Sáng 8/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc bế mạc tại hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TPHCM). Lễ bế mạc có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.
Các đại biểu đã thông qua Tuyên bố TPHCM để cùng hành động theo. Tuyên bố này là cam kết của đại biểu Vesak với nhân phẩm, đạo đức, công bằng xã hội và hòa bình bền vững.
Tinh thần dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam
Phát biểu tại lễ bế mạc, Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hiện diện của các đại biểu để làm nên thành công của Đại lễ Vesak 2025. Ông cũng khẳng định Đại lễ Vesak lần thứ 20 năm 2025 đã đạt thành công tốt đẹp tại TPHCM.
“Đại lễ năm nay cũng đánh dấu cột mốc trọng đại với nước chủ nhà Việt Nam, khi các bạn kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và 80 năm ngày Quốc khánh. Chúng tôi bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là ban tổ chức đã tổ chức thành công sự kiện này”, Hòa thượng Phra Brahmapundit chia sẻ.
Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) (Ảnh: BTC).
Hòa thượng Phra Brahmapundit coi Việt Nam là trung tâm năng động của Phật giáo nhập thế. Sự “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam thể hiện sống động qua hình tượng hoa sen.
“Đức Phật từng nói ‘đóa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm bẩn bởi bùn’. Đức Phật sống giữa thế gian mà vẫn không bị vướng mắc bụi trần. Cũng như vậy, người Phật tử không quay lưng với đời sống xã hội. Như một đóa sen, chúng ta tích cực dấn thân, chia sẻ nỗi khổ, niềm đau và lan tỏa tinh thần, trí tuệ trong từng hành động cụ thể”, Chủ tịch ICDV chia sẻ.
Hòa thượng Phra Brahmapundit kêu gọi đại chúng mang tinh thần Đại lễ Vesak 2025 vào đời sống, hiện thực hóa nguyên tắc đã đề ra trong Tuyên bố TPHCM. Ông kỳ vọng đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 mãi là dấu ấn của niềm hy vọng mới và quyết tâm chung của cộng đồng Phật giáo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đến dự lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2025 (Ảnh: BTC).
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc đăng cai thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.
“Trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, thành công tốt đẹp của Đại lễ Vesak năm nay cũng khẳng định truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế.
Ghi nhận thực tiễn tự do tôn giáo tại Việt Nam
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Hòa thượng Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV, đã đại diện toàn thể đại biểu đọc phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh của Tuyên bố TPHCM.
“Sau khi cùng nhau thảo luận trong tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa hợp tại các phiên hội thảo, chúng tôi, các đại biểu tham dự, nhất trí thông qua và công bố Tuyên bố TPHCM, đưa ra hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người”, Hòa thượng Dhammaratana tuyên đọc.
Lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 (Ảnh: BTC).
Trong lời mở đầu, Tuyên bố TPHCM ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam, đặc biệt là chứng kiến những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… trong đó nổi bật là TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
“Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam cho chúng tôi thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng, và tự do tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân”, lời mở đầu của Tuyên bố TPHCM nêu rõ.
Tuyên bố cũng khẳng định niềm tôn kính xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – bảo vật Quốc gia Ấn Độ – và xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức của Việt Nam như những di sản thiêng liêng của nhân loại vì hòa bình thế giới, được tôn trí trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM.
Toàn văn Tuyên bố TPHCM dài 6 trang với 6 điều được thống nhất, gồm: (1) Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm; (2) Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; (3) Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải; (4) Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; (5): Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; (6) Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Kết lại tuyên bố, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc thông báo về việc phê chuẩn và ủng hộ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 21 tại Trung Quốc vào năm 2026.
Bản tuyên bố có chữ ký của Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Ngày Vesak quốc tế (ICDV), và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tuyen-bo-tphcm-ghi-nhan-thuc-tien-tu-do-ton-giao-tai-viet-nam-20250508104754890.htm