Mới đây, UBND TPHCM đã có báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 55/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Chưa phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc giả
Theo đó, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 2/5, các sở, ngành và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức (cũ) đã ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai. Qua thời gian thực hiện, đã có nhiều kết quả trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với lĩnh vực y tế, từ ngày 19/5 đến ngày 31/5, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở, chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả theo các thông báo của Bộ Y tế nhưng ghi nhận 4 cơ sở có một số hành vi vi phạm, phạt tổng số tiền hơn 258 triệu đồng.
Chợ thuốc sỉ ở quận 10 (cũ), TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng thực hiện công tác hậu kiểm hàng chục cơ sở kinh doanh dược, dược liệu trên địa bàn TPHCM theo kế hoạch, và cũng chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả theo thông báo của Bộ Y tế.
Các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn bị ghi nhận các tồn tại về nhân sự, trang thiết bị, nguồn thuốc, hồ sơ sổ sách và việc thực hiện quy chế chuyên môn (như không báo cáo định kỳ thuốc kiểm soát đặc biệt; sắp xếp lẫn lộn thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các sản phẩm không phải thuốc).
Song song với Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý 1 vụ vi phạm về kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ (đã tạm giữ 18 hộp thuốc trị bệnh dạ dày trị giá 16,8 triệu đồng) và mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Đoàn kiểm tra của UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức (cũ) đã kiểm tra 1.623 nhà thuốc trên địa bàn (chiếm hơn 21% tổng số nhà thuốc đang hoạt động) và 338 phòng khám.
Qua đó, ghi nhận 47 cơ sở vi phạm, bao gồm 27 cơ sở bán lẻ thuốc (tổng số tiền phạt 176,5 triệu đồng) và 20 phòng khám (tổng số tiền phạt là 181 triệu đồng).
Các cơ sở có một số hành vi vi phạm như không báo cáo Sở Y tế về việc thay đổi người hành nghề, sổ khám chữa bệnh ghi chép không đầy đủ; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người tại cơ sở không phải là bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ…
Nhân viên một nhà thuốc tư vấn giá thuốc kiểm soát đặc biệt cho phóng viên mà không cần đơn thuốc (Ảnh: Diệu Linh).
Về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TPHCM đã triển khai lấy mẫu kiểm nghiệm. Qua đó, chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả theo các thông báo của Bộ Y tế.
Thu hồi và tạm giữ hàng nghìn chai sữa, thực phẩm chức năng
Đối với lĩnh vực thực phẩm, Đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TPHCM tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Sở An toàn thực phẩm đã kiểm tra 273 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vi phạm với số tiền là 270 triệu đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 cơ sở, buộc thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung “Hi Canxi” (hiệu Goldmilk), Sure (hiệu Gold Beta) và bột sữa dinh dưỡng Vita Nutri Diabetic Gold.
Bên cạnh đó, các Đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm đã lấy 66 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Các loại thực phẩm chức năng bị vứt tại bãi đất trống ở TPHCM thời gian gần đây (Ảnh: GL).
Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã thực hiện kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trong đó mặt hàng sữa là 2 vụ, mặt hàng thực phẩm chức năng là 3 vụ), số tiền phạt là 408 triệu đồng.
Cơ quan chức năng cũng tạm giữ hơn 47.600 đơn vị sản phẩm và 5,3 tấn hàng hóa với tổng trị giá 1,46 tỷ đồng (trong đó có hơn 4.600 chai sữa nước hiệu Ensure, hơn 2.200 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
Hành vi vi phạm của các cơ sở là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với lĩnh vực quảng cáo, Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra, xử lý 5 trường hợp vi phạm trong thực hiện quảng cáo ngoài trời, với số tiền xử phạt 120 triệu đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Thời Đại bị phát hiện hành vi “Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo” liên quan đến quảng cáo sữa có nội dung “Milo kết hợp với sữa mát A2”.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-phat-hien-nhung-gi-trong-dot-cao-diem-xu-ly-thuoc-gia-sua-gia-20250703115236274.htm