Ngày 17/12/2021 19:10 PM (GMT+7)
Trẻ ở độ tuổi vị thành niên Đối với các con, nhất là trẻ ở độ tuổi vị thành niên, việc bị đặt quá nhiều kỳ vọng, đề cao thành tích sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, suy nghĩ… thậm chí dẫn tới các hành vi đáng tiếc.
Mới đây, vụ việc một bé trai lớp 6 ở Hà Nội nhảy từ trên tầng cao chung cư xuống khiến không ít người bàng hoàng. Theo thông tin trên báo chí, do áp lực việc học tập, tối 16/12, sau khi làm bài thi không tốt, nam sinh đã nhảy từ tầng 22 xuống và tử vong.
Vấn đề trẻ ở độ tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng tâm lý, hành vi do áp lực học tập đang cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong thời điểm học sinh tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang phải học online như hiện nay.
Sự việc nam sinh tử vong dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc cần quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần ở trẻ
Trẻ dễ rối loạn cảm xúc, hành vi khi chịu áp lực lớn
TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, áp lực hay gặp nhất với trẻ tuổi đến trường thường là thành tích học tập, sự kỳ vọng của phụ huynh, của thầy cô… Áp lực này có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý, nhất là với trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên và có thể gây ra hậu quả đau lòng.
Theo bác sĩ Loan, qua quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng gặp không ít trường hợp trẻ vì không đạt được kỳ vọng do người lớn đặt ra mà ảnh hưởng tâm lý, lực học giảm sút. Thậm chí, có một trường hợp còn bị bố mẹ phạt do học kém, sau đó học sinh này đã uống thuốc tự tử. Rất may, trẻ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Ngoài thành tích và kỳ vọng, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong giai đoạn học online, do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay trẻ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khác.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, so với phương pháp học trực tiếp, học trực tuyến không thỏa mãn và tạo hứng thú với 74% học sinh. Nguyên nhân là do thiếu vận động, thiếu tương tác, dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Ngoài ra, học trực tuyến kéo dài cũng được khuyến cáo gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của học sinh như giảm thị lực, tăng nguy cơ béo phì… Không chỉ thể chất mà sức khỏe tinh thần của trẻ cũng bị ảnh hưởng, đó là tăng bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung… Đó là chưa kể việc học trực tuyến kéo dài sẽ giảm kỹ năng tương tác, giao tiếp của học sinh.
Học online kéo dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Cần nhận biết dấu hiệu sớm để can thiệp kịp thời
Bác sĩ Đỗ Minh Loan cho biết, áp lực học tập có thể gặp ở mọi cấp học, lứa tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là tuổi vị thành niên. Tương ứng với bậc học cấp 2 và cấp 3.
“Ở lứa tuổi này trẻ bắt đầu thay đổi nhận thức, có quan điểm và chính kiến riêng, vì thế khi bố mẹ áp đặt các con phải làm theo ý mình thì trẻ dễ phản ứng lại, thậm chí là phản ứng gay gắt.
Nếu bố mẹ không hiểu, cho rằng sự phản ứng của con là cãi lại, là hư… và lập tức đưa ra hình phạt thích đáng có thể khiến trẻ bị rối loạn hành vi, cảm xúc và tâm lý, thậm chí có thể để lại hậu quả đau lòng”, bác sĩ Minh Loan phân tích.
Bác sĩ Loan khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý đến từng biểu hiện, chi tiết nhỏ của con để có thể nhận ra sớm khi trẻ bị ảnh hưởng, tổn thương tâm lý và tâm thần do áp lực học tập. Theo đó, khi trẻ bị tổn thương tâm lý, rối loạn cảm xúc thường có biểu hiện buồn chán, lo âu, căng thẳng, thất vọng.
Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng trẻ tìm lý do để nghỉ học, trốn học hoặc khi học thì không tập trung… Khi đó, nếu bố mẹ không có hướng tiếp cận hợp lý, quát mắng, bắt ép… có thể càng khiến trẻ bị áp lực, trầm cảm, thậm chí có ý tưởng tự sát hoặc cố ý thực hiện hành vi này.
Không nên tạo áp lực thành tích hay đặt kỳ vọng quá cao với học sinh.
Giải quyết vấn đề “dễ mà khó”
Tiến sĩ Minh Loan cho rằng, để giải quyết được căng thẳng, áp lực tâm lý, học tập cho trẻ thì phụ huynh cần thay đổi tư duy và suy nghĩ. Không gây áp lực thành tích học tập cho trẻ, không ép buộc trẻ học theo sự áp đặt của bố mẹ. Tốt nhất để trẻ học tập theo khả năng và sở thích, phụ huynh chỉ định hướng cho trẻ theo từng độ tuổi, cấp học.
Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, trong cuộc sống hàng ngày nên coi mình là “bạn” của con, luôn dành thời gian lắng nghe con tâm sự, chia sẻ… từ đó mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn cho con đi đúng hướng nhất.
PGS Trần Thành Nam cũng tư vấn, khi thấy con có biểu hiện rối loạn ảnh hưởng tâm lý do áp lực học tập gây ra, cha mẹ hãy giúp con cân bằng thể chất, cảm xúc, giao tiếp xã hội và nhận thức.
Theo đó, phụ huynh nên giúp con duy trì một lịch tập luyện thể dục thể thao đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ… Hãy để trẻ làm những thứ mình cảm thấy thích thú trong thời gian phù hợp, thực hành thói quen thư giãn phù hợp, rèn cho con thói quen biết tự khích lệ bản thân, thể hiện sự biết ơn hay hành động trao yêu thương tới mọi người xung quanh…
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ap-luc-hoc-hanh-anh-huong-toi-tre-the-nao-dieu-bo-…
Khi con ở giai đoạn “quá độ”, phát triển từ trẻ con thành người lớn, nếu bố mẹ vẫn áp đặt, kiểm soát con có thể khiến tâm sinh lý trẻ bị ảnh hưởng,…
Bệnh viện Nhi Trung Ương
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)