Thông qua qua những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam, các bé sẽ có nhiều bài học thú vị và bổ ích trong cuộc sống.
Truyện cổ tích dân gian Việt Nam với nội dung hấp dẫn, những câu chuyện đặc sắc phản ánh nhiều mặt về cuộc sống vật chất và tinh thần, về tâm tư và ước vọng của nhân dân ta thời xưa.
Những câu chuyện mang tính giáo dục cao mà nó còn giúp các bé hiểu thêm về nguồn gốc, sự tích ra đời của một số hiện tượng, sức sống mãnh liệt trong tâm trí của người dân Việt. Đồng thời, qua những câu chuyện này chúng ta thêm yêu cuộc sống này, yêu sự kỳ diệu của những ngôn ngữ, biết sẻ chia đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh ở xung quanh ta.
Dưới đây là những truyện dân gian Việt Nam hay nhất, đặc sắc nhất cho các bạn nhỏ, thông qua qua những câu chuyện này, các bé sẽ có nhiều bài học thú vị và bổ ích trong cuộc sống.
Viên ngọc thần
Ngày xưa, có một người tính tình thật thà ngay thẳng. Thấy ai bị hà hiếp, dù thiệt cho mình, anh vẫn cố sức bênh vực. Ai thế yếu cô đơn, anh đều sẵn lòng giúp đỡ. Vì vậy, bọn nhà giàu trong vùng rất ghét anh. Chúng tìm cách lấn át, chèn ép, anh phải bỏ nhà vào núi ở, lấy nghề săn bắn làm vui.
Tuy tình cảnh khốn đốn, lòng anh vẫn tốt như thường. Dù trong nhà đang thiếu ăn, anh không bao giờ giết những con thú chửa hay đang nuôi con. Thà vác ná về không, chứ anh không bắn bất cứ con gì lúc con cái, con đực đi sóng đôi.
Đi săn nhiều năm, anh thuộc núi rừng như thuộc các ngõ ngách trong làng, nhận ra những con hươu con nai thường gặp. Trong những con vật anh thường trông thấy, có đôi vợ chồng rắn nọ. Hai con rắn to như cây chuối, da đen như than, dài đến mấy sải, cùng ở chung trong một hang đá rất sâu.
Sáng nào vợ chồng nó cũng đưa nhau đi kiếm ăn. Mỗi khi con rắn cái thay da, con đực tha mồi về tận hang. Mùa đông năm đó, con rắn đực thay da, nằm yên một chỗ. Bỗng con rắn cái thay lòng đổi dạ. Nhân con rắn chồng ốm yếu, con rắn cái theo con rắn đực khác, rồi định đưa con rắn ấy về hang cắn chồng.
Thấy hai con rắn kia xấu xa, anh thợ săn căm ghét, đến ngồi rình trước cửa hang, định giết cả hai. Nhưng khi chúng đến, anh chỉ bắn trúng con cái. Con rắn đực kịp chạy vào rừng.
Chờ đến bữa ăn, không thấy vợ tha mồi về, con rắn chồng bò ra cửa hang đón. Trông thấy vợ chết, mắt bị một mũi tên xuyên qua, con rắn đực biết người thợ săn vẫn gặp hàng ngày bắn vợ mình, nên chờ dịp báo thù.
Khi đã thay da xong, nó bò đến cửa nhà anh thợ săn nằm chờ. Cũng tối hôm đó, anh thợ săn ngủ không ngon giấc. Mới nửa đêm đã tỉnh, nằm mãi không ngủ được, anh đánh thức vợ dậy, kể chuyện con rắn cái “ăn ở hai lòng” và đã bắn nó, để cứu con rắn đực đang thay da.
Con rắn đực nằm ngoài cửa nghe rõ mọi điều. Bấy giờ nó mới biết nó được anh thợ săn cứu. Nếu anh không bắn chết vợ nó, thì nó đã bị vợ cùng với con rắn đực kia cắn chết rồi! Từ mắc oán sang mang ân, con rắn cúi đầu, lách mình chui qua khe cửa nhà anh thợ săn.
Nghe động, anh thợ săn choàng dậy với lấy cái ná. Trông thấy con rắn, anh giương ná lên toan bắn. Nhưng con rắn đã thu mình, nằm co đầu cúi xuống, không thè lưỡi. Nó gật đầu liền mấy cái, nhả ra một viên ngọc thần, rồi lặng lẽ chui ra. Anh thợ săn nhận ra con rắn chồng liền đến nhặt viên ngọc lên xem.
Câu chuyện kể về một người thợ săn tốt bụng, được con rắn tặng cho viên ngọc thần, nhờ đó thoát khỏi trận lũ lụt ập đến.
Người thợ săn rất đỗi ngạc nhiên. Cầm viên ngọc, anh nghe tiếng của lũ muỗi nói trong đêm tối, tiếng lũ chim đêm kêu gọi nhau, sợ lạc đàn. Rồi anh nghe rõ cả tiếng con rắn chồng nói: “Đền ơn cứu sống, trả nghĩa công bằng”.
Một hôm, anh thợ săn bắn được một con bò rừng rất to. Vợ chồng đang ra tay xẻ thịt phơi khô, thì một đàn quḁ bay đến sà xuống cướp. Anh gào rát cổ mà lũ quḁ cứ sấn vào.
Phát cáu, anh lấy ná lắp tên, bắn một phát. Chẳng may mũi tên trúng con quḁ chúa đàn. Đàn quḁ cắp cả xác và mũi tên bay đi. Chúng bay về đồng bằng, bay qua khắp các làng mạc thôn xóm, vẫn chưa tìm được cớ gì để báo thù người thợ săn.
Khi bay qua sông, thấy một xác người chết đuối trôi tấp vào bờ, lũ quḁ đem mũi tên cắm vào xác người chết ấy. Họ hàng người này tìm được, đem cả người chết và mũi tên vào cung vua kiện. Vua truyền khắp nước, ai có ná, có tên phải mang vào hầu. Những người có ná, có tên từ vùng núi cao, đến các làng hẻo lánh đều y lệnh vua.
Anh thợ săn cũng vào chầu, mang theo cả viên ngọc thần. Vua truyền mọi người đem tên của mình ra so với tên ghim trên xác chết. Mỗi người đều so mấy lượt. Chỉ có mũi tên của anh thợ săn có viên ngọc là giống. Vua bắt anh cùm lại, chờ ngày xử tội.
Vạ giữa đàng mang và cổ, anh thợ săn nói thế nào, vua cũng không nghe. Bọn nhà giàu làng anh lại được dịp nói thêm nói bớt. Anh thợ săn đành phải chờ đền mạng người chết đuối.
Ở trong lao tù, nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ rừng núi, anh thể nào ngủ được. Tới nửa đêm, nhờ có viên ngọc thần mang theo, anh nghe tiếng đàn kiến bò trên tường giục nhau:
– Trời sắp lụt to rồi! Phải vào kho vua tha thóc để dành ăn. Nếu chậm chân thì đói to!
Sáng hôm sau, anh lại nghe chim sẻ, chim cu mách nhau:
– Chỉ có vào kho vua mới được nhiều. Trong kho vua nhiều thóc lắm.
Đàn chuột quá mải chơi, sợ hết phần, nên gắt gỏng om sòm:
– Thóc trong kho nhà vua, chim sẻ, chim cu và kiến tha gần hết rồi! Không vào tranh nhau với chúng nó thì chết đói đấy! Lụt rất lớn và rất lâu ngày!
Chim cu, kiến, chuột nói, anh thợ săn nghe rõ cả. Đến buổi, người lính canh đem cơm vào, anh thợ săn nhắn:
– Nói cho vua hay… trời sắp lụt bão to. Thóc gạo trong kho, chim chuột… đã tha để ăn chạy lụt cả rồi. Bảo vua chạy đi kẻo chết.
Người lính vào tâu vua. Vua cười mỉa:
– Chó mà dạy hổ nhảy cao. Nếu nó có giỏi, nó đã chẳng xin ta cho làm quan thiên văn, địa lý, chứ dại gì đi cướp của giết người. Nó muốn tìm mưu chạy trốn đấy. Hãy đóng chặt thêm chiếc gông lại.
Người thợ săn bị quân lính cùm chặt hơn. Hôm vợ anh vào thăm, anh cho vợ biết trời sắp lụt và bảo vợ về làng cũ nói với hàng xóm, láng giềng. Tin lời vợ chồng anh thợ săn, mọi người lo gặt sớm, để lúa lên chòi cao, làm bè, làm thuyền, nắm cơm, rang gạo để sẵn.
Chỉ có bọn nhà giàu nói gièm việc làm của vợ anh thợ săn, rồi lại vào mách vua. Vua kết tội vợ anh thông đồng với chồng làm loạn, sai quân lính đến bắt trói chân, trói tay giải về, chờ ngày cùng đem chém.
Ngày xử án đã đến. Vợ chồng anh thợ săn bị đưa ra pháp trường. Hai người vừa bị trói đứng vào hai cây cột, thì có gió thổi mạnh, mây lởn vởn trên đầu. Trời sập tối, rồi đổ mưa.
Vợ chồng anh thợ săn bị trói đứng cách xa nhau có mấy bước chân mà không trông thấy nhau. Nước đã ngập đến đùi, rồi đến ngực. Lũ quan và quân lính rủ nhau chạy mất cả. Hai cây cột trói vợ chồng anh cũng bị trốc gốc. Anh tự cởi trói cho mình rồi đến cởi trói cho vợ.
Nước đã ngập đến cổ, hai người bì bõm lội giữa vùng nước ngập mênh mông thì có một chiếc bè chối ghé đến. Người trên bè nắm tay hai vợ chồng anh thợ săn kéo lên. Khi tỉnh dậy, vợ anh thợ săn nhận ra người đưa bè chuối đến cứu vợ chồng mình chính là người được chị báo tin trời lụt trước nhất.
Mưa vẫn kéo dài, gió thổi rất mạnh, cả triều đình vua chúa đều chìm nghỉm dưới đáy nước. Chiếc bè chuối của người hàng xóm tốt bụng chở vợ chồng anh thợ săn về làng cũ. Bọn nhà giàu và bọn điêu ngoa thóc mách đều bị chết trôi. Chỉ có những người nghèo, nghe lời vợ anh thợ săn là còn sống trên những chiếc bè, trên các ngọn cây cao.
Chàng rể cọp
Chuyện cổ của người Dao kể rằng, xưa kia có một ông vua sinh được ba người con gái xinh đẹp. Có nhiều võ quan đến xin làm rể. Nhưng người nào cũng không được các cô ưng thuận. Một hôm vua gọi ba người con gái lại và phán rằng:
– Trong triều, quan tài tướng giỏi có nhiều nhưng ai hỏi các con cũng không chịu lấy. Từ nay ta để các con tùy ý kén chọn, thuận ai thì lấy người ấy làm chồng.
Ba cô vâng lời, mỗi người đóng một cái mảng, chở xuôi theo dòng sông, đi kén chồng.
Nàng Cả đi được một quãng thì gặp một chàng trai đứng ở bờ sông, vẫy tay gọi mình:
– Nàng chở mảng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!
Thấy người ấy đen đủi, đen thui, xấu xí, nàng Cả bĩu môi:
– Ôi chao! Xấu xí thế, ai thèm chở.
Nói đoạn, đi thẳng.
Nàng Hai chở mảng tới nơi, chàng trai lại gọi:
– Nàng chở mảng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!
Nàng Hai nhăn mặt:
– Xấu xí thế, ai thèm chở.
Đến lượt nàng Ba. Mảng vừa trôi tới, chàng trai cũng cất tiếng xin chở giùm. Nàng Ba vui vẻ ghé mảng vào bờ, mời người đó lên. Chàng trai vừa bước lên mảng, bổng biến thành con cọp vằn ngồi chễm chệ đằng trước. Nàng Ba vẫn vui vẻ. Nhưng nàng ra sức khỏe nước nhưng thuyền vẫn đứng yên, không nhúc nhích.
Nàng Cả và nàng Hai xuôi mảng, mỗi nàng tìm được một người chồng xinh đẹp, thích lắm, ngược sông trở về. Tới chỗ cũ, hai nàng thấy em mình loay hoay giữa dòng, trên mảnh lại có con cọp ngồi chồm chổm, bèn chế nhạo:
– Chồng người không lấy, quanh quẩn ở đây lấy chồng cọp à?
Hai người chị vừa nói, vừa gắng hết sức chở chồng đẹp về nhà. Tiếng nói vừa dứt, thì mảng của nàng Ba tự nhiên rời bến, bơi vượt lên trên, lướt vun vút như có cánh bay.
Về đến nhà hai người chị vào cung tâu với vua cha:
– Hai chúng con xuôi mảng, kén được chồng đẹp, còn em Ba ngại đi xa, nên lấy ngay phải chồng cọp rồi!
Vua nói:
– Cha đã cho các con tự ý đi tìm chồng, ưng thuận ai thì lấy người ấy. Nay nàng Ba đã lấy phải cọp, thì cọp cũng là chồng.
Hai nàng cười lui ra.
Một hôm, vua gọi ba rể vào bảo:
– Trâu, ngựa, bò, lợn ta thả ở trong rừng. Rể nào lùa được chúng vào chuồng mình, rể đó là người làm ăn giỏi, ta sẽ thưởng cho số gia súc đó.
Hai chàng rể xinh đẹp sai gia nhân vào rừng làm mỗi người một cái chuồng thật đẹp rồi đi vào rừng. Hai chàng ngợp mắt trước đàn gia súc của nhà vua, nhưng không biết cách nào lùa chúng vào về chuồng mình. Họ vác gậy hò hét, rượt đuổi. Nhưng hai chàng đuổi ở đầu núi này, thì đàn gia súc chạy sang núi nọ, toát mồ hôi mà vẫn không lùa chúng về được.
Chàng rể cọp là truyện cổ tích dân tộc Dao, nhắc nhở chúng ta không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, cần nhìn vào bản chất bên trong mỗi con người.
Trong khi đó chàng rể cọp, hì hục vác gỗ to cọc lớn quây một vùng đất rộng làm chuồng. Hàng rào của chàng tuy xấu nhưng chắc chắn bên trong lại rộng. Chiều tối, khi hai người anh đã mệt lử, cọp mới lững thững bước đi vào rừng. Lạ thay, vừa trông thấy cọp, tất cả trâu, bò, ngựa, lợn của nhà vua ngoan ngoãn theo chàng về nhà.
Thấy vậy, hai chàng rể chạy về tâu vua:
– Hai chúng con có chuồng đẹp, chẳng biết sao đàn gia súc không một con nào chạy vào đó cả. Trâu, bò, ngựa, lợn đi vào chuồng xấu xí trơ trọi của em rể cọp hết rồi.
Nàng Cả, nàng Hai tức tối:
– Trâu, bò, ngựa, lợn không được thì thôi, chồng đẹp mới quý!
Vua nói:
– Rể cọp làm ăn giỏi xứng đáng lấy được nàng Ba.
Từ đó, vua rất quý cọp.
Đến ngày sinh của vua cha, rể cọp bảo vợ:
– Hôm nay là ngày sinh của vua cha, để tôi đi lấy ít cá về làm cơm cho cha ăn.
Hai chàng rể người thấy cọp đi lấy cá cũng đi theo. Ra đến suối, cả ba chung nhau một cái chài. Hai người anh tranh lấy chài, đòi quăng chài trước. Nhưng họ sợ ướt quần áo đẹp, chỉ lội quanh quẩn ở chỗ nước nông nên không được lấy một con cá nhỏ. Họ bèn đưa chài cho cọp và bảo:
– Chú cọp làm ăn giỏi, hãy quăng thử xem có được nhiều cá không?
cọp xách chài lội ra chỗ nước sâu, lấy cành cây vỗ vỗ vào mặt nước dồn cá vào một chỗ rồi quăng tỏa chài xuống đó. Một lát, cọp kéo chài lên, bắt được vô khối cá. cọp quăng liền mấy tay chài, được một mẻ cá đầy gánh về cho vợ dặn:
– Mình đem cá này làm cơm mời vua cha. Tôi có việc đi vài ba ngày. Khi nào thấy mưa to gió lớn là tôi về đấy.
Nói xong, chàng rể cọp chạy ra bờ sông, nhảy tùm xuống nước biến mất.
Hai chàng rể kia thấy vậy hớt hải chạy về báo với vua cha:
– Rể cọp ngã xuống sông chết rồi.
Vua thương tiếc cọp lắm.
Còn rể cọp, sau khi xuống nước, chàng trút lốt da trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mặc quần áo đẹp, lên ngựa về nhà.
Lúc ấy, trời mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng. Mọi người thấy một chàng trai da trắng, cưỡi con ngựa từ xa đi lại. Biết là chồng mình, nàng Ba vui mừng chạy ra đón. Bấy giờ mọi người biết đó là cọp, vô cùng kinh ngạc. Ai cũng trầm trồ ngắm nghía. Riêng hai người chị vừa tức vừa xấu hổ.
Chàng cọp đón vợ về nhà. Khi hai vợ chồng vừa đến nơi, căn nhà bỗng biến thành một toà nhà nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn, có ao, có nương, có ruộng. Hai vợ chồng cọp ở đấy, ngày ngày cùng nhau làm rương phát rẫy, sống cuộc đời đầm ấm, hạnh phúc. Họ nuôi được nhiều trâu, bò, ngựa, lợn. Đến mùa thì thóc lúa đầy vựa, đầy bồ.
Còn hai cô chị, tuy lấy chồng đẹp nhưng lại là những anh chàng lười nhác, chẳng làm được tích sự gì.
Chiếc cầu phúc đức
Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm, trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành. Hai mẹ con chàng thường phải chịu bữa ăn, bữa nhịn.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng xưa kia.
Xưa kia, ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món đáng bạc chục, bạc trăm, vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.
Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên đến xóm dưới, mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con.
Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã gần hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi đầu.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình, chàng không khỏi thấy ngán ngẩm.
Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác.
Chợt ông thầy đọc tới câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư ương”. Chàng bụng bảo dạ: “Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho tả”. Rồi tự đáp: “Phải, quả thật đúng như vậy”. Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi mang ra chợ bán. Công việc thật là vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi mới kiếm được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy yên tâm hơn mọi ngày.
Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!”. Cái tiếng “ba đời ăn trộm” làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: “Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó”.
Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được.
Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò. Mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói:
– Đó là một điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở…
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà. Tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu!
Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; chiều ra sức chuyển gỗ; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ.
Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải. Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức.
Một hôm đói quá chàng nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Câu chuyện khuyên nhủ chúng ta hãy biết buông bỏ điều xấu để làm điều tốt, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc viên mãn.
Giữa lúc ấy có một viên võ quan đi đến. Thấy đám đông đang xúm quanh một người nằm sõng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng bắc chiếc cầu phúc đức, đang làm thì vì mệt quá mà lăn ra ngất đi… Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống.
Được một lúc, chàng bắt cầu tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên võ quan nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, ngươi muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng! Về phần ta, ta xin nói thật: cha ta, ông ta, ông cụ ông kỵ ta, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của.
Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến ta ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng ta vẫn phải sống hiu quḁnh. Nay ta cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay ngươi có đồng ý để cho ta góp sức cùng nhau bắc chiếc cầu phúc đức này được không?
Chàng bắc cầu vui mừng nói:
– Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!
Hai người bèn kể cho nhau biết tên tuổi, quê quán rồi kết làm anh em. Viên võ quan hơn chàng bắc cầu bốn tuổi, được nhận là anh. Chàng bắc cầu nói:
– Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền.
Viên quan võ thần mật bảo chàng:
– Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để chú khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, chú nghĩ thế nào?
Chàng bắc cầu nói:
– Nếu vậy thì còn gì hay hơn!
Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là chiếc cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng cầu.
Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng.
Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến. Gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ, nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.
Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.
Lại nói đến chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững. Cơn gió bỗng vụt hóa thành người, tươi cười nói với chàng:
– Nhà ngươi chớ sợ, ta là thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà.
Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi:
– Mẹ ơi! Anh ơi! Em đây mà! Em hãy còn sống trở về nhà đây! Mau mau mở cửa!
Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh, lật đật xuống giường. Vợ chồng viên võ quan cũng chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng.
Từ đấy mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn.
Ít lâu sau, vợ viên quan võ có mang, đến tháng đến ngày chị sinh hạ được một con trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Còn chàng bắc cầu ít lâu sau cũng lấy vợ có con và sống sung sướng đến già.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam
Những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam mang đến nhiều bài học bổ ích, ý nghĩa về cuộc sống, đôi khi mang yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng thể hiện ước mơ của người Việt về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, sự công bằng thay cho sự bất công trong xã hội.
Những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam đôi khi mang yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng thể hiện ước mơ của người Việt về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/truyen-co-tich-dan-gian-hay-nhat-me-ke-moi-dem-nuo…
Những câu chuyện cổ tích nổi tiếng về tình bạn, dạy bé những bài học hay, biết trân quý các mối quan hệ trong cuộc sống.
Theo Hạ Mây (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)