Vì sao lấy tên tỉnh Phú Thọ và đặt trung tâm hành chính tại TP Việt Trì?

Địa điểm đặt trụ sở tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất với Vĩnh Phúc, Hòa Bình


Theo dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ đang được UBND tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân, việc sáp nhập, hợp nhất 3 tỉnh nhằm đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách và tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Phú Thọ là vùng đất cội nguồn, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết các Vua Hùng dựng nước và xây dựng Nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Với hàng nghìn năm văn hiến, Phú Thọ được xem là trung tâm văn hóa – lịch sử thiêng liêng, ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của dân tộc”, dự thảo đề án cho hay.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng mùa lễ hội (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về mặt hành chính hiện đại, theo đề án, tỉnh Phú Thọ được thành lập trên cơ sở đổi tên tỉnh Hưng Hóa theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 5/5/1903.

Đến ngày 26/1/1968 theo Nghị quyết số 504-NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú.

Tháng 1/1997, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ X (ngày 6/11/1996) của Quốc hội khóa IX, tỉnh Vĩnh Phú được chia tách để tái lập hai tỉnh là Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Kể từ đó, Phú Thọ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và từng bước vươn lên trở thành trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong khi đó, Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc. Năm 1950, tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên được hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến ngày 26/1/1968, theo Nghị quyết số 504-NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Vĩnh Phúc được hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; đến đầu năm 1997 lại chia tách, tái lập 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Tỉnh Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt người Mường. Đây cũng là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng trong thời tiền sử.

Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ, với tên gọi ban đầu là tỉnh Mường – tỉnh đầu tiên của người Mường ở Việt Nam.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) từng là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (Ảnh: Thái Bá).

Ngày 27/12/1975, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hòa Bình được hợp nhất với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình.

Đến ngày 12/8/1991, tỉnh Hà Sơn Bình được chia tách để tái lập hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây như trước.

“Từ đó đến nay, Hòa Bình không ngừng phát triển, giữ vai trò cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, là địa phương có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng an ninh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm cao của cả nước”, dự thảo đề án thông tin.

Việc lựa chọn Phú Thọ là tên gọi tỉnh mới khi sáp nhập 3 tỉnh và đặt trung tâm hành chính – chính trị tại TP Việt Trì (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay), theo dự thảo đề án, đã được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh.

Trong đó, về vị trí địa lý – giao thông, tỉnh Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối 3 tỉnh (Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hòa Bình), có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh phía Tây Bắc. Tỉnh này cũng là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng.

Về năng lực phát triển, Việt Trì là đô thị loại I, từng là trung tâm của tỉnh Vĩnh Phú trước đây. Phú Thọ có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về hệ thống thiết chế hạ tầng – xã hội, dự thảo đề án nhận định Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao – du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới.

Về văn hóa – lịch sử, Phú Thọ được coi là vùng đất tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. “Đây là yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”, dự thảo nêu.

Về quốc phòng – an ninh, Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, đóng quân của Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) và nhiều cơ quan Trung ương, có vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô.

Về hiệu quả quản lý phát triển vùng, đề án khẳng định việc đặt trung tâm tỉnh mới tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch vùng Thủ đô và Nghị quyết 11-NQ/TW của Trung ương.

Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Tùng Vy).

“Việc hợp nhất 3 tỉnh không chỉ là sự gộp địa giới hành chính mà còn là quá trình tái thiết mô hình quản trị, nhằm giảm tầng nấc trung gian, tăng tốc độ điều hành, phân cấp mạnh, gắn liền với chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số. Hướng tới thiết lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện đại, năng động, có đủ tiềm lực để trở thành cực tăng trưởng mới vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”, dự thảo đề án kỳ vọng.

Tỉnh Phú Thọ mới sẽ khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của 3 địa phương, gồm: lợi thế công nghiệp – dịch vụ của Vĩnh Phúc; tiềm năng du lịch – năng lượng – nông nghiệp của Hòa Bình và vị trí giao thương, lịch sử – văn hóa đặc sắc của Phú Thọ. Từ đó tạo nên một tỉnh mới có cấu trúc kinh tế cân bằng, hấp dẫn đầu tư, giàu bản sắc và phát triển bền vững.

Dự kiến từ ngày 29/4 đến 1/5, đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.

Tỉnh Phú Thọ mới sẽ có 148 xã, phường 

Sau sắp xếp, Phú Thọ có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập là 148 (133 xã và 15 phường). Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay đã sắp xếp còn 66 xã, phường; tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp còn 36 xã, phường; tỉnh Hòa Bình dự kiến sắp xếp thành 46 xã, phường.

Sau khi thành lập tỉnh Phú Thọ mới, đề án sáp nhập 3 tỉnh yêu cầu đảm bảo nguyên tắc tổng số cán bộ có mặt thực tế không vượt quá tổng số cán bộ của 3 tỉnh trước khi sáp nhập (trên 28.400 biên chế).

Trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới được bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì.

Trụ sở làm việc khối cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể bố trí tại trụ sở hiện tại của MTTQ và các cơ quan đoàn thể của tỉnh Phú Thọ.

Trụ sở làm việc của các sở và cơ quan chuyên môn thuộc 3 tỉnh bố trí tại trụ sở làm việc các sở, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-lay-ten-tinh-phu-tho-va-dat-trung-tam-hanh-chinh-tai-tp-viet-tri-20250424161355998.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *