Từ “vùng lõm” chính trị đến diện mạo mới sau sáp nhập của phường Bàn Cờ

Từ "vùng lõm" chính trị đến diện mạo mới sau sáp nhập của phường Bàn Cờ


Từ trên cao, phường Bàn Cờ (TPHCM) hiện ra như một bàn cờ khổng lồ với mạng lưới các tuyến đường vuông vức, chia ô rõ ràng. Đặc điểm địa hình này đã góp phần hình thành tên gọi “Bàn Cờ”, trở thành biểu tượng không chỉ về mặt địa lý mà còn về lối sống đô thị lâu đời giữa lòng TPHCM.

Phường Bàn Cờ được thành lập sau đợt sắp xếp các đơn vị hành chính, trên cơ sở sáp nhập các phường 1, 2, 3, 5 và một phần phường 4 của quận 3. Với diện tích gần 1km² và dân số hơn 67.600 người, đây là một trong những địa bàn có mật độ dân cư cao nhất thành phố.

Trong những ngày đầu vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, trung tâm hành chính công của phường Bàn Cờ đã tiếp nhận lượng lớn người dân đến làm thủ tục.

Người dân xếp hàng từ sớm tại UBND phường Bàn Cờ để làm các thủ tục liên quan đến hộ tịch, đất đai, bảo hiểm… Mỗi quầy chức năng đều có cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn tận tình. Dù lượng người đông, việc tiếp đón vẫn trật tự và không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Ông Nguyễn Thâm Niên (84 tuổi, phường Bàn Cờ) chia sẻ: “Tôi được cán bộ phường Bàn Cờ tiếp đón rất chu đáo và hướng dẫn tận tình về chính sách dành cho người cao tuổi. Tôi rất hạnh phúc vì Bàn Cờ giờ đây không chỉ là tên của chợ, tên đường nữa mà giờ đã là tên của cả một khu vực rộng lớn giữa lòng thành phố”.

Tên Bàn Cờ đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây, không chỉ là địa danh mà còn là biểu tượng của một thời kỳ kháng chiến đầy gian khó. Trong những năm chống Mỹ, khu Bàn Cờ được xem là “vùng lõm” – nơi trú ẩn, hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng. Những căn nhà nhỏ, tường thấp và hệ thống hẻm ngoằn ngoèo không chỉ là đặc trưng kiến trúc mà từng là nơi che giấu các trận địa tuyên truyền, in ấn tài liệu và phát động phong trào đấu tranh ngay trong lòng địch, theo ông Niên chia sẻ.

Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Bàn Cờ, trung tâm hành chính công mới được chỉnh trang, bố trí lại để trở thành một không gian dịch vụ công hiện đại, đa chức năng, thân thiện hơn với người dân.

Ông Nam cho biết phường mới không chỉ là bước thay đổi về mô hình hành chính, mà còn là trách nhiệm gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa đã gắn bó lâu dài ở khu Bàn Cờ.

“Chúng tôi cam kết phường Bàn Cờ sẽ duy trì nếp sống cộng đồng và truyền thống yêu nước của người dân nơi đây. Chính quyền cam kết gìn giữ bản sắc của khu Bàn Cờ và đồng thời vận hành bộ máy hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn trong giai đoạn mới”, ông Nam nói.

Theo các tài liệu xưa ghi chép, khu Bàn Cờ từ cuối những năm 1960 giống như một khu phố sầm uất với nhiều tiện nghi như: chợ, siêu thị, nhà hàng, trường học, đền chùa, nhà thờ, bệnh viện,… Phường Bàn Cờ từng được ví như một “xã hội thu nhỏ” với sự xuất hiện của người dân tứ xứ, khắp mọi miền đất nước đổ về TPHCM sinh sống.

Trong số các tiện ích đó, chợ Bàn Cờ nổi bật như một trung tâm giao thương và sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây hơn 60 năm qua. Khu chợ nằm gọn trong khu dân cư, bao quanh bởi bốn trục đường chính: Bàn Cờ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiện Thuật và Điện Biên Phủ.

Khác với nhiều chợ được xây lồng mái cố định, chợ Bàn Cờ là một “ngôi chợ không lồng” với không gian mở gồm các sạp hàng san sát nhau, len lỏi theo các con hẻm nhỏ, bắt đầu từ hẻm lớn số 664 Nguyễn Đình Chiểu. Bên trong chợ, các sạp hàng thịt cá, rau củ, đồ khô… nằm san sát và đông nghịt người qua lại.

Bên cạnh các món nhu yếu phẩm thường ngày, chợ Bàn Cờ còn đặc biệt nổi tiếng với tên gọi “thiên đường” đồ si. Không gian hẹp nhưng đa dạng, nơi đây tập trung nhiều sạp bán quần áo cũ, giày dép, phụ kiện thời trang được tuyển chọn kỹ. Những chiếc áo thun phong cách, những đôi giày thể thao còn mới tốt thường được bày bán với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá gốc.

Phường Bàn Cờ cũng là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử. Trong đó có di tích hầm chứa vũ khí tại đường Nguyễn Đình Chiểu – căn hầm nhỏ nằm trong ngôi nhà số 287/70, từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí phục vụ cho biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Căn hầm được đào bí mật dưới nền nhà, được ngụy trang tinh vi bằng lớp gạch lát sàn và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Ngày nay, di tích đã được phục dựng và công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, mở cửa cho người dân và du khách tham quan.

Cách đó vài con hẻm là cư xá Đô Thành, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đã hơn 100 năm tuổi. Khu cư xá hiện lên với chiếc cổng mang kiến trúc Đông Dương đặc trưng, mái ngói cong, cột trụ lớn, gợi nhớ đến một thời kỳ đô thị Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 hiếm thấy trong lòng đô thị hiện đại.

Kết nối giữa những dấu tích kháng chiến và nếp sống thị dân ấy là các quán xá, hẻm nhỏ và ký ức còn sống. Cách đó không xa, tiệm cà phê Cheo Leo ẩn mình trong con hẻm Nguyễn Thiện Thuật, được xem là một trong những quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn. Ra đời từ năm 1938, quán đã qua ba thế hệ trong cùng một gia đình gìn giữ.

Dù có sự chuyển mình mạnh mẽ về mặt hành chính, nhịp sống ở Bàn Cờ vẫn giữ được những nét sống quen thuộc của cư dân nơi đây. Chợ, quán cà phê, hàng rong và cả những di tích xưa vẫn hiện diện tại phường Bàn Cờ, tạo nên một không gian truyền thống và hiện đại cùng song hành.

Sau khi sáp nhập, với lợi thế nằm sát trung tâm quận 1, dân cư đông đúc và sở hữu hệ thống dịch vụ tiện nghi, phường Bàn Cờ được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến mới về văn hóa, kinh tế và du lịch của TPHCM trong tương lai.

Phường Bàn Cờ được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ phường 1, 2, 3, 5 và một phần phường 4 của quận 3 (cũ).



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tu-vung-lom-chinh-tri-den-dien-mao-moi-sau-sap-nhap-cua-phuong-ban-co-20250704001147051.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *