Vì sao Thanh Hóa giữ nguyên 18 xã biên giới, vùng cao?

Vì sao Thanh Hóa giữ nguyên 18 xã biên giới, vùng cao?


Thanh Hóa giữ nguyên 18 xã biên giới, vùng cao

Chiều 18/4, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, đã trình bày báo cáo về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp 529/547 đơn vị hành chính cấp xã thành 166 đơn vị hành chính mới. Sau khi sắp xếp, Thanh Hóa giảm 381 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (giảm 69,65%).

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Minh Hiếu).

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 18 đơn vị hành chính, gồm 12 xã biên giới giáp Lào và 6 xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao.

Việc không sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp xã ở các xã nói trên là nhằm thực hiện định hướng giữ ổn định quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ngoài ra, việc không sắp xếp 6 xã vùng núi cao là do các xã này có diện tích rộng, địa hình chia cắt, kết nối giao thông còn nhiều hạn chế và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Thanh Hóa xác định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện các hộ dân sẽ hoàn thành trước ngày 22/4.

Thanh Hóa sẽ không thực hiện sắp xếp đối với 18 xã thuộc địa bàn biên giới, vùng núi cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Hội đồng nhân dân cấp xã và cấp huyện trong phạm vi sắp xếp sẽ xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 23/4.

UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện hồ sơ và trình tự, thủ tục của địa phương, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 24/4 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Theo Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đơn vị hành chính cấp cơ sở sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7.

Quảng Nam còn 12 phường, 76 xã trước khi hợp nhất với Đà Nẵng

Ngày 18/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nghị quyết sắp xếp và sáp nhập tổ chức Đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.

Theo nghị quyết, các dự thảo đề án đã được thông qua, bao gồm đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh; đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thị xã, thành phố sau khi không tổ chức cấp huyện và đề án thành lập tổ chức đảng theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh).

Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 88, bao gồm 12 phường và 76 xã. 

Thành phố Hội An hiện có 13 xã, phường, sau khi sắp xếp còn lại 3 phường và một xã.

Phường Hội An được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam và Cẩm Kim.

Phường Hội An Đông được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Cẩm Châu, Cửa Đại và xã Cẩm Thanh.

Phường Hội An Tây được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà, Tân An và Cẩm An.

Xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) sẽ giữ nguyên và thành lập xã mới.

Thành phố Tam Kỳ hiện có 12 xã, phường, sau sáp nhập sẽ còn 4 phường.

Phường Tam Kỳ được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường An Mỹ, An Xuân và Trường Xuân.

Phường Tam Kỳ Bắc được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Tân Thạnh, Hòa Thuận và xã Tam Thăng.

Phường Tam Kỳ Đông được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Tam Phú, Tam Thanh và phường An Phú.

Phường Tam Kỳ Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường An Sơn, Hòa Hương và xã Tam Ngọc.

Ngoài ra, còn có phương án sắp xếp cấp xã ở các địa phương khác của tỉnh. 

Dự kiến, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân sẽ hoàn thành vào ngày 20/4, trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào ngày 24/4 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-thanh-hoa-giu-nguyen-18-xa-bien-gioi-vung-cao-20250418204200197.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *