“Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, tổ chức hạ tầng kinh tế đưa thành phố Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao…”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu khai mạc hội nghị công bố đề án quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP Thủ Đức, vào sáng 6/2.
Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh, đây không chỉ là dịp công bố đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức, mà còn là cơ hội để TP Thủ Đức giới thiệu các dự án tiềm năng, mời gọi đầu tư hơn 535 dự án với 5 loại hình đầu tư, tổng nguồn vốn trên 800.000 tỷ đồng.
“Hôm nay là cột mốc đáng nhớ và minh chứng rõ nét cho sự hợp tác giữa TP Thủ Đức với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nơi các nhà đầu tư luôn tìm thấy những cơ hội sáng tạo và lợi ích dài hạn”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức rất quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ hội phát huy tối đa các cơ chế đặc thù chính sách phát triển TPHCM, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP Thủ Đức, góp phần xây dựng TPHCM trở thành trung tâm kinh tế văn hóa khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để quy hoạch này triển khai có hiệu quả, ông Mãi đề nghị tổ chức công bố rộng rãi đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến từng địa phương, hộ dân, nội dung phải cụ thể dễ hiểu để thực hiện đúng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức phải phối hợp các sở ngành lên kế hoạch chi tiết theo quy hoạch được duyệt, triển khai thủ tục, khảo sát thực hiện, hiện trạng thực tế, có kế hoạch làm việc từng vùng, địa bàn cụ thể để xây dựng kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn.
“Chậm nhất tháng 9 năm nay TP Thủ Đức phải hoàn thành các quy hoạch phân khu”, ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Mãi yêu cầu TP Thủ Đức cần tập trung nguồn lực hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện đầu tư khu đô thị đại học, mở rộng khu công nghệ cao trước 2030, tăng cường liên kết các địa bàn giáp ranh, đơn vị bạn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, gắn với phát huy thế mạnh lợi thế của từng địa phương.
“TPHCM kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư, TP luôn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để đạt được mục tiêu TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, trung tâm tài chính quốc tế”, ông Mãi nói thêm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, TP Thủ Đức là một trong những thành phố có quy mô dân số lớn nhất, năng động nhất, có nhiều công trình hạ tầng khang trang hiện đại, tổng thu ngân sách đạt 16.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan TP Thủ Đức và TPHCM.
Tuy nhiên, TP Thủ Đức vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vai trò trung tâm động lực phát triển lan tỏa của TP Thủ Đức chưa như mong muốn, hạ tầng quá tải, tắc nghẽn giao thông, ngập…
Để hiện thực đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng quy hoạch, tổ chức rà soát quy hoạch phân khu, khai thác hiệu quả dư địa đất đai, quản lý chặt chẽ đầu tư phát triển định hướng không gian. Bên cạnh đó là chú trọng việc bảo vệ môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, bền vững…
Thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TPHCM. Nơi đây là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa và là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo với quy mô dân số đến năm 2030 có khoảng 1,8 triệu người, đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người.
Quy hoạch chung TP Thủ Đức được kỳ vọng mở ra nhiều hướng phát triển mới nhờ vào tính kết nối và đồng bộ thông qua 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ Quy hoạch chung được duyệt.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn cũng mở ra nhiều không gian mới như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối tại TP Thủ Đức với phần còn lại của TPHCM. Sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại; phát triển đô thị theo định hướng gắn với giao thông công cộng (TOD); phát triển nhiều tuyến đường mới liên vùng như Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Nút giao Vành Đai 3 – Cao tốc TPHCM – Long Thành Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc TPHCM – Chơn Thành.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tp-thu-duc-moi-goi-dau-tu-cho-hon-535-du-an-20250206093937488.htm