Chị được tái sinh nhờ lá phổi của “người em” được chuyển từ Nam ra Bắc

Chị được tái sinh nhờ lá phổi của "người em" được chuyển từ Nam ra Bắc


Ca ghép phổi xuyên Việt đầu tiên ở Việt Nam

Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Ghép phổi diễn ra vào ngày 7/5, TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, chỉ trong 1 tuần của tháng 4, bệnh viện đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị, các bệnh viện trong nước và quốc tế thực hiện thành công liên tiếp 2 ca ghép phổi cho 2 bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn cuối.

Đây cũng là lần đầu tiên phổi của người cho chết não được điều phối, vận chuyển hàng không, bảo quản nghiêm ngặt từ Nam ra Bắc để thực hiện ca ghép ngay trong đêm 11/4. Thời gian vàng để ghép phổi chỉ vỏn vẹn 10 tiếng. Người được ghép phổi là chị Cấn Thị Phương (54 tuổi, Hà Nội). Người hiến tạng phổi là nam bệnh nhân 38 tuổi. Ca ghép phổi kéo dài trong 8 tiếng.

Chị Cấn Thị Phương (54 tuổi, Hà Nội) đã được hồi sinh với 2 lá phổi mới (Ảnh: B.V).

Trước khi được ghép phổi, chị Phương bị bệnh phổi giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.

Năm 2018, chị phát hiện có kén khí trong 2 phổi, 80% nhu mô phổi đã bị thay thế bởi các kén khí. Tình trạng này khiến chị bị suy hô hấp mạn tính, khó thở tăng dần, chị gặp nhiều khó khăn trong vận động, di chuyển trong khoảng cách 200m.

Từ năm 2023, chị bắt đầu thở oxy 6 tiếng mỗi ngày tại nhà, tiên lượng tử vong rất cao. Đầu năm nay, bệnh nhân đã có nhiều đợt nằm hồi sức tích cực.

Sau ca ghép, các chỉ số sức khỏe của chị đang hồi phục tốt. Bật khóc khi nhớ lại thời điểm tỉnh lại sau ca ghép, chị Phương xúc động chia sẻ: “Khi mở mắt ra, tôi biết mình đã sống. Lúc đó tôi vô cùng vui mừng, hạnh phúc. Tôi được sống lại nhờ vào “người em” đã hiến tạng và các bác sĩ, tôi luôn biết ơn những người tái sinh sự sống cho mình”.

Luôn mong mỏi biết người cho phổi mình là ai, chị cho biết khi khỏe hẳn, đi xa được, chị sẽ đến tận nhà để cảm ơn nghĩa cử cao cả của người đã cho mình lá phổi.

Bệnh nhân hồi phục ngoạn mục sau ca ghép phổi

Một tuần sau, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục thực hiện ca ghép phổi thứ hai cho bệnh nhân Quách Thị Thực (37 tuổi, Thanh Hóa). Người cho phổi là nam thanh niên 35 tuổi được xác định chết não tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nụ cười hạnh phúc của chị Thực sau ca ghép phổi thành công (Ảnh: B.V).

Ca phẫu thuật ghép phổi diễn ra tại Bệnh viện Phổi Trung ương kéo dài 7 tiếng từ 18h tối 18/4 đến 1h sáng 19/4.

8 giờ sau mổ, bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục, được rút ống nội khí quản và thở bằng hai lá phổi mới với hơi thở mới. Sau 1 tuần, bệnh nhân tự thở được như bình thường. Đây cũng là kỳ tích đặc biệt trong phẫu thuật ghép phổi, sự thành công tương đương với tiêu chuẩn y khoa tại các nước phát triển trên thế giới.

Trước đó, chị Thực bị u cơ trơn bạch huyết (LAM), hình thành các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng của phổi. Một năm trở lại đây, tình trạng khó thở tăng dần, chị sụt 5 kg, phải thở oxy 14-16 tiếng mỗi ngày trong 2 tháng trở lại đây. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

“Khi bác sĩ thông báo ca ghép thành công, tôi vừa mừng vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Các con cũng điện thoại ra gọi hỏi “Mẹ tỉnh chưa?”. Các bác sĩ cũng động viên quyết tâm vì đây là cơ hội để vợ tôi được sống, được trở về với các con”, anh Lê Thế Phương, chồng bệnh nhân, xúc động nói.

Trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học (Ảnh: B.V).

Cả 2 bệnh nhân được ghép phổi đều được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ trước và chờ ghép từ vài tháng nay. Ngay khi có thông tin từ người hiến tạng chết não, bệnh viện đã lập tức tổ chức hội chẩn, nhanh chóng điều phối, huy động sức mạnh tổng lực từ các chuyên gia đầu ngành của tất cả các lĩnh vực tham gia vào các ca ghép phổi.

“2 ca ghép đặc biệt này đã nâng tổng số ca ghép phổi thành công của bệnh viện lên 6 ca như tiêu chuẩn cao nhất tại Mỹ. Điều đó đưa ghép phổi trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện”, TS Lượng nói.

Giấc mơ xây dựng Trung tâm Ghép phổi vùng

Sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép, nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi, trong đó Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện 6 ca, bằng gần 50% tổng số ca ghép.

Riêng trong năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước. Đến thời điểm này của năm nay, bệnh viện đã ghép được 2 ca.

Toàn bộ các ca ghép phổi do Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện đều thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Trung tâm Ghép phổi UCSF, Trường Đại học California, tại San Francisco, trung tâm y học uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Đến nay ghép phổi đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: T.H).

Thành lập từ năm 2020, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương ra đời để hiện thực hóa giấc mơ ghép phổi cho người bệnh mà chỉ có thay phổi mới sống được. Đến nay, trung tâm đã làm chủ đưa kỹ thuật ghép phổi trở thành thường quy tại bệnh viện.

Điều này góp phần rất lớn trong việc cứu sống những ca bệnh mà các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa tiên tiến nhất không còn hiệu quả, cách duy nhất cứu bệnh nhân là ghép phổi.

Trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Theo đánh giá, ghép phổi khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp, điều phối chặt chẽ.

Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật ghép phổi rất rắc rối, trải qua nhiều thì, đòi hỏi số lượng bác sĩ tham gia đông, chia nhiều ê kíp và cần phối hợp đồng bộ với nhau. Quá trình mổ lấy và bảo quản phổi cũng khó hơn so với các tạng khác ở người chết não. 

Sau hơn 5 năm được ghép thành công 2 lá phổi, bệnh nhân Nguyễn Xuân Toại (Thanh Hóa) là ca ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại nước ta. 

Đối với các bệnh phổi, tinh thần Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Cố Bộ Trưởng Bộ Y tế đầu tiên, Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương, tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay, chính là kim chỉ nam trong việc chinh phục kỹ thuật ghép phổi. Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.

TS.BS Đinh Văn Lượng Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Theo TS Lượng, Trung tâm Ghép phổi sẽ tiếp tục trở thành đơn vị nòng cốt để Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng thành Trung tâm Ghép phổi vùng phục vụ người bệnh trong nước và cả người bệnh quốc tế. Hiện nay, tại nước ta có khoảng 900 người bệnh cần ghép phổi.

Bên cạnh đó, điều khiến ông băn khoăn là vấn đề chi phí. Chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam thuộc mức thấp so với thế giới, nhưng đó vẫn là gánh nặng tài chính lớn, vượt quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình.

Vì vậy, để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, theo ông cần có cơ chế chi trả từ nguồn BHYT và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác. Hiện nay, hầu hết các ca ghép phổi đều được bệnh viện hỗ trợ kinh phí.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/chi-duoc-tai-sinh-nho-la-phoi-cua-nguoi-em-duoc-chuyen-tu-nam-ra-bac-20250507161239611.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *