Từ vụ Bình Gold: Làm gì với “nhạc rác” và danh xưng nghệ sĩ xuống cấp?

Từ vụ Bình Gold: Làm gì với "nhạc rác" và danh xưng nghệ sĩ xuống cấp?


Nhập nhằng danh xưng nghệ sĩ, “nhạc rác” tràn lan

Gần đây, sự việc rapper Bình Gold (tên thật Vũ Xuân Bình, SN 1997) sử dụng ma túy, lái xe gây rối trên cao tốc, sau đó tiếp tục bị bắt vì cướp tài sản ở Hà Nội khiến dư luận bức xúc.

Bình Gold vốn là rapper có tiếng, sở hữu kênh cá nhân hơn 1 triệu lượt theo dõi cùng những bản rap phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, rapper này cũng vướng không ít ồn ào trong sự nghiệp, thường xuyên bị công chúng chỉ trích vì hát nhạc thô tục, phản cảm, thiếu giá trị nghệ thuật.

Hồi tháng 4, Bình Gold gây tranh cãi khi phát hành ca khúc ADAMN có ca từ về ma túy. Cuối năm 2024, ca khúc Đổi tư thế của Bình Gold kết hợp rapper Andree Right Hand cũng vấp phải làn sóng phản đối từ khán giả khi có nhiều câu rap ẩn ý về tình dục, dung tục.

Trong quá khứ, nam rapper này từng phải gỡ bỏ loạt MV như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Bật chế độ bay lên… vì nội dung thiếu chuẩn mực đạo đức, cổ xúy lối sống ăn chơi, tệ nạn.

Trước khi vướng lùm xùm sử dụng ma túy, rapper Bình Gold từng vướng nhiều tai tiếng vì hát nhạc dung tục (Ảnh: Facebook nhân vật).

Từ sự việc của Bình Gold, khán giả cũng đặt dấu hỏi trước hiện tượng nhập nhèm, loạn danh xưng “nghệ sĩ tự phong” và hàng loạt sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, “nhạc rác” đang tràn lan thị trường.

Nửa đầu năm nay, loạt ca khúc có lời ca vô nghĩa, phản ánh lối sống dễ dãi, tục tĩu xuất hiện ồ ạt trên các nền tảng như TikTok, YouTube. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, gần đây, ca khúc Nu cep của Wxrdie hay Bạn thân em của Hữu Stream và Rocky CDE… có ca từ phản cảm nhưng lại được giới trẻ yêu thích, liên tục sử dụng trên các nền tảng.

Năm 2024, ca khúc Fever của Coldzy và tlinh với những câu từ ẩn ý miêu tả cảnh nhạy cảm nhưng không gắn nhãn 18+ từng tạo nên nhiều bình luận trái chiều. Cuối năm 2023, B Ray cũng gây tranh cãi vì ca khúc Để ai cần có ca từ chửi tục, thái độ hằn học.

Rapper Coldzy và tlinh từng bị chỉ trích vì hát nhạc có ca từ nhạy cảm, gợi dục (Ảnh: Facebook nhân vật).

Khán giả cho rằng, nhiều rapper đang lợi dụng khái niệm hoạt động ở underground (nhạc ngầm), “hát để thể hiện cá tính” mà bất chấp trách nhiệm xã hội với khán giả đại chúng.

Bên cạnh đó, không ít rapper vướng ồn ào đời tư, mang hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức khiến dư luận ngán ngẩm. Trước Bình Gold, giới rapper Việt vừa qua cũng xảy ra những lùm xùm như: Rapper Niz bị vợ cũ tố bạo hành, thiếu trách nhiệm; MCK bị chỉ trích vì thái độ bất cần, nhiều phát ngôn không phù hợp; 24K.Right, Obito bị tố không nghiêm túc trong chuyện tình cảm…

Một số khán giả để lại bình luận: “Tại sao làng nhạc tồn tại những rapper như vậy?”; “Phải chăng cứ cầm mic là thành ca sĩ, rapper, dễ dàng kiếm tiền dù không có đóng góp gì cho nghệ thuật chân chính?”; “Khi âm nhạc trở thành phương tiện để ca sĩ khoe mẽ, lan tỏa những điều tiêu cực, lối sống phóng túng, thì đây không còn là vấn đề về nhạc rác mà đã trở thành vấn đề của xã hội”…

Tiếp nhận âm nhạc độc hại: Điều gì sẽ xảy ra?

Giới chuyên gia và khán giả nhận định, không thể phủ nhận sự vươn mình mạnh mẽ của nhạc rap trong vài năm gần đây. Nhiều rapper trẻ trở thành thần tượng của đông đảo khán giả nhờ âm nhạc cá tính, tư duy nghệ thuật sáng tạo. Tuy nhiên, ranh giới giữa thể hiện cái tôi và sự nổi loạn trong âm nhạc lẫn đời thường của giới rapper, vẫn cần có giới hạn và tuân thủ thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức.

Việc giới ca sĩ sống buông thả, thiếu chuẩn mực trong phát ngôn, hành vi ứng xử, đi kèm với những sản phẩm tục tĩu, truyền bá tư tưởng “méo mó”… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, tác động trực tiếp đến đối tượng thưởng thức âm nhạc, trong đó đa số là giới trẻ.

Ca khúc “Đổi tư thế” của Andree Right Hand và Bình Gold vướng tranh cãi vì nội dung ẩn ý tình dục (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, mỗi người làm nhạc có những quan điểm riêng, tùy thuộc vào môi trường công việc, phông văn hóa. Có người đề cao giá trị nghệ thuật, có người đề cao giá trị thương mại, có người cân bằng 2 yếu tố đó và cũng có người đề cao cá tính, những yếu tố gây sốc để được chú ý. Đó là lý do xuất hiện nhiều bài hát có ca từ dung tục, nội dung trần trụi, buông thả. 

“Khán giả là đối tượng thụ hưởng chính của âm nhạc và có quyền phán xét bài hát đó có dung tục hay không. Rõ ràng, giới trẻ – những người chưa có định hướng rõ ràng về quan điểm sống – rất dễ bị cuốn vào tư tưởng, cách sống của người nổi tiếng, cho rằng đó là phong cách thú vị, cá tính”, Nguyễn Văn Chung nói với phóng viên Dân trí.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An phân tích, âm nhạc nghệ thuật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý con người. Khi con người tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc dung tục, “nhạc rác”, họ sẽ mất dần sự nhạy cảm với những điều phản cảm.

“Những bài hát thô tục, nội dung đề cao lối sống phóng túng, vật chất, hoặc thậm chí là bạo lực, có thể được khán giả xem là “bình thường hóa” và dần được chấp nhận, thậm chí là khiến người nghe bắt chước”, chuyên gia Hoàng An nhận định.

Theo chuyên gia, âm nhạc mang nội dung kém chất lượng, cổ xúy lối sống thực dụng, thiếu kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử của giới trẻ. Từ đó, những ca khúc vô bổ cũng làm giảm khả năng cảm thụ những giá trị nghệ thuật đích thực, khiến giới trẻ dễ dãi hơn trong việc chọn lọc sản phẩm văn hóa.

Có nội dung nhảm nhí, ca khúc “Bạn thân em” vẫn được nhiều TikToker lăng xê thời gian gần đây (Ảnh: Chụp màn hình).

Ông Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, mạng xã hội hiện nay đã và đang tạo ra các xu hướng lan truyền với tốc độ chóng mặt, dẫn đến việc nhiều khán giả rơi vào trạng thái FOMO (Fear of missing out – Sợ bỏ lỡ). Sự phát triển của TikTok, YouTube, Facebook cũng góp phần lan truyền nội dung âm nhạc nhảm nhí, độc hại đến người nghe một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Khi đó, nhiều người trẻ dễ cuốn theo những ca khúc xu hướng để cảm thấy họ không bị “lỗi thời” hoặc “đứng ngoài cuộc”. Trên thực tế, nhiều đoạn nhạc vô nghĩa, nhảm nhí, nhưng vẫn gây tò mò cho giới trẻ, dễ dàng bước chân vào danh sách xu hướng, thịnh hành các nền tảng mạng xã hội và giúp nhà sáng tạo kiếm tiền, hút triệu lượt xem.

“”Nhạc rác” thường có giai điệu bắt tai, dễ nhảy theo và ca từ gây tranh cãi – những yếu tố hoàn hảo để tạo nên các xu hướng ngắn hạn, thu hút sự chú ý. Đây được xem là một “cầu nối” xã hội mang tính tạm thời. Khi mọi người cùng nghe một bài hát, cùng tham gia một thử thách, họ cảm thấy mình là một phần của một nhóm lớn hơn.

Điều này mang lại cảm giác an toàn và thuộc về, dù chỉ là bề nổi. Và đây cũng có thể là một sự thỏa hiệp với nỗi sợ cô đơn, khi giới trẻ tìm kiếm sự công nhận, sự thuộc về qua những nội dung dễ dãi”, chuyên gia Hoàng An phân tích.

“Quét nhạc rác”: Cắt phần ngọn, còn gốc rễ ra sao?

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề “nhạc rác” và những “nghệ sĩ lệch chuẩn” khiến dư luận bức xúc. Câu chuyện ngăn chặn, kiểm duyệt, gỡ bỏ những sản phẩm nghệ thuật độc hại đã được khán giả, cơ quan quản lý bàn luận nhiều năm nay, nhưng vẫn có nhiều khó khăn nên chưa được giải quyết dứt điểm.

Rapper B Ray từng phải gỡ bỏ ca khúc “Để ai cần” sau tranh cãi ca từ dung tục, xúc phạm phụ nữ (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trên thực tế, những ca khúc phản cảm vẫn có đất sống trong thời đại bùng nổ thông tin trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc xử phạt, gỡ bỏ những sản phẩm âm nhạc dung tục, phản cảm là điều cần thiết. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta chỉ cắt được phần ngọn.

Để xử lý tận gốc tình trạng “nhạc rác” và xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh, xã hội cần chuyển từ tư duy chống tiêu cực sang chiến lược xây dựng tích cực. Nói cách khác: Cấm cái xấu không thôi là chưa đủ, mà còn phải nuôi dưỡng cái đẹp.

“Chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại, vì sao âm nhạc lành mạnh, nghệ thuật tử tế lại ít được biết đến, ít được lan tỏa, ít lên xu hướng? Câu trả lời nằm ở chỗ, hiện nay, hệ sinh thái giải trí và truyền thông chưa tạo được “đất sống” cho nghệ sĩ tử tế, sản phẩm tử tế.

Những nhạc sĩ viết ca từ sạch, có tư tưởng, những nghệ sĩ theo đuổi chiều sâu văn hóa, hoặc các nhóm nhạc indie, underground có tư duy nghệ thuật nghiêm túc thường gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận công chúng, đơn giản vì họ không biết hoặc không muốn chiều theo thị hiếu đám đông”, ông Nguyễn Ngọc Long nói.

Theo chuyên gia, bên cạnh xử phạt cái xấu, chúng ta cần đầu tư bài bản, xây dựng chính sách văn hóa để nâng đỡ cái đẹp. 

“Khi xã hội chỉ xem âm nhạc như món ăn giải trí tức thời, thì “nhạc rác” sẽ còn đất sống. Nhưng khi chúng ta dạy cho trẻ em biết yêu một bản nhạc vì thông điệp, vì cảm xúc, vì chiều sâu, thì âm nhạc tử tế sẽ không còn là thiểu số yếu thế nữa”, ông Long đưa ra quan điểm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho rằng, sự thắt chặt khâu quản lý cùng quá trình định hướng gu thẩm mỹ, nghệ thuật, xây dựng phông nền văn hóa cho giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ âm nhạc độc hại. Dù vậy, nhạc sĩ tin rằng, “nhạc rác” không thể tồn tại lâu bền như âm nhạc chính thống vì sự đào thải của thị trường.

“Nhiều ca khúc dễ dàng hút triệu lượt xem trong thời gian ngắn, nhưng để bài hát đó được ghi nhận bởi người trong ngành, sống lâu trong lòng khán giả, lại là câu chuyện khác.

Thị trường là nơi công bằng và cũng khắc nghiệt nhất. Ở đó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực, làm nghề nghiêm túc, còn để gây chiêu trò chú ý thì trước sau cũng bị đào thải”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết.

Cuộc tái định nghĩa nghiêm túc về danh xưng “nghệ sĩ”

Có ý kiến cho rằng, một bộ phận ca sĩ, rapper trẻ đề cao cái tôi, ảo tưởng về vị trí, nên có cách hành xử, phát ngôn đi ngược lại với danh xưng “nghệ sĩ” mà họ được gán vào. Bên cạnh đó, một bộ phận công chúng ngày nay dường như cũng dễ dãi trong cách tiếp nhận, tán thưởng, trao tặng hào quang cho những người vốn được gắn mác ca sĩ, rapper, nghệ sĩ một cách tràn lan. 

Tháng 2/2024, rapper MCK bị chỉ trích khi để chiếc cúp Làn Sóng Xanh trên nắp thùng rác ở nhà vệ sinh (Ảnh: Chụp màn hình).

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận xét, thị trường âm nhạc Việt Nam đang bị pha loãng bởi những ca khúc chiêu trò, ồn ào, thiếu giá trị nghệ thuật nhưng lại xuất hiện ồ ạt trong danh sách thịnh hành, mạng xã hội. Từ đó, danh xưng “nghệ sĩ” ngày càng trở nên lỏng lẻo và mất giá trị trong mắt công chúng. Nghệ sĩ cũng trở nên thiếu trách nhiệm xã hội, dễ dàng có những hành vi ứng xử lệch chuẩn.

“Đã đến lúc xã hội, công chúng cần một cuộc tái định nghĩa nghiêm túc về danh xưng “nghệ sĩ”. Không phải ai cũng có thể nhận lấy hai chữ ấy chỉ vì có lượng theo dõi lớn. Người được gọi là nghệ sĩ phải xứng đáng về tài năng, đạo đức và tư duy cống hiến nghệ thuật, chứ không phải vì họ biết cách tạo ồn ào đời tư hoặc nhồi nhét ca từ gây tranh cãi để gây chú ý.

Nếu không có cơ chế phân định rõ ràng giữa nghệ sĩ thực thụ và người làm nội dung câu lượt xem, thì sẽ đến lúc nghệ thuật không còn là lĩnh vực của những người đam mê, mà chỉ còn là “chiếc áo khoác thời thượng” của những ai biết đánh bóng tên tuổi bằng chiêu trò”, ông Long thẳng thắn bày tỏ.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An cho rằng, ở góc độ xã hội học, để nâng cao gu thẩm mỹ đại chúng và “tái định nghĩa lại danh xưng nghệ sĩ”, cần có sự phối hợp từ nhiều phía, sự chung tay của cả xã hội để định hướng giới trẻ đến những giá trị văn hóa tích cực và phát triển môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn. 

“Gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục và định hướng giá trị từ sớm cho người trẻ. Các phương tiện truyền thông nên đẩy mạnh giới thiệu, tôn vinh những sản phẩm âm nhạc có chất lượng, có giá trị.

Nghệ sĩ và nhà sản xuất cần ý thức được vai trò của mình, tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn, thay vì chạy theo xu hướng rẻ tiền. Các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng và xử lý nghiêm các sản phẩm âm nhạc, cá nhân vi phạm chuẩn mực”, ông Hoàng An nói.

Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, khi người nổi tiếng thiếu nền tảng đạo đức, giáo dục và bản lĩnh nghề nghiệp, thiếu môi trường văn hóa lành mạnh, họ rất dễ sa ngã.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn những người làm nghệ thuật không chỉ định hướng để trở thành ngôi sao, mà còn là một con người có chiều sâu, có trách nhiệm với chính mình và với xã hội.

“Trong thời đại mà tên tuổi có thể nổi lên chỉ sau một sản phẩm, nhưng cũng có thể sụp đổ chỉ vì một phút nông nổi, thì việc gìn giữ hình ảnh, đạo đức và tinh thần là điều quan trọng hơn bao giờ hết”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/tu-vu-binh-gold-lam-gi-voi-nhac-rac-va-danh-xung-nghe-si-xuong-cap-20250724154335905.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *