Quan điểm này được Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) nhấn mạnh, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội về những định hướng đột phát trong phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68.
Những gì ở giữa ranh giới, cần lựa chọn cách xử lý có lợi hơn
Trong bối cảnh cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo – một mục tiêu đầy thách thức, theo ông, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển về phát triển kinh tế tư nhân với rất nhiều điểm đột phá, có ý nghĩa như thế nào?
– Chúng ta nói nhiều về những nút thắt và “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, đây phải là vấn đề cần giải quyết đầu tiên. Đây là thay đổi rất lớn về tư duy quản lý.
Các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị ban hành thời gian gần đây đã tạo ra sự thay đổi, cách nhìn nhận căn bản về tư duy quản lý. Ví dụ thay đổi quan điểm về lập pháp theo hướng luật không cần chi tiết, không nên can thiệp hay cầm tay chỉ việc, để những người thực hiện có “đất” sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Hay như trước kia, chúng ta coi nhẹ kinh tế tư nhân thì giờ phải khẳng định vị thế của khu vực này. Rõ ràng, phải thay đổi về quan điểm quản lý, từ đó mới có cơ sở tạo ra những thay đổi tiếp theo.
Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Những con số này cho thấy đây là tiềm năng lớn cần khai thác và huy động để tạo ra sự phát triển.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới với định hướng đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong khi khu vực kinh tế tư nhân có ưu thế rất lớn trong lĩnh vực này, đó là họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tiếp cận cái mới. Chính khu vực này sẽ trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng công nghệ.
Vì thế, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sẽ mở đường cho việc huy động tối đa tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế đất nước.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 8/5 (Ảnh: Hoài Thu).
Ông vừa nhắc đến ưu thế của khối kinh tế tư nhân khi họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và nghị quyết lần này của Bộ Chính trị cũng nêu quan điểm đổi mới trong xử lý sai phạm, đó là ưu tiên áp dụng xử lý hành chính, dân sự và kinh tế thay vì hình sự, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Theo ông, quy định đột phá này có ý nghĩa như thế nào về cả mặt tâm lý và hành động để giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản “không dám nghĩ, không dám làm”?
– Sứ mệnh của doanh nhân là làm ra tiền, tạo ra lợi nhuận. Họ sẽ tìm mọi phương thức hành động để thực hiện sứ mệnh này, và đương nhiên, trong hành động sẽ có rủi ro, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn. Đó có thể là rủi ro về kinh tế hoặc pháp lý.
Vì vậy, khi có sai phạm, rõ ràng chúng ta phải nhìn vào động cơ của doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu họ đơn thuần muốn tạo ra tiềm lực kinh tế, không vi phạm các quy định của pháp luật, không đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, thì phải ưu tiên giải quyết sai phạm của họ bằng công cụ kinh tế. Áp dụng biện pháp kinh tế trong trường hợp này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại.
Trong Nghị quyết 68, Bộ Chính trị nêu rõ trong trường hợp quy định của pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự cũng được, hoặc không xử lý hình sự cũng được, Nghị quyết yêu cầu cương quyết không xử lý hình sự.
Trường hợp đã đến mức phải xử lý hình sự vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để xem xét, giải quyết các bước tiếp theo.
Tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Bộ Chính trị đề ra là có cơ sở, không phải nương nhẹ cho doanh nghiệp tư nhân, bởi về nguyên tắc, những gì ở giữa ranh giới thì cần lựa chọn cách xử lý tốt hơn, có lợi hơn.
Bản chất là doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra nguồn lực, việc làm cho xã hội, tiền họ tạo ra góp phần tạo ra các sản phẩm cho xã hội, nếu xử lý hình sự, họ sẽ không có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại về kinh tế. Trong khi đó, nếu ưu tiên biện pháp xử lý về kinh tế, sẽ có lợi nhiều hơn cho nền kinh tế và cho xã hội.
Tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp thay vì làm tăng thêm chi phí
Trong xử lý vi phạm, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp. Ông có kỳ vọng định hướng này sẽ cởi trói cho bất cập lâu nay, là khi xử lý một cá nhân vi phạm có thể khiến hoạt động của doanh nghiệp đình trệ?
– Pháp luật không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa.
Tuy nhiên, thực tế có những yếu tố quan hệ với nhau, ví dụ quyết định của cá nhân đó ảnh hưởng tới hoạt động chung của doanh nghiệp, quyền của cá nhân đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nếu không xử lý kịp thời, không bóc tách trách nhiệm được sẽ dẫn tới xử lý cá nhân, đồng thời xử lý cả quan hệ của doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 yêu cầu khi xử lý những quan hệ của cá nhân thì những quyền, quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp cần bóc tách ra, để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Một tác động lớn hơn là về tâm lý xã hội. Khi xử lý người có trách nhiệm tại doanh nghiệp, dư luận thường nhìn nhận “doanh nghiệp có vấn đề, doanh nghiệp sẽ bị thanh tra, kiểm tra…”. Chính điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp.
Hình ảnh phát triển của TPHCM – đầu tàu kinh tế của cả nước (Ảnh: Hải Long).
Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh yêu cầu mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần. Theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào tới phát triển kinh tế tư nhân, vì thanh, kiểm tra lâu nay cũng là vấn đề khiến không ít doanh nghiệp đau đầu, áp lực?
– Về nguyên tắc, chỉ được thanh tra, kiểm tra mỗi năm không quá một lần với doanh nghiệp, và quy định này bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trừ trường hợp vi phạm phải thanh tra theo yêu cầu, vụ việc bắt buộc.
Với cơ quan, doanh nghiệp chấp hành tốt, việc thanh, kiểm tra là không cần thiết vì mất thời gian của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và có thể gây ra tâm lý tiêu cực. Thay vào đó, chúng ta nên quản lý rủi ro, tức là chỗ nào thấy có rủi ro thì quản.
Hiện có nhiều công cụ để quản lý doanh nghiệp chứ không nhất thiết chỉ thanh tra, kiểm tra. Việc này sẽ tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho doanh nghiệp thay vì làm tăng thêm các chi phí không cần thiết cho họ.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ lớn mạnh như những con chim đầu đàn
Chúng ta đã có nhiều nghị quyết về kinh tế tư nhân nhưng Nghị quyết 68 Bộ Chính trị vừa ban hành được đánh giá là cú hích quan trọng để phát triển lực lượng nòng cốt này. Trong những bước đi tiếp theo, chúng ta cần làm gì để cụ thể hóa những nội dung này, thưa ông?
– Vào những năm 80, khi chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc xây dựng nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân không được thừa nhận.
Đến năm 1986 bắt đầu công cuộc đổi mới, khu vực này mới được công nhận và 10 năm sau, chúng ta mới khẳng định là các thành phần kinh tế được bình đẳng với nhau. Khi đó kinh tế nhân mới được xét bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Đến năm 2017, Đảng nêu mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Và đến Nghị quyết 68 lần này, chúng ta mới khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trò chuyện với đại diện các doanh nghiệp hồi tháng 11/2024 (Ảnh: TTXVN).
Nghị quyết 68 cũng chỉ ra những giải pháp, đặc biệt về thể chế, để tạo ra những các đột phá.
Trên cơ sở định hướng của nghị quyết, chúng ta phải hành động ngay. Đầu tiên, cần tạo ra khung khổ pháp lý để thể chế hóa những định hướng của Bộ Chính trị thành quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quốc hội cần có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, dựa trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 68 để có khung pháp lý chung. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý và thực thi mới có cơ sở thực hiện.
Nghị quyết 68 nêu rõ yêu cầu của Bộ Chính trị về việc phải xóa bỏ tư duy xin – cho và cơ chế không quản được thì cấm; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp bắt tay với nhau để tạo tiềm lực lớn hơn. Theo ông, những điều này sẽ mang lại giá trị gì cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân?
– Bộ Chính trị nêu định hướng rất rõ là phải chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước, từ Nhà nước đứng ra quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân làm gì phải đến xin phép, thành Nhà nước kiến tạo, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân được tự do hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ mà không phải xin ai. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có trách nhiệm phải đáp ứng yêu cầu để các doanh nghiệp.
Về tổng thể, chúng ta đang có những thay đổi đồng bộ hệ thống luật pháp, điển hình như Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã chuyển đổi cơ chế quản lý. Theo đó, cán bộ công chức không phải ngồi làm việc theo vị trí được bố trí, mà phải hoàn thành công việc, nếu không sẽ bị loại loại khỏi bộ máy, tức là không còn chuyện “công chức suốt đời”.
Một điểm nữa, chúng ta thường nói doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhỏ, nhưng nếu các doanh nghiệp biết bắt tay, liên kết với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn.
Điểm yếu của chúng ta là vừa qua, sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân chưa tốt, nhưng với nghị quyết lần này, ta có thể kỳ vọng thời gian tới sẽ hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh như những con chim đầu đàn để lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khác, tạo sức mạnh tổng thể cho phát triển kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/uu-tien-xu-ly-kinh-te-thay-hinh-su-khong-phai-nuong-nhe-cho-doanh-nghiep-20250508130136699.htm