Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông vừa yêu cầu rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích trên địa bàn để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông kiểm tra thực tế Khu công nghiệp Sông Lô I mới đây (Ảnh: Thanh Nga).
Ông Đông chỉ đạo tạm dừng việc mua sắm, thuê mới tài sản cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trừ trường hợp đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và trường hợp thực sự cần thiết khác do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê tài sản quyết định.
Khi bàn giao, tiếp nhận tài sản công phải lập biên bản bàn giao tiếp nhận giữa các bên. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản khi thực hiện sắp xếp, theo chỉ đạo của ông Đông.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, UBND huyện, thành phố ở Vĩnh Phúc phải xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Trước đó, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay xuống còn 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (32 xã và 4 phường).
HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng biểu quyết, tán thành chủ trương thành lập tỉnh Phú Thọ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình.
Trụ sở Thành ủy Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Yên).
Tỉnh Phú Thọ mới có diện tích tự nhiên là 9.361,381km2, quy mô dân số trên 4 triệu người và có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh.
Tổng số cán bộ có mặt thực tế không vượt quá tổng số cán bộ của 3 tỉnh trước khi sáp nhập – trên 28.400 biên chế. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc trước khi sáp nhập tỉnh có khoảng 9.035 biên chế.
Trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới được bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo tổng hợp nhu cầu đăng ký nhà ở công vụ, nhu cầu đi về trong ngày để đề nghị tỉnh Phú Thọ xem xét, bố trí nhà công vụ, phương án xe đưa đón và phương án tổ chức làm việc sau khi sáp nhập.
Tuyệt đối không để xảy ra thất thoát tài chính, ngân sách
Căn cứ đề án được cấp thẩm quyền quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ đạo đơn vị trực thuộc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước. Đồng thời rà soát, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán chưa thực hiện liên quan đến xử lý tài chính và xử lý khác.
Ông Đông yêu cầu thu hồi triệt để các khoản tạm ứng ngân sách, tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản quá hạn, tạm ứng từ Quỹ phát triển đất; thu hồi các khoản chi vượt so với giá trị quyết toán được phê duyệt, các khoản công nợ phải thu, phải trả, phải nộp…
“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát nguồn tài chính, ngân sách nhà nước”, Chủ tịch Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vinh-phuc-ra-soat-toan-bo-tai-san-cong-tru-so-lam-viec-khong-su-dung-20250509144227408.htm