Tinh thần này được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4.
Điểm lại nhiều thành tựu đất nước đạt được trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, Tổng Bí thư Tô Lâm gọi đó là “kỳ tích”.
“Đừng để dân đi khiếu kiện”
Việt Nam từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nay đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Quy mô nền kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, đứng thứ 34 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Cùng với đó, đề cập nhiều chính sách cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm, Tổng Bí thư cho biết từ năm học 2025-2026 sẽ miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT; nâng cao đời sống người dân, đặc biệt người lao động, người yếu thế, người có công với đất nước.
Về y tế, ông nêu mục tiêu “phấn đấu để mỗi năm mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần”; phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ 74,5 tuổi lên 80 tuổi vào năm 2045.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ, trò chuyện với các lão thành cách mạng, người có công tiêu biểu ở khu vực miền Bắc (Ảnh: Hải Long).
Thông tin tới các lão thành cách mạng về những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, ổn định; phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, tất cả vì nhân dân.
Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc, theo Tổng Bí thư, là hội nghị lịch sử với việc Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn ít nhất 100 năm, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.
Cụ thể hơn, Tổng Bí thư cho biết số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương; giảm 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã và không tổ chức cấp huyện.
Trung ương cũng thống nhất chủ trương sắp xếp tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng; tinh gọn bộ máy TAND, VKSND; kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp huyện…
Mô hình chính quyền địa phương mới, theo Tổng Bí thư, có 2 cấp gồm: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu).
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Hải Long).
Tổng Bí thư giải thích với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, vừa ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ngoài ra, cấp tỉnh còn trực tiếp chỉ đạo, quản lý hoạt động của cấp xã trên phạm vi địa bàn.
Còn cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương, cấp tỉnh ban hành. Cấp xã cũng được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Với mô hình này, Tổng Bí thư quán triệt cấp tỉnh quản lý các vấn đề chung và phải phân cấp xuống cấp xã.
Mọi thủ tục hành chính, mọi vấn đề liên quan đến người dân phải giải quyết ở cấp xã, theo yêu cầu của Tổng Bí thư.
Ông đề nghị cấp xã giải quyết sát sao mọi công việc để người dân không phải lên tỉnh, lên Trung ương. “Mọi việc của dân mà xã chưa làm được thì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Xã phải gần dân, sát dân, nắm được những yêu cầu của dân”, Tổng Bí thư tái khẳng định và lưu ý cấp xã “đừng để dân đi khiếu kiện”.
Theo ông, với những vấn đề của người dân mà không thể giải quyết, cấp xã cần báo cáo và quyết định, thay vì để người dân phải đi lên tỉnh.
Có những lãng phí không thể tính hết bằng tiền
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư chia sẻ sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên. Song trên thực tế, ông khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Đặng Quân Thụy (Ảnh: Hải Long).
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo ông, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục.
Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.
“Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực”, Tổng Bí thư nhận định.
Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tham dự buổi gặp mặt (Ảnh: Hải Long).
“Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền”, Tổng Bí thư nói.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã, Tổng Bí thư lưu ý sẽ không loại trừ tình trạng “đục nước béo cò”, “tranh tối tranh sáng” để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Vì vậy, ông khẳng định công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ tiếp tục được Đảng tiến hành với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh cùng các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc (Ảnh: Hải Long).
Thông tin thêm, Tổng Bí thư cho biết từ đầu năm 2024 đến tháng 4 năm nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã tiến hành khởi tố, điều tra hơn 6.000 vụ án và trên 13.000 bị can, đã truy tố 5.040 vụ và 13.519 bị can; xét xử sơ thẩm 5.134 vụ, 11.718 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế. Trong đó, các cơ quan đã khởi tố mới 1.197 vụ án, 4.811 bị can về tội tham nhũng.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 107 tổ chức đảng, 3.209 đảng viên.
Đáng lưu ý, trong số 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, có 28 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, gồm 3 lãnh đạo chủ chốt; 3 phó thủ tướng; 6 bộ trưởng; 10 bí thư; nguyên bí thư các thành ủy, tỉnh ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 26 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư cấp tỉnh.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-to-lam-nhan-manh-bo-ba-can-loai-bo-20250415141442703.htm