Vườn quốc gia Tràm Chim chính thức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ

Vườn quốc gia Tràm Chim chính thức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ


Sếu đầu đỏ được đưa từ Vườn thú ở Thái Lan về Việt Nam

Ngày 20/4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình tiếp nhận sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông).

Tham dự chương trình có ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Phía đại diện Thái Lan có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jade Donavanik, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan; bà Chongkolnee Kaewsod, Quyền Giám đốc Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan; ông Thanachon Kensingh, Giám đốc Vườn thú Nakhon Ratchasima.

Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp nhận sếu đầu đỏ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sự kiện đón nhận những cá thể sếu đầu đỏ hôm nay là một dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đồng Tháp mà còn là kết quả đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Thái Lan, thông qua vai trò then chốt của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) Thái Lan và các tổ chức quốc tế.

Đây không chỉ là một sự kiện khoa học, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần hợp tác quốc tế, gắn kết khu vực, đồng thời truyền thông điệp đến cộng đồng về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học.

Dịp này, các lãnh đạo đã đặt tên cho 6 cá thể sếu đầu đỏ để nuôi bảo tồn tại Vườn quốc gia Tràm Chim với các tên như Tha Vi, Ti Ci, Lotus, Bạn Mít, Phúc Viên và Tân Nguyên, trong đó, Tha Vi là tên gọi do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đặt.

Ông lý giải, tên Tha Vi cho sếu đầu đỏ có ý nghĩa đặc biệt: “Tha” có thể hiểu là từ viết tắt của từ “Thái” Thái Lan. “Vi” là cách viết ngắn gọn của từ “Việt” Việt Nam. Tha Vi (Thái Việt) vừa thể hiện quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan, vừa gắn kết quê nhà – Vườn thú Korat, Thái Lan với “ngôi nhà mới” – Vườn quốc gia Tràm Chim, Việt Nam.

Theo ông, Tha Vi có cách phát âm tương tự với từ “thavee” – Một động từ trong tiếng Thái nghĩa chính là tăng lên hoặc trở nên nhiều hơn, và thường được sử dụng trong bối cảnh mà một điều gì đó tăng lên về số lượng, cường độ hoặc mức độ, có thể sử dụng như một từ bổ sung trong một từ ghép để nhấn mạnh ý nghĩa tăng lên. Vì thế, ông cho rằng Tha Vi còn chứa đựng hàm nghĩa về mong muốn các cá thể sếu đầu đỏ sẽ sớm thích nghi, gắn bó với ngôi nhà mới và liên tục sinh sôi nơi đất lành Tràm Chim.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng kêu gọi tất cả các bên cùng chung tay trong công cuộc khôi phục và phát triển loài sếu đầu đỏ phương Đông – biểu tượng của sự may mắn và hy vọng.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền, sự ủng hộ và tình yêu thiên nhiên của cộng đồng, chúng ta sẽ khôi phục thành công đàn sếu đầu đỏ – không chỉ cho Đồng Tháp, mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của nước Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, ông nhấn mạnh.

Các đại biểu đeo vòng hoa bảng tên cho các cá thể sếu mô hình (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo thông tin từ ban tổ chức, 6 cá thể sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima, chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.

Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, sếu được chuyển về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thực hiện cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó vận chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.

Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ. 

Hạ tầng nuôi sếu đầu đỏ được chuẩn bị kỹ lưỡng

Vườn quốc gia Tràm Chim đã phối hợp Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cải tạo, sửa chữa và bổ sung hạ tầng chuyên biệt tại phân khu A3 – nơi dự kiến sẽ tiếp nhận các cá thể sếu đầu đỏ từ vườn thú Thái Lan. Các hạng mục chính bao gồm: chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng cứu hộ, phòng thuốc, kho dự trữ thức ăn và hệ thống camera giám sát.

Tại các chuồng nuôi, thảm cỏ được cải tạo đồng bộ, hệ thống cấp nước, cửa chuồng, máng ăn uống và các thiết bị hỗ trợ chăm sóc được lắp đặt đầy đủ. Đặc biệt, mỗi chuồng đều được phủ lưới lan, trồng cây xanh xung quanh và trang bị hệ thống khử khuẩn tại cửa ra vào, nhằm đảm bảo an toàn sinh học.

Tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á chia sẻ thông tin về đàn sếu thông qua hình ảnh trực tiếp từ camera ở chuồng nuôi nhốt ghi lại (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ở khu vực nuôi sếu trưởng thành theo hình thức bán hoang dã, các hạng mục như: trồng cây xanh, lắp mái che, cải tạo thảm cỏ và lắp đặt hệ thống camera đã hoàn tất. Lối đi phục vụ tham quan cũng được thiết kế thân thiện, thông thoáng, thuận lợi cho du khách tiếp cận mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của sếu.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim, hiện Vườn đã chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về hạ tầng mà cả hậu cần phục vụ công tác chăm sóc sếu. Kho dự trữ thức ăn được trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản chuyên dụng. Thức ăn cho sếu được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, cung cấp định kỳ 3 tháng/lần và hiện đã có đủ lượng thức ăn cho 6 tháng đầu.

Công tác giám sát sức khỏe và hành vi sinh hoạt của sếu cũng được chú trọng. Hệ thống camera trung tâm kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục. Nhân viên kỹ thuật được phân công theo dõi, ghi nhận và báo cáo định kỳ, đảm bảo quy trình chăm sóc diễn ra nghiêm ngặt, đúng chuẩn.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vuon-quoc-gia-tram-chim-chinh-thuc-tiep-nhan-6-ca-the-seu-dau-do-20250420134157204.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *