Truyền nhân Gen Z dùng công nghệ, “đu concert” giữ nghề quạt trăm năm

Truyền nhân Gen Z dùng công nghệ, "đu concert" giữ nghề quạt trăm năm


Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở làng nghề trăm tuổi Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) có một xưởng thủ công của gia đình 3 đời làm quạt truyền thống.

Đến đời của Nguyễn Thành (sinh năm 2002), máy in đã biến những chiếc quạt thủ công này thành những phần quà lưu niệm tinh xảo, còn mạng xã hội đã giúp làn gió mát từ một sản phẩm thủ công hiện diện trong concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, đến tận đảo Hawaii (Hoa Kỳ).

Truyền nhân Gen Z dùng công nghệ, “đu concert” giữ nghề quạt trăm năm (Video: Khánh Vi – Thương Huyền).

Truyền nghề bằng đôi tay, giữ nghề bằng máy móc

Từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Quang Hồng (cha của Long) đã được gia đình truyền lại nghề làm quạt giấy. Đôi bàn tay điểm nhiều vết đồi mồi ấy đã miệt mài, tỉ mỉ thực hiện tất cả các bước thủ công để biến những thanh tre, mảnh giấy dó thành những chiếc quạt đẹp mắt.

Khi gập vào quạt biến thành món đồ cầm tay trang nhã, còn khi mở ra lại thành vật làm mát không thể thiếu từ nông thôn tới thành thị.

Nghệ nhân Nguyễn Quang Hồng đã có 50 năm gắn bó với nghề làm quạt truyền thống Chàng Sơn (Ảnh: Hùng Anh).

“Từ 50 năm trước, tôi đã quen tay tất cả các bước thủ công làm ra một chiếc quạt: cắt, ngâm tre thế nào để không mốc và mối mọt, chẻ nan sao cho đẹp đều, dán nan (hay còn gọi là phất quạt) sao để quạt có được hình bán nguyệt gọn gàng, rồi gập theo các nan cho ra hình một chiếc quạt hoàn chỉnh…”, ông Hồng say mê kể lại cách một chiếc quạt ra đời từ đôi tay nghệ nhân làng nghề. 

Trong ký ức của ông, đã từng có thời điểm cả làng làm nghề quạt. Qua thời gian, nghề truyền thống thì vẫn còn, nhưng không còn mấy hộ trong làng còn bám nghề nữa. Đa phần giờ chỉ còn những người làm thuê khi các xưởng có nhu cầu.

Vài năm trước, ông Hồng nắm bắt được xu hướng mới: quạt không còn chỉ dùng để làm mát, mà còn là vật trang trí, quà lưu niệm. Mà để có được các sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt như vậy thì giấy dó in hình đơn giản, in chữ thư pháp hay nan tre hình dáng truyền thống không thể đáp ứng được hết.

Dù là truyền nhân nghề thủ công, ông Hồng vẫn xác định nếu không cải tiến hiện đại, nghề quạt sẽ khó phát triển (Ảnh: Hùng Anh).

“Trước đây, các hoạ tiết trên quạt được in thủ công bằng phương pháp in lưới truyền thống nên không đa dạng, chủ yếu là hình các chữ thư pháp hoặc trang vẽ đơn giản. Muốn quạt đẹp hơn thì cần in bằng cách khác”, ông Hồng nói.

Nan quạt càng cần sự tinh xảo. Trước đây nan quạt chỉ là các mảnh tre được cắt thành hình chữ nhật hay được bo tròn bằng tay. Giờ đây khách hàng còn muốn nan quạt có nhiều hoạ tiết như đục lỗ, sóng nước – những yêu cầu “khó nhằn” nếu thực hiện hoàn toàn thủ công.

Phần nan quạt được cắt gọn gàng, chính xác và tiết kiệm thời gian nhờ máy cắt laser (Ảnh: Hùng Anh).

Nghĩ là làm, dàn máy in kỹ thuật số, máy in chuyển nhiệt, máy cắt laser tiền tỷ được ông Hồng mua về để giữ nghề gia truyền. Ấy vậy mà với người nghệ nhân đầy tâm huyết, sự đầu tư đó mới chỉ là “thử nghiệm”.

“Máy in được bất cứ hình gì theo yêu cầu, còn nan quạt được cắt bằng máy cắt laser thì rất đều và đẹp. Đến giờ mọi chiếc quạt có hoạ tiết, hình ảnh thế nào tôi đều có thể chiều theo ý khách hàng”.

“Máy móc giúp quạt có ngoại hình đẹp hơn, nhưng để danh tiếng quạt Chàng Sơn lưu truyền trăm năm thì đẹp thôi là chưa đủ”, ông thợ nghề nói.

Máy in kỹ thuật số cho ra các bản màu quạt đẹp với số lượng lớn nhanh chóng (Ảnh: Hùng Anh).

Ở xưởng của ông Hồng, vẫn có bước bắt buộc phải làm bằng đôi tay: phết hồ và gắn nan quạt (hay còn gọi là phất quạt). Công đoạn này phải làm bằng tay nghệ nhân mới có thể đảm bảo độ đều, cân đối ở hai mặt. Giữ nghề là giữ cả kỹ thuật, giữ tiếng thơm của chiếc quạt Chàng Sơn.

Tại xưởng của gia đình ông Hồng vẫn giữ gìn kỹ thuật phất quạt thủ công tạo ra tiếng thơm truyền đời của chiếc quạt Chàng Sơn (Ảnh: Hùng Anh).

Cứ vậy, tùy vào số lượng đơn đặt hàng, xưởng của ông có thể sản xuất ra hàng chục nghìn chiếc quạt mỗi năm. Mỗi chiếc quạt mở ra là một tác phẩm khác nhau, chứa đựng câu chuyện mà người đặt muốn truyền tải và tâm huyết trong sản phẩm làng nghề.

Chốt đơn 1000 chiếc quạt nhờ liên tục bắt trend

Sau khi tốt nghiệp, Long – cậu con trai út được ông Hồng giao lại xưởng quạt. Có “anh chủ” Gen Z, tệp khách hàng mới của xưởng cũng được trẻ hoá.

“Anh chủ” Gen Z luôn muốn tìm cách để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình (Ảnh: Hùng Anh).

“Các fandom (cộng đồng fan hâm mộ) đặt hàng rất nhiều quạt có thiết kế riêng như một cách để ủng hộ thần tượng và thể hiện tình cảm của mình, lại rất thiết thực khi “đu” concert trong những ngày hè”, Long nói.

Khác với những mẫu quạt truyền thống với các hình vẽ, chữ thư pháp đơn giản, quạt thời nay được thiết kế với những hình họa, màu sắc bắt mắt nhờ các phần mềm thiết kế và sự cải tiến chất lượng in, in được trên nhiều chất liệu khác nhau.

Mẫu in quạt sẽ dựa trên mẫu khách gửi sẵn hoặc đặt thiết kế bên xưởng phụ trách.

Với mỗi đơn do các fandom đặt, số lượng quạt có thể lên tới 300, thậm chí 500 chiếc quạt và được đặt thêm liên tục. Quạt do các fandom đặt được thiết kế cầu kỳ, mang đậm chất riêng của mỗi nghệ sĩ, nhóm nhạc được fandom ủng hộ với mức giá từ 30.000 đến 35.000 đồng tùy vào chất liệu.

Trong thời gian diễn ra concert 5 và 6 Anh trai vượt ngàn chông gai, xưởng cũng “vượt chông gai” khi có fandom đặt hàng trăm chiếc quạt trong… 3 ngày. 

Cận cảnh chiếc quạt “vượt ngàn chông gai” của đơn đặt hàng hàng trăm chiếc cho fandom trong 3 ngày trước concert ATVNCG ngày 5 và 6 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thông thường, thời gian của một đơn hàng từ lúc đặt đơn đến khi giao tận tay là 5-7 ngày. Biết được thời gian của khách hàng rất gấp, xưởng nhanh chóng khởi động máy móc và huy động nhân lực để hoàn thành đơn hàng này.

Sau khi nhận được thiết kế khách hàng gửi, xưởng sẽ làm ra một bản mẫu để khách hàng xem trước màu sắc, chất liệu thực tế. Khi khách ưng ý, xưởng mới bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Long kiểm tra các sản phẩm quạt trong đơn hàng của fandom Nhà Tinh Hoa chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai trên máy in kỹ thuật số (Ảnh: Hùng Anh).

Mẫu thiết kế sẽ được in ra giấy bằng máy in kỹ thuật số để đảm bảo đúng hoạ tiết, màu sắc trên bản vẽ. Theo chia sẻ của Long, nếu chạy hết công suất, mỗi ngày máy có thể in đến 1500 chiếc.

Máy ép chuyển nhiệt sử dụng nhiệt độ và áp suất cao để ép hình ảnh từ máy in kỹ thuật số lên bề mặt vải dùng để làm quạt (Ảnh: Hùng Anh).

So với quạt truyền thống chỉ có thể làm bằng giấy, ngày nay, quạt có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ vải, lụa phi bóng… Sau khi có giấy in, thợ trong xưởng sẽ sử dụng máy ép chuyển nhiệt để in hình lên trên vải.

Nhờ công nghệ này mà bất cứ hình gì khách hàng yêu cầu đều có thể được in trên mọi chất liệu mà không ảnh hưởng đến thiết kế ban đầu.

“Lợi thế của xưởng tôi chính là máy móc hỗ trợ để sản xuất được số lượng lớn quạt với tốc độ nhanh chóng và chính xác, lại có có sẵn nguồn nguyên liệu và nhân lực trong làng nghề”, cậu chủ trẻ tuổi kể về quá trình hàng nghìn chiếc quạt đến với concert. 

Chỉ tính riêng trong 2 đêm concert gần nhất của ATVNCG, xưởng đã cho ra hàng nghìn chiếc quạt trả đơn đặt hàng của các fandom (Ảnh: Hùng Anh).

Bằng cách kết hợp công nghệ giúp giảm thời gian, tăng sản lượng và đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của thợ thủ công làng nghề, nghề truyền thống vẫn được giữ gìn, bảo tồn nguyên những giá trị vốn có của nó. 

“Giờ quạt đẹp lại có chất lượng tốt, tôi cảm thấy việc đầu tư máy móc dù đắt tiền nhưng xứng đáng. Áp dụng công nghệ sẽ phát triển nghề làm quạt này”, truyền nhân nghề quạt Gen Z khẳng định.

Đưa gió quạt truyền thống lên TikTok

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Long vẫn quyết định trở về làng nghề nơi mình sinh ra và lớn lên.

“Hướng về các giá trị văn hóa đang là xu hướng của những người trẻ. Tôi nghĩ, nếu làn sóng tìm hiểu và yêu thích Việt phục đã thành công thì quạt truyền thống cũng có thể”, anh nói.

Vậy là một ekip 3 người – gồm Long và 2 người bạn cùng quê quyết định mở trang TikTok mang tên xưởng quạt nhà mình.

Nhóm bạn trẻ có nhiều content (nội dung) sáng tạo xoay quanh xưởng quạt: từ chia sẻ các đơn hàng đặc biệt, câu chuyện của nghệ nhân… cho đến các video bắt trend.

“Không chỉ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mà chúng tôi còn sử dụng TikTok để kể những câu chuyện ở làng nghề.

Chúng tôi yêu nước, yêu văn hoá và mong muốn đẩy làn sóng này tới các Gen Z khác. Và cách chúng tôi lựa chọn là quảng bá sản phẩm truyền thống, thay lời các nghệ nhân chia sẻ tình yêu đối với nghề làm quạt”, Mai Hằng – cô bạn thường xuất hiện trong các video nói.

Mới hoạt động được 1 tháng, con số lượt tương tác tuy còn hạn chế nhưng hiệu quả của trang mạng xã hội đã giúp xưởng có thêm nhiều khách hàng mới.

“Nếu như trước đây khách hàng tìm đến là khách quen hoặc khách cũ giới thiệu cho khách mới thì giờ chúng tôi đã được biết đến nhiều hơn.

Giờ quạt đã có nhiều công dụng mới như vật trang trí cầm tay hoặc phương tiện quảng bá thương hiệu, khách đặt quạt để làm quà tặng sự kiện, đám cưới, chụp kỷ yếu… rất nhiều”, vừa nói Long vừa lấy ra những chiếc quạt đựng trong thùng lưu mẫu.

Giờ đây chiếc quạt không chỉ dùng để làm mát mà còn là công cụ quảng bá thương hiệu (Ảnh: Hùng Anh).

Không dừng lại ở những đơn đặt hàng ở 3 miền đất nước, chiếc quạt Chàng Sơn của xưởng nhà Long đã vượt Thái Bình Dương xuất hiện ở đảo Hawaii (Hoa Kỳ). Sản phẩm truyền thống của Việt Nam đã xuất hiện trên tay của các du khách ở “thiên đường nhiệt đới”.

“Chúng tôi sử dụng TikTok để làm cầu nối, mong sẽ có nhiều người trên thế giới biết đến sản phẩm của mình hơn. Những chiếc quạt này có ngoại hình và chất lượng xứng tầm để gió quạt Chàng Sơn bay xa hơn nữa”, Mai Hằng cười nói.

Ảnh: Hùng Anh

Video: Đỗ Thương Huyền, Khánh Vi



Source link: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/truyen-nhan-gen-z-dung-cong-nghe-du-concert-giu-nghe-quat-tram-nam-20250714100015839.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *