Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông vừa chủ trì hội nghị triển khai các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, ông Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm lớn hơn; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp (Ảnh: Phùng Hải).
Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc được giao các nội dung liên quan đến công tác cán bộ và kịp thời nắm bắt tâm tư, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với nhiệm vụ sáp nhập tỉnh, Chủ tịch Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành chủ động phối hợp với cơ quan liên quan của tỉnh Phú Thọ để xây dựng Đề án thành lập sở, ngành của tỉnh Phú Thọ mới.
Đặc biệt, theo ông Đông, phải tổng hợp nhu cầu đăng ký nhà ở công vụ, nhu cầu đi về trong ngày để đề nghị tỉnh Phú Thọ xem xét, bố trí nhà công vụ, phương án xe đưa đón và phương án tổ chức làm việc sau khi sáp nhập.
Ông Đông cũng yêu cầu Sở Nội vụ Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, trình HĐND tỉnh cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình.
Cơ quan này trình HĐND tỉnh giao biên chế cán bộ, công chức các sở, ngành sau khi tổ chức lại thanh tra tỉnh, đồng bộ với phân bổ biên chế cán bộ, công chức, viên chức UBND cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Sở Tài chính được yêu cầu tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản, tài chính; sắp xếp, xử lý trụ sở các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh trước, trong và sau khi sáp nhập tỉnh.
Vĩnh Phúc cũng sẽ giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc khi kết thúc hoạt động.
Thành phố Vĩnh Yên hiện nay, tới đây sẽ sắp xếp thành 2 phường Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Yên).
Dự kiến từ ngày 29/4 đến 1/5, Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ là 148 (133 xã và 15 phường).
Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay đã sắp xếp còn 66 xã, phường; tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp còn 36 xã, phường; tỉnh Hòa Bình sắp xếp thành 46 xã, phường.
Đề án hợp nhất nêu rõ, tổng số cán bộ có mặt thực tế không vượt quá tổng số cán bộ của 3 tỉnh trước khi sáp nhập – trên 28.400 biên chế. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc trước khi sáp nhập tỉnh có khoảng 9.035 biên chế.
Theo đề án hợp nhất 3 tỉnh, trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới được bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì.
Trụ sở làm việc khối cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể bố trí tại trụ sở hiện tại của MTTQ và các cơ quan đoàn thể của tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở làm việc của các sở và cơ quan chuyên môn thuộc 3 tỉnh bố trí tại trụ sở làm việc các sở, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Vị trí địa lý của 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình (Ảnh: Bản đồ VN).
Tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở có thời hạn cho cán bộ, công chức, người lao động của hai tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Mức hỗ trợ, thời hạn hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ được thực hiện theo quy định và sẽ có đề án riêng trình HĐND tỉnh Phú Thọ mới thông qua.
Thành phố Vĩnh Yên (trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay) cách thủ đô Hà Nội 55km về phía tây, cách thành phố Việt Trì (trung tâm hành chính tỉnh Phú Thọ) 30km về phía đông bắc và cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km.
Tên gọi mới của 36 phường, xã ở Vĩnh Phúc
Như Dân trí thông tin, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (32 xã và 4 phường).
Trong đó, 4 phường mới sẽ được thành lập gồm Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Yên hiện nay) và Phúc Yên, Xuân Hòa (thành phố Phúc Yên hiện nay).
32 xã mới gồm: Lập Thạch, Tiên Lữ, Thái Hòa, Liên Hòa, Hợp Lý, Sơn Đông, Tam Đảo, Đại Đình, Đạo Trù, Tam Dương, Hội Thịnh, Hoàng An, Tam Dương Bắc, Vĩnh Tường, Vĩnh Hưng, Vĩnh An, Vĩnh Phú, Vĩnh Thành, Thổ Tang, Yên Lạc, Liên Châu, Tam Hồng, Nguyệt Đức, Tề Lỗ, Bình Xuyên, Bình Nguyên, Xuân Lãng, Bình Tuyền, Tam Quan, Sông Lô, Hải Lựu, Yên Lãng.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vinh-phuc-thong-ke-so-can-bo-dang-ky-o-nha-cong-vu-sau-sap-nhap-20250426175227704.htm