Ngày 17/11/2021 14:20 PM (GMT+7)
Khi con ở giai đoạn “quá độ”, phát triển từ trẻ con thành người lớn, nếu bố mẹ vẫn áp đặt, kiểm soát con có thể khiến tâm sinh lý trẻ bị ảnh hưởng, dẫn đến những hành vi nhiều nguy cơ, thậm chí là tự tử.
Uống hơn 20 viên thuốc tự tử vì bị bắt viết kiểm điểm
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trẻ vị thành niên là lứa tuổi rất đặc biệt, mọi tác động đều ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ của trẻ. Có những điều rất nhỏ bé trong cuộc sống cũng khiến trẻ bị kích động, thậm chí là tự tử làm ngay cả bố mẹ cũng bất ngờ.
Tại phòng khám khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận rất nhiều những “cô cậu ẩm ương” tuổi mới lớn. Có trẻ đến vì tâm lý bất thường, học hành giảm sút hoặc liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mặt nhiều mụn trứng cá…
Thế nhưng, cũng có trường hợp phải cấp cứu do trẻ cắt tay tự tử, uống thuốc quyên sinh vì lý do rất lãng xẹt. Thật đau đớn khi có trẻ vì đến viện muộn đã không thể cấp cứu thành công, cháu bé ra đi trong sự đau đớn tột cùng của bố mẹ.
Không ít trẻ ở độ tuổi vị thành niên phải nhập viện do bố mẹ giáo dục con chưa đúng cách. Ảnh tư liệu trước khi có dịch COVID-19.
Tiến sĩ Loan nhớ mãi trường hợp một bé gái 13 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh” vì uống hơn 20 viên thuốc hạ sốt để tự tử. Lý do khiến nữ sinh hành động như vậy là do bị bố mẹ bắt viết bản kiểm điểm.
Trước đó, khi đi học, do bé gái vi phạm nội quy, kết quả học tập giảm sút, cô giáo chủ nhiệm đã phê bình trước lớp, gọi điện thông báo với phụ huynh. Khi nhận được tin báo từ giáo viên, thay vì tâm sự, chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới việc học kém, bố mẹ lại quát mắng, bắt con viết bản kiểm điểm.
Thế nhưng, thay vì viết kiểm điểm theo yêu cầu của bố mẹ, nữ sinh này đã tự tử bằng cách uống thuốc hạ sốt. Sau khi con được cứu sống, bố mẹ nữ sinh chia sẻ: “Tôi chỉ muốn uốn nắn để cháu học tốt hơn, không ngờ cháu lại dại dội làm như vậy”.
Chú ý các biểu hiện của trẻ để có hướng tiếp cận đúng
Bác sĩ Loan cho biết, vấn đề cốt yếu khiến trẻ vị thành niên dễ bị ảnh hưởng tâm lý, thậm chí phải nhập viện như trường hợp trên chính là sự bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và các con. Phụ huynh luôn muốn điều tốt nhất cho con nhưng rất hay kiểm soát, áp đặt suy nghĩ của mình cho con trẻ.
Đối với trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu thay đổi nhận thức, có quan điểm và chính kiến cá nhân, vì thế khi bị bố mẹ áp đặt, các con thường hay phản ứng lại, dẫn đến bị rối loạn hành vi, cảm xúc.
Một bé trai đến khám do lực học giảm sút, tâm lý bất an trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua.
“Rối loạn hành vi, cảm xúc có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có trường hợp bị rối loạn nặng đến mức không thể đi học, trong khi đây là nhiệm vụ chính của trẻ trong giai đoạn này”, bác sĩ Loan chia sẻ.
Khi trẻ bị rối loạn cảm xúc, hành vi thường có biểu hiện buồn chán, lo âu, căng thẳng, thất vọng. Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng nghỉ học, trốn học, học không tập trung… Khi đó, bố mẹ nếu không có hướng tiếp cận hợp lý, lại quát mắng, bắt ép trẻ sẽ càng khiến trẻ bị áp lực, trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát hoặc tự sát.
Bố mẹ cần tiếp cận thế nào?
Theo bác sĩ Loan, điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần hiểu là trẻ ở độ tuổi vị thanh niên là giai đoạn chuyển từ trẻ con sang người lớn. Giai đoạn này trẻ có xu hướng tách rời bố mẹ, có suy nghĩ độc lập, cần có không gian riêng… Do vậy, nếu bố mẹ vẫn cố tìm cách bao bọc, kèm cặp sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
“Trong giai đoạn trẻ nhỏ, khi bố mẹ nói con thường dạ vâng ngay. Còn giai đoạn vị thành niên, khi bố mẹ nói con sẽ có góc nhìn, suy nghĩ, quan điểm riêng và có thể đưa ý kiến phản bác lại, thậm chí là cãi.
Rất nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý phải đến khám.
Rất nhiều bố mẹ cho rằng như vậy là con hư và áp dụng các phương pháp giáo dục, uốn nắn cứng rắn hơn. Tuy nhiên, thực tế đó không phải là trẻ hư mà là sự thay đổi suy nghĩ, tâm lý tích cực của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần thay đổi suy nghĩ, không áp đặt, dễ gây mẫu thuẫn, khiến trẻ dễ xa rời bố mẹ”, bác sĩ Loan tư vấn.
Bác sĩ Loan cho rằng, với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, trong cuộc sống hàng ngày cần “hạ mình” một chút, coi mình là “bạn” của con, luôn lắng nghe con tâm sự, chia sẻ… từ đó, mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn cho con đi đúng hướng nhất.
“Bố mẹ cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức để có thể trả lời con, hướng dẫn con khi cần thiết. Ví dụ như các thay đổi về cơ thể, các vấn đề liên quan đến tình dục, sức khỏe sinh sản… là những vấn đề trẻ hay thắc mắc, đặt câu hỏi trong giai đoạn này”, bác sĩ Loan nhắn nhủ.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/be-gai-tu-tu-vi-bi-viet-ban-kiem-diem-bac-si-chi-l…
Khi thấy con đau bụng, ngực phát triển, ông bố đơn thân đã cầu cứu bác sĩ vì sợ con có kinh nguyệt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn y học, TS.BS Đỗ Minh Loan…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)