Chiều ngày 18/4 tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) – Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” đã diễn ra. Sự kiện này được tổ chức bởi Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của VHNT trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân. Ông khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực này, như được thể hiện qua các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Các văn kiện này đều nhấn mạnh vai trò to lớn của VHNT trong việc xây dựng con người mới, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức xã hội và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, nhìn lại chặng đường 50 năm qua, VHNT Việt Nam đã kế thừa truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”. Đồng thời, với sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng VHNT đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cũng như chiều sâu văn hóa – lịch sử của dân tộc.
Ông nhận xét rằng một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại và giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị – tư tưởng. Đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay đang tồn tại khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lớp nghệ sĩ có sáng tác từ trước với vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui vào hậu trường do tuổi tác và sức khỏe. Trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật – chia sẻ tại hội thảo rằng, trong giai đoạn sau năm 1975, VHNT chịu tác động “đa chiều” của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội. Sự hòa hợp, chia sẻ giữa văn nghệ cách mạng và văn nghệ tiến bộ, có tinh thần dân tộc, dân chủ; sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế kinh tế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới, cái khác… khiến những người sáng tạo VHNT khó tránh khỏi những ngỡ ngàng, lúng túng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, kể cả mặt phức tạp của đời sống xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hoạt động VHNT nước nhà cần chủ động chuyển giao thế hệ, liên kết ngành mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của khán giả và thực hiện nhiệm vụ của một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội – cho rằng, chính sách phát triển VHNT ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế và thách thức đáng kể như: Nguồn lực đầu tư cho VHNT còn hạn chế; chính sách bảo vệ quyền tác giả chưa thực sự hiệu quả; cơ chế quản lý VHNT còn thiếu linh hoạt. Những bất cập này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành VHNT mà còn làm giảm sức lan tỏa của các giá trị văn hóa Việt Nam trong nước và quốc tế.
Ông Bùi Hoài Sơn đề xuất cần tăng cường đầu tư và đổi mới cơ chế tài trợ cho VHNT, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ bản quyền, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn với sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ứng dụng công nghệ số trong VHNT.
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Ban tổ chức đã nhận được 138 tham luận từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, VHNT ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng, khẳng định những kết quả đã đạt được; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra đối với nền VHNT Việt Nam 50 năm qua.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Ông nhấn mạnh đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động VHNT cần bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, VHNT và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc ngày 30/12/2024. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
“Ban tổ chức và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng thành tựu 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiện đại. Giới thiệu đến công chúng những tác phẩm VHNT tiêu biểu, xuất sắc 50 năm qua, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới,” đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh sau hội thảo.