Vụ xâm hại mộ vua Lê Túc Tông: Hai người nước ngoài đã xăm thăm dò

Vụ xâm hại mộ vua Lê Túc Tông: Hai người nước ngoài đã xăm thăm dò


Liên quan đến vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, bị kẻ xấu xâm phạm, cơ quan công an chưa đưa ra thông tin chính thức.

Bước đầu, cơ quan công an đã bắt giữ hai người nước ngoài nghi vấn có liên quan đến vụ việc.

Nguồn tin cho biết, vào tối 3/5, trong quá trình tuần tra tại khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), lực lượng chức năng phát hiện hai đối tượng nghi vấn có hành vi xâm phạm lăng mộ.

Kính Lăng – nơi an nghỉ của vua Lê Túc Tông (Ảnh: Thanh Tùng).

Khi phát hiện có lực lượng chức năng, hai đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ một điện thoại di động có cài đặt ngôn ngữ Trung Quốc, một giấy tờ tùy thân của nam giới và một cây xăm (dụng cụ dùng để tìm cổ vật) gần khu vực lăng mộ.

“Các đối tượng mới chỉ dùng xăm để thăm dò tại khu vực lăng mộ thì bị phát hiện. Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc”, nguồn tin nói.

Sáng 7/5, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa về việc phát hiện dấu hiệu xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông, đơn vị đã phối hợp các đơn vị, địa phương kiểm tra hiện trường, thu giữ dụng cụ và xác minh tư liệu liên quan.

Bia lăng vua Lê Túc Tông (Ảnh: Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh).

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện các nhóm người có hoạt động phức tạp, lợi dụng việc tham quan, nghiên cứu khoa học hoặc học tập trong lĩnh vực di sản văn hóa để khảo sát, đào bới và xâm hại lăng mộ các nhân vật lịch sử, di chỉ khảo cổ học, nhằm tìm kiếm di vật, cổ vật.

Trước tình hình đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ các khu di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán và trao đổi trái phép di vật, cổ vật.

Ngoài ra, các đơn vị cần chú trọng đến việc sửa chữa, lắp đặt hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng trong và ngoài khuôn viên các khu di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh thuộc phạm vi quản lý.

Vua Lê Túc Tông là con trai thứ ba của vua Lê Hiến Tông. Mẹ ông là Trang Thuận Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Hoàn (quê ở tỉnh Hưng Yên).

Vua Lê Túc Tông (1488-1504). Sau khi vua qua đời, linh cữu được đưa về Lam Kinh và an táng tại Kính Lăng, thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Lăng mộ trước đây từng bị hủy hoại, chỉ còn lại một số viên gạch vồ loại mỏng xếp quanh một gò đất cao. Năm 1997, sau khi khảo sát xác định lại vị trí, lăng mộ đã được tôn tạo, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài. Mộ có chiều dài 4,5m, rộng 4,5m và cao 1m.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-xam-hai-mo-vua-le-tuc-tong-hai-nguoi-nuoc-ngoai-da-xam-tham-do-20250507103010387.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *