa thông minh có khả năng mở khóa bằng vân tay. Việc này giảm phụ thuộc vào khóa vật lý, tăng độ bảo mật, đồng thời tối ưu trải nghiệm ra vào nhà.
Khóa cửa còn có chế độ “khóa trẻ em”, ngăn trẻ nhỏ trong nhà tự ý mở cửa.
Không gian phòng khách được kết hợp liền mạch với bếp, loại bỏ các vách ngăn truyền thống. Cách bố trí này phù hợp với diện tích hạn chế, đồng thời giúp các thiết bị smarthome hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường liền khối.
Gia chủ có nhiều giải pháp để điều khiển các hệ thống trong nhà.
Tại khu vực phòng khách, các thiết bị thông minh tập trung chủ yếu vào giải pháp điều khiển và quản lý, bao gồm đèn trần đóng vai trò chiếu sáng chính và các dải đèn hắt lắp đặt âm tường hoặc trên kệ tủ để tạo lớp ánh sáng phụ, vừa tăng hiệu quả chiếu sáng, vừa đóng vai trò định hình không gian.
Với việc tích hợp toàn bộ hệ thống đèn vào nền tảng smarthome, người dùng có thể điều khiển bằng nhiều phương thức khác nhau. Thay vì phụ thuộc vào cảm biến, công tắc tại chỗ, toàn bộ hệ thống ánh sáng giờ đây có thể được điều khiển từ xa qua smartphone, loa thông minh hoặc bảng điều khiển trung tâm.
Người dùng có thể bật/tắt từng đèn riêng lẻ hoặc kích hoạt các ngữ cảnh chiếu sáng đã được cấu hình sẵn, ví dụ: xem phim, đọc sách hay tiếp khách.
Việc sử dụng điều khiển bằng giọng nói cho phép người dùng thao tác thuận tiện trong các tình huống đang bận tay hoặc di chuyển trong nhà. Ví dụ, chỉ cần câu lệnh đơn giản, toàn bộ ngữ cảnh ánh sáng tương ứng sẽ được kích hoạt ngay lập tức.
Khu vực bếp – Giải pháp hút mùi và cảnh báo rò rỉ nước
Từ phòng khách sang khu vực bếp, hệ sinh thái thiết bị thông minh tiếp tục được triển khai với tiêu chí đơn giản, hiệu quả và sát với nhu cầu thực tế.
Tủ lạnh với cửa kính trong suốt, chỉ cần gõ tay vào sẽ tự động bật đèn cho thấy thực phẩm bên trong, hạn chế việc mở tủ lạnh không cần thiết.
Khu vực bếp không được trang bị quá nhiều thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp smarthome trọng điểm nhằm xử lý hai vấn đề đặc thù thường gặp trong không gian bếp: mùi nấu ăn và nguy cơ rò rỉ nước.
Vấn đề đầu tiên là kiểm soát mùi. Trong căn hộ có diện tích giới hạn, đặc biệt là thiết kế không gian mở, việc xử lý mùi trở nên quan trọng để tránh ảnh hưởng đến các khu vực chức năng liền kề như phòng khách hoặc phòng làm việc.
Gia chủ sử dụng máy hút mùi cảm ứng chuyển động, được lắp đặt âm dưới tủ bếp. Thiết bị này cho phép điều khiển bằng cử chỉ tay.
Vẫy tay ngang sang phải để bật máy và tăng công suất hút, vẫy sang trái để giảm công suất hoặc tắt thiết bị, giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt hữu ích trong môi trường dễ bám bẩn như khi đang nấu ăn.
Điều khiển hút mùi không chạm giúp tránh bám bẩn thiết bị khi tay đang làm bếp.
Hệ thống vẫn giữ lại bảng điều khiển vật lý như một lựa chọn phụ, đảm bảo tính linh hoạt trong những tình huống không thể dùng cử chỉ vì cảm biến bị lỗi.
Vấn đề thứ hai là phát hiện rò rỉ nước – một rủi ro thường gặp trong khu vực có hệ thống cấp thoát nước như chậu rửa.
Để xử lý, gia chủ trang bị một cảm biến chống tràn nước đặt ẩn dưới bồn rửa. Cảm biến này hoạt động liên tục, có khả năng phát hiện rò rỉ nhỏ ngay từ đầu nhờ cơ chế phát hiện độ ẩm hoặc dòng nước bất thường trên sàn tủ dưới.
Cảm biến rò rỉ nước được đặt phía dưới bồn rửa.
Khi có dấu hiệu nước tràn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo qua app (ứng dụng) hoặc phát tín hiệu cảnh báo còi hú thông qua loa thông minh, hệ điều hành trung tâm.
Trong môi trường chung cư, áp lực nước thường cao và không gian kỹ thuật bị giới hạn thì việc trang bị cảm biến rò rỉ nước là giải pháp thực tế giúp giảm thiểu thiệt hại, tránh ngập nước, chập điện hoặc ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.
Khu vệ sinh: Điểm nhấn thiết bị đa công năng
Không chỉ tập trung vào không gian chính, hệ thống smarthome trong căn hộ còn được triển khai tại các khu vực phụ như phòng tắm, với mục tiêu nâng cao sự tiện nghi và tự động hóa trải nghiệm sinh hoạt hằng ngày.
Tại đây, gia chủ lựa chọn lắp đặt một thiết bị sưởi tích hợp đa chức năng bao gồm: thông gió, sưởi ấm, hút ẩm và chiếu sáng.
Thiết bị này đóng vai trò như một hệ thống điều phối khí hậu cục bộ, đặc biệt hữu ích trong điều kiện thời tiết đặc thù như mùa đông lạnh hoặc thời điểm nồm ẩm kéo dài ở miền Bắc.
Bên cạnh các chức năng cơ bản, thiết bị còn tích hợp đèn chiếu sáng cảm biến chuyển động, có khả năng tự động kích hoạt khi phát hiện người bước vào khu vực.
Đặc biệt, hệ thống ánh sáng này được thiết kế với cơ chế kích hoạt hiện/mờ dần, giúp ánh sáng tăng cường độ từ từ thay vì bật sáng tức thì. Đây là một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong trải nghiệm người dùng, đặc biệt là với người cao tuổi – nhóm dễ bị ảnh hưởng giấc ngủ nếu tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm.
Việc tích hợp nhiều chức năng vào một thiết bị duy nhất giúp tối ưu diện tích lắp đặt, giảm số lượng thiết bị độc lập trong không gian hạn chế như phòng tắm, đồng thời đơn giản hóa quy trình vận hành và bảo trì.
Phòng làm việc: Tối ưu sự riêng tư
Trong toàn bộ căn hộ, phòng làm việc là khu vực được đầu tư công nghệ nhiều nhất. Lý do đến từ tính chất công việc đặc thù của gia chủ. Cả hai vợ chồng có công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu nên không gian làm việc cần đảm bảo yếu tố cá nhân hóa và yên tĩnh.
Đây là không gian làm việc chung của cả 2 vợ chồng.
Cửa ra vào được lắp đặt một khóa thông minh sử dụng smartphone làm phương tiện xác thực.
Do phòng làm việc nằm ở hướng Tây thường rất nắng và nóng nên gia chủ đã lắp đặt hai hệ thống rèm cửa thông minh, có thể điều khiển đóng mở qua smartphone hoặc màn hình điều khiển trung tâm gắn tường.
Hệ thống rèm thông minh đôi ngăn sáng hiệu quả cho hướng Tây.
Hệ thống màn hình điều khiển trung tâm trong phòng làm việc không chỉ phục vụ thao tác với các thiết bị nội bộ như đèn, điều hòa, rèm… mà còn có thể truy cập vào camera thời gian thực từ các khu vực khác như phòng khách, cho phép theo dõi toàn bộ căn hộ mà không cần di chuyển.
Riêng điều hòa trong phòng làm việc được tích hợp với cảm biến nhiệt độ độc lập, giúp kiểm soát môi trường một cách chính xác hơn so với điều khiển bằng remote thủ công.
Hệ thống có thể duy trì nhiệt độ ở mức ổn định theo ngưỡng đã đặt sẵn, hỗ trợ tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe khi làm việc trong thời gian dài.
Một điểm nổi bật khác là nút kích hoạt ngữ cảnh làm việc được giấu tinh gọn trong ngăn kéo bàn. Khi nhấn nút, hệ thống sẽ tự động chuyển toàn bộ thiết bị về ngữ cảnh làm việc: rèm đóng, đèn chiếu sáng bật theo mức đã định, điều hòa chuyển sang chế độ tiết kiệm ổn định.
Toàn bộ quy trình này giúp giảm thời gian thiết lập thủ công và tạo ra một môi trường làm việc nhất quán, hiệu quả, đúng theo triết lý của hệ thống smarthome tối giản theo mục tiêu sử dụng.
Source link: https://dantri.com.vn/cong-nghe/tinh-thuc-dung-trong-chung-cu-thong-minh-cua-vo-chong-tien-si-harvard-20250426162029852.htm