Không chỉ ngon miệng, socola còn đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn.
Socola được làm từ cây Theobroma cacao nhiệt đới và đã được con người sử dụng từ rất lâu đời. Socola hiện được sử dụng trên khắp thế giới, trở thành một sản phẩm phổ biến được hàng triệu người tiêu thụ mỗi ngày nhờ hương vị độc đáo, đậm đà và ngọt ngào.
Không chỉ ngon miệng, socola còn đem đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Trong socola cũng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu chỉ ra việc ăn socola giúp làm giảm mức cholesterol và ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.
Nhiều người thường cho rằng socola không tốt cho sức khỏe vì hàm lượng đường và chất béo cao, dẫn tới hàm lượng calo cao. Việc tiêu thụ nhiều socola có thể gây ra mụn trứng cá, béo phì, huyết áp cao, bệnh mạch vành và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là socola có hại cho sức khỏe.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Hà Lan, các chuyên gia chỉ ra rằng ca cao, thành phần quan trọng trong sô cô la, có chứa các hợp chất phenolic hoạt tính sinh học. Điều này có thể liên quan đến quá trình lão hóa và các tình trạng như căng thẳng oxy hóa, điều hòa huyết áp và xơ vữa động mạch. Socola cũng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, đem lại một loạt lợi ích sức khỏe.
Tác dụng của socola
1. Giảm nồng độ cholesterol
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng cho thấy socola có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu). Các nhà nghiên cứu chỉ ra việc thường xuyên ăn socola có chứa sterod thực vật (PS) và flavanols ca cao (CF) cùng một chế độ ăn ít chất béo có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm cholesterol và cải thiện huyết áp.
2. Ngăn ngừa suy giảm nhận thức
Các nhà khoa học đến từ Trường Y của Đại học Harvard cho rằng việc uống 2 cốc socola nóng mỗi ngày có thể giúp não bộ khỏe mạnh và giảm sự suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi. Socola nóng giúp cải thiện lưu lượng máu đến các bộ phận của não ở nơi cần thiết.
Một nghiên cứu được công bố năm 2014 chỉ ra rằng chiết xuất ca cao, được gọi là lavado, có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương đối với các đường dẫn thần kinh ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Chiết xuất này có thể giúp làm chậm các triệu chứng như suy giảm nhận thức.
Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2016 trên tạp chí Appetite, cho thấy ăn socola ít nhất một lần mỗi tuần có thể cải thiện chức năng nhận thức.
3. Giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch
Nghiên cứu được công bố trên tập san y khoa The BMJ của Anh cho thấy rằng tiêu thụ socola có thể giúp giảm 1/3 nguy cơ phát triển bệnh tim.
4. Giảm nguy cơ đột quỵ
Các nhà khoa học Canada đã tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 44.489 người và phát hiện ra rằng những người ăn một phần socola có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 22% so với những người không ăn. Ngoài ra, những người ăn khoảng 60 gam socola mỗi tuần có nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn 46%.
Một nghiên cứu sâu hơn được công bố trên tạp chí Heart vào năm 2015 đã theo dõi tác động của chế độ ăn uống đối với sức khỏe lâu dài của 25.000 nam giới và phụ nữ. Các phát hiện cho thấy việc ăn 100 gam socola mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
5. Tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi
Ăn 30 gam socola mỗi ngày trong khoảng thời gian mang thai có thể có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Mang thai năm 2016 của Hiệp hội Y học Bà mẹ – Thai nhi ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.
6. Cải thiện tâm trạng
Trong socola có chứa axit amin tryptophan, thúc đẩy cơ thể sản xuất ra chất chống trầm cảm serotonin trong não. Chỉ cần tiêu thụ một lượng vừa đủ socola thì có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và trở nên phấn chấn cũng như vui vẻ hơn.
7. Tăng hiệu suất thể thao
Các phát hiện được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế cho thấy rằng việc ăn socola đen có thể tăng cường khả năng cung cấp oxy, có lợi cho những người thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao hoặc các vận động viên. Điều này có được là do trong socola đen có chứa flavonols được gọi là epicatechin, giúp tăng cường giải phóng oxit nitric trong cơ thể.
Tác hại của socola
Socola cũng có thể đem lại một số tác động tiêu cực cho sức khỏe:
– Tăng cân: Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ socola có liên quan đến việc giảm chỉ số khối cơ thể (BMI) và chất béo trung tâm của cơ thể. Tuy nhiên, socola thường có lượng calo cao do hàm lượng đường và chất béo cao. Do đó, những người đang muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng nên hạn chế sử dụng socola, nhất là loại có hàm lượng đường và chất béo cao.
– Sâu răng: Hàm lượng đường cao trong socola cũng có thể trở thành nguyên nhân gây sâu răng.
– Nguy cơ đau nửa đầu: Một số người có thể bị tăng chứng đau nửa đầu khi ăn socola thường xuyên do hàm lượng tyramine, histamine và phenylalanine trong ca cao.
– Không tốt cho sức khỏe xương: Có một số bằng chứng cho thấy socola có thể gây ra cấu trúc xương kém và loãng xương. Kết quả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy phụ nữ lớn tuổi tiêu thụ socola mỗi ngày có mật độ xương thấp hơn.
– Chứa kim loại nặng: Một số bột ca cao, thanh socola và ca cao ngòi có thể chứa hàm lượng cao cadmium và chì, là những chất độc hại đối với thận, xương và các mô khác của cơ thể.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tac-dung-va-tac-hai-cua-socola-neu-ban-an-hang-nga…
Theo Khánh Hằng (Dịch từ Medical News Today) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)