Xúc động không gian “Khúc ca hòa bình” kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

Xúc động không gian "Khúc ca hòa bình" kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam


Ngày 23/4, Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề Khúc ca hòa bình đã diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Sự kiện tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) không chỉ là một hoạt động tưởng nhớ lịch sử mà còn là dịp để tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và những người dân đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Không gian trưng bày Khúc ca hòa bình được cấu trúc thành 3 phần nội dung chính, dẫn dắt người xem qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhấtĐất nước trọn niềm vui. 

Trong không gian trưng bày, công chúng được tiếp cận nhiều tư liệu, hình ảnh về phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai” (Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1964); hình ảnh người lính, y bác sĩ, thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đến với triển lãm Khúc ca hòa bình, người xem còn có cơ hội được sống lại những năm tháng hào hùng và cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, thông qua những tư liệu và hình ảnh đặc biệt về những người con ưu tú của dân tộc.

Trưng bày giới thiệu chân dung và câu chuyện của những cá nhân đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần dấn thân: Liệt sĩ Đặng Hồng Sơn; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm; cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu – người dùng máu viết đơn xung phong vào miền Nam chiến đấu khi mới 16 tuổi…

Những trang tư liệu nhuốm màu thời gian, những hiện vật được giới thiệu trong trưng bày Khúc ca hòa bình là minh chứng cho câu chuyện của những con người đã đi qua chiến tranh với tất cả lòng dũng cảm, niềm tin và nỗi nhớ.

Khi đứng trước những hiện vật ấy, ta như nghe được tiếng vọng từ quá khứ, nhắc nhở rằng hòa bình hôm nay là sự đánh đổi bằng máu xương, nước mắt của biết bao thế hệ đi trước.

Các cựu tù chính trị, cựu tù binh, lãnh đạo, các nhà khoa học… nghe giới thiệu về trưng bày Khúc ca hòa bình.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của không gian trưng bày Khúc ca hòa bình là sự tái hiện tổ hợp Hang đá trên đường Trường Sơn. Phần trưng bày này đưa người xem ngược dòng thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng kiên cường.

Tại đây, cuộc sống của những người lính, y bác sĩ, thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại được tái hiện một cách sinh động. Những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ nơi rừng thiêng, nước độc, bất chấp hiểm nguy để giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường huyết mạch.

Đáng chú ý, cùng với hoạt động trưng bày, dịp này, các cán bộ, công nhân viên của di tích đã dàn dựng hoạt cảnh tái hiện sự hy sinh của 8 thanh niên xung phong ở hang đá Bố Trạch, Quảng Bình, năm 1972. 

Ngày 14/11/1972, 8 thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217 đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình) thì máy bay Mỹ ập đến, trút bom dữ dội. Tám thanh niên xung phong vội chạy vào hang trú ẩn, nhưng một khối đá khổng lồ đã bịt kín cửa hang. Dù các lực lượng bộ đội công binh và thanh niên xung phong đã tìm cách phá đá mở cửa hang nhưng đều không thành công.

Đến ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7.. tiếng kêu cứu: “Các anh! Các chị ơi! Cứu chúng em với!” yếu dần. Ngày thứ 9, 8 thanh niên xung phong mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, để lại nỗi tiếc thương vô hạn giữa núi rừng Trường Sơn…

Qua diễn xuất đầy tâm huyết của các diễn viên không chuyên, câu chuyện xúc động về sự cống hiến và hy sinh của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong được tái hiện một cách chân thực và sâu sắc.

Họ đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường huyết mạch trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Hoạt cảnh đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng những du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nhiều cựu thanh niên xung phong tham dự sự kiện xúc động, không kìm được mắt. 

Những hình ảnh tại trưng bày Khúc ca hòa bình đã gợi lại trong bà Cao Thị Hạnh Kiểm – nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Thanh Xuân, Hà Nội – những ký ức sâu sắc về một thời khói lửa.

“Tôi và đồng đội đã trải qua những tháng ngày khốc liệt trên Trường Sơn, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống để giành lại hòa bình cho đất nước. Nhìn những hình ảnh được tái hiện tại trưng bày, những ký ức năm xưa ùa về, khiến tôi không thể kìm nén được nước mắt. Những hình ảnh ấy gợi nhớ về những người đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, không một ai còn nguyên vẹn trở về với quê mẹ”, bà chia sẻ, giọng nghẹn ngào. 

Bà xúc động nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng của ngày 30/4/1975. Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng những giây phút lịch sử đó vẫn in đậm trong tâm trí cựu thanh niên xung phong. 

Trưng bày chuyên đề Khúc ca hòa bình nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc. Trưng bày cũng góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự tin vững bước trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/5 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ảnh: Nguyễn Hà Nam



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/xuc-dong-khong-gian-khuc-ca-hoa-binh-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-20250423201625373.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *