Cần điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, bỏ chi phí không minh bạch

Cần điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, bỏ chi phí không minh bạch


Quan điểm này được ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đưa ra tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 7/5.

Tọa đàm này nhằm phân tích, kiến giải, luận bàn giải pháp, kịch bản, sự chuẩn bị của ngành điện để đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương đánh giá trong 4 tháng đầu năm, việc cung ứng điện nhìn chung được bảo đảm, nhất là trong các dịp lễ lớn.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương (Ảnh: Đoàn Bắc).

Với các giải pháp hiện có, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản được bảo đảm nếu các điều kiện diễn biến như dự báo, theo nhận định của đại diện Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, ông Dương nhìn nhận vẫn cần đề phòng các tình huống cực đoan như tăng phụ tải đột biến, thời tiết khắc nghiệt, hoặc sự cố tổ máy. Ông cũng cho biết ngành điện đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó nhằm bảo đảm an ninh điện năng trong mọi tình huống.

“Giá điện đang phải gánh quá nhiều mục tiêu”

Phân tích từ thực tế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết giá điện hiện nay tồn tại 3 bất cập lớn. Thứ nhất, giá điện chưa theo cơ chế thị trường, chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất 1 kWh điện và còn tình trạng “mua cao bán thấp” kéo dài.

Thứ hai, giá điện đang phải gánh quá nhiều mục tiêu – từ hỗ trợ ngành điện phát triển, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội đến khuyến khích tiết kiệm điện. Nhưng điều đáng nói, các mục tiêu này không đồng thuận, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn trong điều hành.

Bất cập thứ ba là cơ chế bù chéo trong giá điện (giữa hộ dùng điện sinh hoạt với nhau, giữa sinh hoạt và sản xuất, giữa các vùng miền) đã kéo dài, làm méo mó giá điện và cản trở cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (Ảnh: Đoàn Bắc).

Những bất cập này, theo ông Thỏa, dẫn đến hệ quả giá điện mang tính bao cấp, không thu hút được đầu tư tư nhân, không tạo áp lực đổi mới công nghệ và tiết kiệm điện. “Ngành điện luôn rơi vào tình trạng thâm hụt dòng tiền, khó tái đầu tư, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thỏa nói.

Đưa ra giải pháp, ông góp ý cần chuyển sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý. Biểu giá điện cũng cần sửa đổi, bỏ chi phí không minh bạch như chênh lệch tỷ giá, tách rõ các thành phần chi phí như phát điện, truyền tải, bán lẻ…

Đồng thời, ông Thỏa nhấn mạnh phải chấm dứt cơ chế bù chéo và xử lý chênh lệch vùng miền bằng chính sách riêng.

Nếu thực hiện được các điều chỉnh trên, ngành điện sẽ có điều kiện phát triển bền vững, bảo đảm cung ứng điện cho tăng trưởng kinh tế như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra, theo đánh giá của nguyên Cục trưởng.

Điều chỉnh giá điện hợp lý, có chính sách hỗ trợ tránh gây “sốc giá”

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nhận định, mức giá điện trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Philippines. Thái Lan, sau cải cách biểu giá điện theo giờ, giá đã tăng đáng kể so với vài năm trước.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo ông Sơn, vấn đề không chỉ là “giá điện cao hay thấp”, mà là làm sao để giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất, bảo đảm tính bền vững cho hệ thống điện quốc gia. Nhiều quốc gia đã chuyển sang cơ chế giá thị trường, minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng phát triển năng lượng sạch.

Ông cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục duy trì giá điện dưới mức chi phí thực tế, có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho sản xuất và an sinh xã hội, nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư hạ tầng điện, mất cân đối cung – cầu và giảm chất lượng hệ thống trong dài hạn.

Vì vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ chi phí và vẫn có chính sách hỗ trợ phù hợp để tránh gây “sốc giá”.

Thông tin về những điểm mới trong Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết một điểm mới quan trọng trong luật lần này là cơ chế xác lập giá điện. Theo đó, việc xây dựng giá điện cần đảm bảo tính minh bạch, ổn định và hợp lý.

“Giá điện phải đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nhưng cũng cần được kiểm soát ở mức hợp lý, nhằm không gây áp lực lên chi phí sản xuất – kinh doanh và đời sống người dân”, ông Hiếu nói.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tuy nhiên, cơ chế giá điện lại là điều khiến ông Nguyễn Tiến Thỏa băn khoăn. Theo ông, cần nhanh chóng cải cách cơ chế điều hành giá điện theo hướng tiệm cận thị trường. “Cơ chế giá phải minh bạch, phản ánh đúng chi phí và loại bỏ những rào cản không còn phù hợp”, ông Thỏa nhắc lại.

Về dài hạn, ông cho rằng cần xóa bỏ triệt để cơ chế “mua cao, bán thấp”, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, trong đó giá điện phản ánh đúng giá trị thật.

“Vai trò điều tiết của Nhà nước nên tập trung vào các công cụ kinh tế, thay vì các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào giá để tránh làm sai lệch giá trị thật của điện năng, bảo đảm thị trường vận hành minh bạch, lành mạnh và bền vững”, theo góp ý của chuyên gia.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-dieu-hanh-gia-dien-theo-co-che-thi-truong-bo-chi-phi-khong-minh-bach-20250507211859204.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *