Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là xã biên giới biển, cửa ngõ phía bắc của tỉnh Nghệ An, giáp tỉnh Thanh Hóa, phía tây giáp xã Quỳnh Lộc, phía nam là dòng Mai Giang, bên kia bờ là phường Quỳnh Phương, phía đông giáp biển Đông. Địa thế này vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Trong câu chuyện về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, ông Vương Đại Tương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Lập đề cập đến vấn nạn say rượu bia và hệ lụy của nó.
“Anh em đi biển về, uống rượu rồi quậy tưng bừng, đánh nhau, gây rối, vợ chồng lục đục. Hồi đó, công an bán chuyên trách là người làng, người xã, việc xử lý các vụ việc liên quan đến rượu cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể những trường hợp bị công an lập biên bản, xử phạt, anh em bạn thuyền có khoản “câu riêng” (thu nhập từ việc đánh bắt ngoài giờ làm việc theo quy định của chủ tàu), góp lại để nộp tiền phạt hộ, nên có phạt rồi đâu cũng vào đấy”, ông Tương kể câu chuyện nhiều năm trở về trước.
Theo Đại úy Văn Đức Dự, Trưởng Công an xã Quỳnh Lập, ngay từ khi có mặt tại địa bàn, lực lượng công an chính quy đã kiên quyết xử lý tình trạng quậy phá, gây rối an ninh trật tự do người say rượu gây ra. Cùng với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, Công an xã phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của rượu bia, cũng như các hình thức xử lý đến người dân.
Theo Đại úy Dự, để thay đổi thói quen tồn tại lâu đời là không dễ dàng, nhưng với sự kiên trì, linh hoạt trong tuyên truyền, cùng với các biện pháp xử lý đủ sức răn đe, tình trạng uống rượu, gây rối đã giảm dần. Năm 2024, toàn xã chỉ xảy ra 2 vụ với 5 đối tượng uống rượu bia, gây mất an ninh trật tự.
Theo chân cán bộ công an xã Quỳnh Lập, chúng tôi ghé thăm thuyền trưởng Lê Văn Đức, thôn Tân Thành (xã Quỳnh Lập), khi ông cùng 8 bạn thuyền của mình thắng lợi trở về sau chuyến vươn khơi bám biển dài ngày. Hoàn tất việc vận chuyển hải sản lên bờ cho thương lái, ông Đức và các thuyền viên kiểm tra lại các thiết bị trên tàu, ngư lưới cụ để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Chuyến đi biển thắng lợi, 8 thuyền viên trên tàu ông Đức nhận trên dưới 10 triệu đồng/người cho hơn 10 ngày làm việc. Nếu như trước đây, ngư dân sau thời gian đi biển thường tụ tập rượu chè “bù” quãng thời gian xa bờ, thì nay, tình trạng này hầu như không còn. Khoản thu nhập khá từ nghề ra khơi, vào lộng giúp họ có cuộc sống ổn định, mua sắm được nhiều vật dụng, tài sản trong gia đình và lo cho con cái học hành.
“Riêng khoản rượu bia, Công an xã quán triệt nghiêm lắm, cả trên biển lẫn vào bờ. Thời gian ra khơi, đến bữa cơm, anh em mỗi người 1 lon bia hay 1 chén rượu thuốc, gọi là giúp giãn gân, giãn cốt cho đỡ mệt thôi. Còn khi anh em lên bờ, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của thuyền trưởng nữa nhưng cũng uống chừng mực, không còn tái diễn bù khú say sưa, đánh nhau nữa”, thuyền trưởng Lê Văn Đức nói.
Là đặc thù xã biển, Quỳnh Lập có 225 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó 186 tàu có chiều dài trên 15m chuyên đánh bắt xa bờ với khoảng gần 2.000 lao động. Bởi vậy, công tác quản lý ngư dân trên biển cũng được địa phương này đặc biệt quan tâm.
Không chỉ giao trách nhiệm cho các chủ tàu, thuyền trưởng trước khi xuất bến, Công an xã còn phối hợp Hội nghề cá, Chi bộ nghề cá xã Quỳnh Lập tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới ngư dân.
Cùng với việc vững vàng vươn khơi ở các ngư trường lớn để làm giàu, các tàu cá ở Quỳnh Lập, đặc biệt là các tàu cá của đảng viên Chi bộ nghề cá trở thành cột mốc sống trên biển, là tai mắt của lực lượng chức năng trong việc kịp thời phát hiện tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, góp phần đảm bảo chủ quyền biển đảo quê hương.
Trong năm 2024, Công an xã Quỳnh Lập đã bắt, chuyển cơ quan điều tra cấp trên khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng liên quan đến mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xử lý vi phạm hành chính 2 vụ, 2 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép pháo nổ…
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp hiệu quả giữa lực lượng công an và chính quyền địa phương, Quỳnh Lập đã được công nhận “Xã sạch về ma túy”.
Xã Quỳnh Lập có 8 thôn với 12km bờ biển, đời sống nhân dân chủ yếu tập trung vào nghề đánh bắt, chế biến hải sản, đi lao động ở nước ngoài, làm công nhân và sản xuất nông nghiệp. Là đặc thù xã biển, đất chật, người đông, xã Quỳnh Lập có nhiều nguy cơ về xảy ra các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, dẫn tới khiếu kiện kéo dài hay phát sinh điểm nóng. Đặc biệt, vụ tranh chấp thửa đất khai hoang tại xóm Tâm Tiến giữa 3 anh em ruột kéo dài nhiều năm khiến lãnh đạo địa phương hết sức đau đầu.
“Thửa đất chưa được phân định ranh giới nên người này trồng cây thì người kia nhổ, người kia xây tường rào thì người còn lại phá. Công an xã đã đưa vụ việc vào diện xử lý nội bộ nhân dân, phối hợp UBND xã tổ chức các cuộc họp, yêu cầu các bên dừng các hoạt động tranh chấp trên thửa đất, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hơn 1 năm qua, không xảy ra các vụ việc an ninh trật tự liên quan đến thửa đất đang tranh chấp này”, Đại úy Văn Đức Dự thông tin.
Trong năm 2024, địa bàn có 11 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, công an xã đã kịp thời nắm bắt; tham mưu chính quyền địa phương lập hồ sơ, xử lý 6 trường hợp ngay khi mới có dấu hiệu vi phạm; vận động 3 gia đình khắc phục hậu quả, trả lại mặt bằng; không để phát sinh điểm nóng ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo Đại úy Văn Đức Dự, với phương châm “phòng ngừa là chính”, lực lượng công an thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh và mạng xã hội, từ đó thay đổi, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân.
Bên cạnh làm tốt công tác nắm địa bàn, nắm hộ, phát huy tai mắt của nhân dân, phối hợp các Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Công an xã đã kịp thời phát hiện, tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp tháo gỡ, không để hình thành các “điểm nóng”, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững bình yên xã biển địa đầu của tỉnh.
Sở hữu bãi tắm đẹp, hạ tầng ngày càng hiện đại, cảng cá sầm uất, nhiều điểm du lịch tâm linh, chợ hải sản nổi tiếng cùng đội tàu đánh cá hùng hậu, phường Nghi Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển “vừa hướng biển, vừa hướng bờ”.
Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với đô thị biển Cửa Lò, Nghi Thủy đã và đang hướng tới là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách.
Ông Trần Xuân Vinh, Chủ tịch phường Nghi Thủy cho biết, trước đây, phường là điểm nóng về tệ nạn xã hội, ma túy. Năm 2023, địa phương được công nhận là “Phường sạch về ma túy” và điển hình về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là kết quả sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an phường.
“Tội phạm, tệ nạn được đẩy lùi, an ninh trật tự được giữ vững là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của phường, góp phần đưa Nghi Thủy trở thành đô thị biển hấp dẫn, an toàn đối với du khách”, ông Vinh nhận định.
Năm 2022, Công an thị xã Cửa Lò (thời điểm chưa giải thể công an cấp huyện) chỉ đạo Công an phường Nghi Thủy xây dựng kế hoạch truy quét tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và đánh bạc. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và lực lượng công an, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ với quyết tâm “chuyển xanh” địa bàn.
“Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt, từng bước thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, công an phường tổ chức các đợt truy quét tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Nếu như trước năm 2023, cơ quan chức năng xử lý 20-30 trường hợp/năm, thì khi thực hiện kế hoạch truy quét, làm sạch địa bàn, Công an phường Nghi Thủy đã xử lý gần 100 vụ việc, hơn 200 đối tượng. Trong 3 năm qua, công an phường đã tổ chức phân hóa, sàng lọc và lập hồ sơ tổ chức đưa 35 người đi cai nghiện tập trung…”, Trung tá Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng Công an phường Nghi Thủy chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Sỹ Hải nhấn mạnh, một điều rất đáng ghi nhận là nhận thức về pháp luật của người dân được nâng cao rõ rệt. Nhiều người từng vi phạm, bị xử lý, được cảm hóa, đã trở thành “tai mắt” của công an và là đội ngũ tiên phong trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự”.
Với phương châm “phòng là chính”, địa phương này đã xây dựng thành công mô hình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường”, “Ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo”, “Cảm hóa người lầm lỗi”… Bằng việc dựa vào dân, huy động sức mạnh của nhân dân, từ địa bàn trọng điểm phức tạp, Nghi Thủy trở thành điểm sáng về đảm bảo an ninh trật tự.
“Trong 2 năm trở lại đây, trên địa bàn phường không ghi nhận trường hợp du khách trình báo bị trộm cắp hay móc túi khi đến Nghi Thủy tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm”, Trung tá Hải tự hào khi lực lượng công an đã đóng góp quan trọng để đưa Nghi Thủy trở thành một điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với du khách.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vung-tren-bo-yen-tren-bien-20250412115214826.htm