Không chỉ ngon miệng, dứa còn đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dứa là một loại trái cây nhiệt đới rất thơm ngon và đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Dứa có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng hiện đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Dứa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi, chất chống oxy hóa và các hợp chất hữu ích khác, chẳng hạn như các enzym có thể chống lại chứng viêm và bệnh tật. Việc ăn dứa có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và tăng tốc độ phục hồi sau phẫu thuật…
Dứa có hàm lượng calo thấp nhưng có thành phần dinh dưỡng cực kỳ ấn tượng. Trong 165 gam dứa chứa:
– Lượng calo: 82,5
– Chất béo: 1,7 gram
– Chất đạm: 1 gram
– Carbs: 21,6 gram
– Chất xơ: 2,3 gram
– Vitamin C: 131% RDI (Khẩu phần ăn hàng ngày tham khảo)
– Mangan: 76% RDI
– Vitamin B6: 9% RDI
– Đồng: 9% RDI
– Thiamin: 9% RDI
– Folate: 7% RDI
– Kali: 5% RDI
– Magiê: 5% RDI
– Niacin: 4% RDI
– Axit pantothenic: 4% RDI
– Riboflavin: 3% RDI
– Sắt: 3% RDI
– Một lượng nhỏ vitamin A, vitamin K, phốt pho, kẽm và canxi.
Tác dụng của quả dứa
1. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Dứa không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Chất chống oxy hóa là các phân tử giúp cơ thể bạn chống lại quá trình căng thẳng oxy hóa.
Căng thẳng oxy hóa là trạng thái có quá nhiều gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do này tương tác với các tế bào của cơ thể và gây ra thiệt hại có liên quan đến chứng viêm mãn tính, hệ thống miễn dịch suy yếu và nhiều bệnh nguy hiểm khác, bao gồm bệnh tim, tiểu đường tuýp 2, ung thư, đột quỵ và lão hóa.
Dứa đặc biệt giàu chất chống oxy hóa bao gồm flavonoid và axit phenolic. Các chất chống oxy này cũng liên kết với nhau giúp chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt hơn trong cơ thể và tạo ra hiệu quả lâu dài hơn.
Ngoài ra, dứa rất giàu vitamin C, cũng được coi là một chất chống oxy hoá đặc biệt. Vitamin C cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hỗ trợ sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống.
Dứa cũng rất giàu mangan, là một khoáng chất tự nhiên giúp tăng trưởng, duy trì sự trao đổi chất lành mạnh và có đặc tính chống oxy hóa.
2. Chứa nhiều enzyme có lợi
Dứa có chứa một nhóm các enzyme tiêu hóa được gọi là bromelain. Chúng hoạt động như protease, giúp phá vỡ các phân tử protein thành các khối xây dựng của chúng, chẳng hạn như axit amin và peptit nhỏ. Khi các phân tử protein bị phá vỡ, chúng sẽ dễ dàng được hấp thụ qua ruột non hơn. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người bị suy tuyến tụy, một tình trạng mà tuyến tụy không thể tạo ra đủ các enzyme tiêu hóa.
3. Giảm nguy cơ ung thư
Ung thư là một bệnh mãn tính đặc trưng bởi sự phát triển không kiểm soát của tế bào. Sự tiến triển của nó thường liên quan đến căng thẳng oxy hóa và viêm mãn tính.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dứa và các hợp chất của nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Có được điều này là nhờ dứa có khả năng làm giảm chứng viêm và chống lại căng thẳng oxy hóa.
Một trong những hợp chất này là nhóm các enzyme tiêu hóa được gọi là bromelain. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng bromelain cũng có thể giúp chống lại bệnh ung thư. Hai nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy bromelain ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư vú và kích thích tế bào chết. Các nghiên cứu khác trong ống nghiệm cho thấy bromelain ngăn chặn ung thư ở da, ống mật, hệ thống dạ dày và ruột kết.
Một số nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng bromelain có thể kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất các phân tử tạo ra các tế bào bạch cầu hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và loại bỏ tế bào ung thư.
4. Tăng cường miễn dịch, ức chế viêm
Dứa chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các enzym như bromelain có thể tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn chặn chứng viêm.
Một nghiên cứu kéo dài 9 tuần đã chia 98 trẻ khỏe mạnh thành 3 nhóm: không ăn dứa, ăn ít dứa (140g) và ăn nhiều dứa (280g) hàng ngày để xem liệu nó có tăng cường khả năng miễn dịch của chúng hay không. Kết quả cho thấy những trẻ em ăn dứa có có nguy cơ bị nhiễm trùng do virus và vi khuẩn thấp hơn đáng kể. Ngoài ra, nhóm trẻ được ăn nhiều dứa có lượng bạch cầu chống lại bệnh tật nhiều hơn gần 4 lần so với 2 nhóm còn lại.
Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em bị nhiễm trùng xoang hồi phục nhanh hơn đáng kể khi dùng chất bổ sung bromelain, so với phương pháp điều trị tiêu chuẩn hoặc kết hợp cả 2.
Chất bromelain trong quả dứa cũng làm giảm các dấu hiệu của chứng viêm, từ đó hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
5. Giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp
Đặc tính chống viêm của quả dứa cũng hữu ích cho những người bị bệnh viêm khớp nhờ chứa chất bromelain.
Ngay từ những năm 1960, chất bromelain đã được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một nghiên cứu ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp cho thấy rằng việc bổ sung enzym tiêu hóa có chứa bromelain giúp giảm đau hiệu quả tương tự như các loại thuốc viêm khớp thông thường.
6. Tăng tốc độ hồi phục sau phẫu thuật hoặc sau tập luyện vất vả
Ăn dứa có thể làm giảm thời gian hồi phục sau phẫu thuật hoặc tập thể dục. Điều này phần lớn là do đặc tính chống viêm của chất bromelain có trong quả dứa.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bromelain có thể làm giảm viêm, sưng, bầm tím và đau thường xảy ra sau phẫu thuật.
Tập thể dục gắng sức cũng có thể làm tổn thương mô cơ và gây viêm xung quanh. Các cơ bị ảnh hưởng không thể tạo ra nhiều lực và đau khoảng 3 ngày. Các protein như bromelain có thể tăng tốc độ phục hồi các tổn thương do tập thể dục gắng sức gây ra bằng cách giảm viêm xung quanh các mô cơ bị tổn thương.
Tác hại của quả dứa
Ngoài những lợi ích trên, việc ăn dứa cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cần chú ý:
– Gây dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với dứa. Vì loại quả này có đặc tính làm mềm thịt nên có thể gây ra các triệu chứng như sưng môi, sưng má, rát lưỡi hay gây ngứa họng. Ở một số trường hợp, dứa còn gây ngứa ngáy, khó chịu và nổi mề đay.
– Tăng đường huyết: Dứa có lượng đường tự nhiên rất cao, do đó có thể làm tăng đường huyết, không tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Vì vậy, người bị bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao nên hạn chế ăn dứa.
– Gây loãng máu: Việc ăn quá nhiều dứa có thể gây ra phản ứng bromelain làm loãng máu. Vì vậy, những người uống thuốc chống đông máu, đang xuất huyết hoặc chảy máu không nên ăn dứa vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây xuất huyết quá mức.
– Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa: Dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét dạ dày, đường ruột hoặc làm tăng chứng ợ nóng, trào ngược ở những người có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này sẽ dễ khiến người bệnh gặp cảm giác gây nôn nao, khó chịu ở cổ họng và thường xuyên thấy khó tiêu. Bạn cũng không nên ăn dứa lúc đói vì sẽ dễ bị mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, thậm chí là đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.
– Làm tăng nguy cơ sảy thai: Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều dứa vì nó có thể gây ra cơn co thắt tử cung, dễ gây sảy thai.
– Gây ngộ độc thực phẩm: Dứa là loại cây bụi mọc sát mặt đất, vỏ xù xì, mắt ăn sâu vào thân quả nên dễ trở thành nơi cư trú của một loại nấm độc có tên là Candida tropicalis. Khi dứa bị giập nát, nấm và vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi xâm nhập sâu vào trong quả dứa, gây tình trạng ngộ độc thực phẩm. Người nhiễm nấm Candida thường sẽ là mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy, ngứa ngáy và nổi mề đay…
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/khi-nao-khong-nen-an-dua-nhung-tac-hai-va-tac-dung…
Ngải cứu là loại cây quen thuộc và đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)