Tiêm chủng là hành động quan trọng để các bậc phụ huynh có thể chủ động phòng bệnh cho con, đặc biệt là với các bé dưới 5 tuổi. Tuy vậy, những cơn quấy khóc vì sốt hay đau sau tiêm của trẻ thường làm không ít bậc phụ huynh lúng túng.
PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng khoa Nội Tổng quát 2, BV Nhi đồng 1 và Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Đại Học Y Dược TP.HCM) sẽ hướng dẫn cha mẹ 3 bí quyết để tự tin xử lý đúng cách, cùng bé vượt qua những cơn sốt và đau cánh tay sau tiêm một cách dễ dàng.
Theo dõi tình trạng bé liên tục, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm sớm nhất có thể
Sau tiêm, cha mẹ cần cho bé nán lại điểm tiêm chủng trong vòng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng và có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Cha mẹ cũng không nên chủ quan nếu thấy trẻ không có phản ứng gì ngay sau khi tiêm. Trong 24 – 48 giờ kế tiếp mới có thể là khoảng thời gian cơ thể bé phải đối diện với phản ứng sau tiêm như sưng, ngứa, mẩn đỏ tại vết tiêm hay sốt nhẹ… Mặc dù đa phần triệu chứng sau tiêm ở trẻ thường tự kết thúc sau 1 – 2 ngày, cha mẹ vẫn cần thay phiên chăm sóc bé để có thể can thiệp kịp thời nếu có chuyển biến xấu.
Ngay khi bé có biểu hiện bất thường: sốt cao liên tục trên 39 độ, khó thở, tím tái, li bì… cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm
Giảm đau hạ sốt, duy trì thân nhiệt ổn định
Sốt nhẹ dưới 39 độ là phản ứng sau tiêm rất phổ biến ở trẻ. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang phản ứng lại vắc xin như một tác nhân lạ xâm nhập. Tuy nhiên, tình trạng sốt kéo dài dễ khiến trẻ chán ăn và quấy khóc. Bỏ túi các biện pháp hạ nhiệt cơ thể dưới đây, cha mẹ có thể giúp con giảm bớt cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Đơn giản nhất, cha mẹ có thể dùng khăn ấm (nhiệt độ thấp hơn mức nhiệt cơ thể bé từ 2 – 3 độ) để lau người hoặc chườm vào những vùng da có mạch máu lớn đi qua như trán, nách, bẹn cho bé. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý cho con mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, giúp thấm hút mồ hôi tốt hơn. Việc nới lỏng cúc, chun quần áo sẽ giúp hạn chế chạm vào vết tiêm của trẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng sưng, đau, mẩn đỏ ở vết tiêm cũng là một trong những phản ứng sau tiêm phổ biến. Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, cha mẹ có thể sử dụng khăn sạch và mát để chườm vết tiêm. Lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không được đắp bất kì loại thuốc nào không theo chỉ định của bác sĩ lên vết tiêm, tránh gây nhiễm trùng cho trẻ.
Trong trường hợp những biện pháp trên vẫn chưa đủ công hiệu, cha mẹ có thể cần thêm trợ thủ đắc lực như thuốc giảm đau hạ sốt để giúp bé dịu đi sự khó chịu và hạ nhiệt nhanh chóng. Vì mỗi trẻ có thể trạng và cân nặng khác biệt, cha mẹ cần thuộc lòng những tiêu chí riêng để chọn mua thuốc phù hợp cho con.
Giữa nhiều thành phần có khả năng giảm đau, hạ sốt nhanh chóng, Paracetamol là cái tên thường được các bậc phụ huynh “chọn mặt gửi vàng” bởi có thể sử dụng được với cả trẻ em dưới 1 tuổi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiêu chí thứ hai mà cha mẹ không thể bỏ qua là liều lượng thuốc. Sử dụng quá liều Paracetamol sẽ gây ngộ độc cho trẻ, còn nếu không đủ liều có thể khiến triệu chứng khó thuyên giảm. Bởi thế, cha mẹ cần lưu ý chọn thuốc có hàm lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của con. Cụ thể, liều dùng Paracetamol khuyến cáo ở trẻ em là 10 – 15mg/kg thể trọng, tương ứng với các hàm lượng thuốc phổ biến như 80mg, 150mg, 250mg… Mỗi lần uống phải cách nhau 4 – 6 giờ và không quá 4 lần/ngày. Liều tối đa mỗi ngày không được vượt quá 3g.
Bảng quy chuẩn liều dùng Paracetamol theo cân nặng của trẻ
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tiêu chí về định dạng. Đối với trẻ em, thuốc giảm đau hạ sốt dạng viên sủi vẫn luôn là lựa chọn dễ chịu nhất. Nhờ hòa tan trong nước, dạng sủi giúp thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn do sớm đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. Sự sủi bọt cũng giúp thuốc phân bố đồng nhất hơn, ít gây tích tụ thuốc, giảm nguy cơ gây kích thích niêm mạc dạ dày và thực quản so với dạng viên nén.
Dạng sủi còn có điểm cộng lớn khi có thể linh hoạt pha cùng các thức uống khác giúp bé hợp tác hơn
Trong trường hợp bé khó uống thuốc, nôn ói, sốt cao co giật không thể uống thuốc, cha mẹ có thể chuyển sang dùng dạng viên đặt hậu môn cho bé với tác dụng tương tự.
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước – hỗ trợ hệ miễn dịch
Nước chiếm tới 70% trọng lượng cơ thể, và là thành phần thiết yếu hỗ trợ quá trình hạ sốt cho trẻ. Đây chính là lý do cha mẹ nên thường xuyên bổ sung nước cho bé để hạ sốt và bù lượng mồ hôi đã mất. Với những trẻ chưa cai sữa, các mẹ nên tăng cường cho con bú để bổ sung nước và dinh dưỡng cùng lúc. Hệ tiêu hóa của bé lúc này cũng sẽ nhạy cảm hơn, vì thế cha mẹ có thể cho bé ăn các món mềm, nhiều nước và dễ hấp thu như cháo, súp…
Với trẻ lớn hơn, các loại nước cam, chanh hoặc viên sủi C với hương vị thơm ngon sẽ là lựa chọn hợp lý giúp bù nước, đồng thời bổ sung vitamin C hỗ trợ hệ miễn dịch “chiến đấu”.
Cha mẹ có thể bổ sung viên sủi vitamin C nhập khẩu từ Pháp giúp bé tăng cường miễn dịch, mau chóng đẩy lùi cơn sốt sau tiêm
Tiêm chủng là một phần không thể thiếu trên hành trình nuôi con lớn khôn. Do đó, việc trang bị đầy đủ kiến thức sẽ giúp cha mẹ bớt bỡ ngỡ khi con ốm sốt, tránh được những sai lầm khi chăm sóc bé. Tin chắc với 3 bí quyết từ PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, đây sẽ là cẩm nang hữu hiệu giúp gỡ rối các bậc phụ huynh trên hành trình cùng con “vượt sốt”, chuẩn bị cho các con một hành trang sức khỏe đầu đời thật vững chắc.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
Để tìm hiểu thêm về việc giảm đau hạ sốt an toàn cho trẻ, cha mẹ có thể xem tại đây.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nam-long-3-bi-quyet-doi-pho-voi-con-sot-va-dau-vun…
(thoidaiplus.suckhoedoisong.vn).