Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được Chính phủ đề xuất trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo luật vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Lần này, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 125 và Điều 126 về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Dự thảo luật mới quy định người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo giá thị trường trong một số trường hợp.

Hàng nghìn xe máy được tạm giữ tại bãi xe tang vật trên địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Đó là: Tang vật, phương tiện có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật.
Cũng theo đề xuất mới của Chính phủ, tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận, tiền thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Điểm này sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Theo lý giải của Chính phủ, quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải quản lý tang vật và giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng về việc bổ sung quy định này để vừa bảo đảm chặt chẽ, hài hòa với yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ, nhưng cũng bảo đảm yêu cầu xử lý vụ việc nhanh, gọn và chống lãng phí tài sản.
Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính nêu rõ: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ”.
Với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng, người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ, phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.
Theo luật hiện hành, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Luật hiện hành cũng quy định, với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-chinh-phu-de-xuat-ban-ngay-tang-vat-phuong-tien-vi-pham-hanh-chinh-20250502082710030.htm