Nghi ngờ cháu đích tôn không phải máu mủ nhà mình, ông Quang âm thầm lấy mẫu của cháu, con trai và bản thân đi xét nghiệm AND, kết quả khiến ông sững sờ: Cậu bé là cháu ông nhưng không có quan hệ cha con với con ông.
“Đây là một trong những trường hợp xét nghiệm xác định huyết thống khiến chính gia đình cũng như trung tâm phân tích ADN bất ngờ”, Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết.
Khi tìm tới trung tâm xét nghiệm AND, ông Quang kể, vợ chồng anh con trai cả đi làm ăn xa mới đưa cháu về thăm ông bà. Ông vui mừng khôn xiết nhưng sớm nảy sinh ngờ vực khi thấy mỗi lần muốn ôm, xoa đầu cháu nội thì cậu bé đều hất ra, chạy đi. Ban đầu chỉ nghĩ do cháu lâu không về nên chưa quen, sau thân thiết rồi, ông hỏi han thì cậu nhóc 3 tuổi kể rằng mẹ dặn khi về nhà nội không được để ai cắt móng tay hay nhổ tóc.
“Không nghi sao được. Thằng con cả tôi lấy vợ 5 năm mới có con. Hai vợ chồng chúng nó thì xa nhà suốt, con dâu sắc sảo, cũng nhiều mối quan hệ xã hội lắm”, ông Quang kể. Để giải tỏa nỗi ngờ vực, gần tới ngày vợ chồng con cả rời đi, ông âm thầm nhổ vài sợi tóc của cháu nội và con trai mang tới trung tâm xét nghiệm ADN để xác nhận quan hệ cha con, ông cháu. Kết quả khiến ông không tin vào mắt mình: Cậu bé đích thị là cháu ông nhưng không phải con bố nó.
Một số em bé bỗng dưng chịu vạ lây từ hành động sai trái của người lớn. (Ảnh minh họa)
Ban đầu, ông Quang một mực khẳng định không thể có chuyện như vậy và chắc chắn do trung tâm làm sai. Khi được trung tâm khẳng định kết quả này hoàn toàn chính xác với các mẫu ông mang tới và khuyên ông nên về trao đổi thêm với người nhà, ông Quang không biết phải làm sao đành gọi điện cho cậu con thứ tên Minh đang ở Sài Gòn. Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu, sau đó, anh Minh trấn an bố bình tĩnh rồi kể đầu đuôi sự việc.
4 năm trước, anh trai và chị dâu vào Nam nhờ anh giới thiệu một bác sĩ quen ở bệnh viện sản để thực hiện hỗ trợ sinh sản. Khi biết nguyên nhân vô sinh do anh trai không có tinh trùng và cần xin mẫu để thụ tinh trong ống nghiệm, anh Minh quyết định nhờ bác sĩ lấy chính tinh trùng của mình để thụ tinh nhân tạo cho chị dâu và giữ kín bí mật này với cả anh chị.
Người chị dâu chỉ biết mẫu tinh trùng không phải của chồng và có lẽ vì lo ông bà phát hiện cháu không cùng huyết thống sẽ buồn nên mới dặn con không được để ai lấy mẫu móng tay, tóc khi về thăm nhà nội…
Sau khi chia sẻ với bố câu chuyện vốn định “sống để bụng, chết mang đi” này, anh Minh muốn ông Quang hứa sẽ cùng anh giữ kín bí mật này để gia đình êm ấm, không ai phải cảm thấy khó xử.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, mỗi người đi xét nghiệm vì những lý do khác nhau. Với công nghệ phân tích ADN, có những kết quả có thể làm làm gia đình xào xáo hay để lộ ra những bí mật người trong cuộc muốn giấu kín suốt đời. Một trường hợp bà tiếp nhận cách đây không lâu cũng khá trùng hợp với kết quả của gia đình ông Quang khi người tưởng là bố lại hóa chú ruột, nhưng cái kết không kết thúc êm ả như vậy.
Một ngày đông rét mướt năm 2018, người đàn ông tên Khanh (Bắc Ninh) tìm tới trung tâm với đôi mắt thâm quầng, râu ria lởm chởm, có lẽ do vài ngày mất ngủ. Anh đến mang theo mẫu để làm xét nghiệm xác định quan hệ cha con. Anh Khanh kể, gần đây, tình cờ qua một người bạn cũ của vợ, anh mới phát hiện khi cưới mình, vợ anh hoàn toàn chưa có tình yêu. Cô chỉ lấy chồng để khỏa lấp nỗi cô đơn hay trả đũa sau khi chia tay một người khác. “Thảo nào sau khi lấy nhau, cô ấy luôn muốn lảng tránh chuyện chăn gối với tôi”, anh nói. Từ khi phát hiện chuyện cũ của vợ, anh bỗng dưng nghi ngờ đứa con ra đời sau gần một năm ngày cưới, có lẽ mình chỉ là kẻ “đổ vỏ”. Ngờ vực nhưng không có chứng cứ, anh không dám hỏi thẳng vợ nên lặng lẽ đi xét nghiệm ADN.
Vài chiếc tóc nhổ lấy được cả chân tóc có thể làm mẫu xét nghiệm ADN
Mấy ngày sau, khi nhận kết quả, anh Khanh vô cùng sốc, phải tìm tới tận nơi để hỏi rõ: “Tại sao như vậy được, tôi không phải bố đứa bé, nhưng lại có quan hệ huyết thống với nó?”. Nhân viên trung tâm khẳng định với anh, kết quả này hoàn toàn chính xác, có lẽ anh nên hỏi thẳng vợ và lấy mẫu để xét nghiệm kiểm chứng lại.
Anh Khanh đã đưa tờ kết quả xét nghiệm cho vợ và cuối cùng có được câu trả lời cho những nghi vấn trong đầu mình bấy lâu: Người mà vợ chia tay trước khi cưới anh chính là em trai ruột của anh. Hồi cả hai yêu nhau, anh đi xuất khẩu lao động nên không hề biết chuyện. Hai người có mâu thuẫn, chấm dứt mối quan hệ và sau đó run rủi thế nào anh lại mở cửa hàng sửa chữa điện thoại ở gần tiệm làm tóc của cô gái đó. Cả hai đến với nhau chóng vánh và anh chưa bao giờ hỏi về quá khứ của người yêu.
Điều anh đau lòng nhất là, đứa trẻ là kết quả của sự qua lại giữa vợ và em trai mình sau khi vợ chồng anh đã cưới nhau. “Một lần anh đi nhập hàng xa, anh ấy uống say, tới nhà mình và chuyện đó xảy ra, chỉ một lần đó thôi”, người vợ giải thích.
Kết quả xét nghiệm ADN sau đó thực sự cho thấy, đứa trẻ chính là con ruột của em trai anh Khanh. “Đây là một trường hợp phức tạp, tôi cũng không biết những người trong cuộc sẽ ứng xử với nhau và với đứa trẻ thế nào, khi thời điểm ấy, người em trai kia cũng đã có vợ và con rồi. Đôi khi, người lớn chỉ vì một phút nhất thời sa chân, làm theo bản năng khiến không chỉ xáo trộn cuộc sống của chính mình mà còn làm tan nát gia đình, ảnh hưởng tới tương lai con trẻ”, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền.
Sau nhiều năm thực hiện dịch vụ xét nghiệm AND, theo bà, xã hội ngày càng hiện đại càng nảy sinh nhiều mối quan hệ thật phức tạp, mỗi trường hợp tìm tới xét nghiệm có thể lại là một câu chuyện éo le.
Trường hợp tìm tới trung tâm để xác định huyết thống trước khi quyết định chia tài sản cho các con của một người đàn ông Hà Nội mấy năm trước cũng là một câu chuyện như thế.
Đến yêu cầu xét nghiệm là một người đàn ông tên Hải, tuổi gần 60 nhưng thân hình tiều tụy, mệt mỏi. Ông Hải cho biết mình mắc bệnh, không biết sống chết lúc nào nên muốn lập di chúc để lại tài sản cho các con. Cả 4 đứa con này của ông đều ngoài giá thú, bản thân ông không dám chắc chắn tất cả có phải dòng máu của mình không.
“Tôi lấy vợ 5 năm không có con. Vợ đi khám không tìm ra nguyên nhân. Tôi thì khỏe lắm, làm sao có vấn đề gì được nên không đi khám. Sau đó, vợ thử cho tôi đi “kiếm” bên ngoài, có con luôn. Không con chung nên vợ chồng tôi cũng không sống với nhau lâu được. Tôi thì cũng có vài ba người đàn bà khác, sinh được 4 đứa này đây”, người đàn ông kể.
Kết quả ADN đã giáng cho ông Hải một đòn chí mạng. Không ai trong số 4 người con cùng huyết thống với ông. Hóa ra chính ông bị vô sinh nhưng đã nhất định không chịu đi khám chữa từ thời trẻ. Những cô nhân tình “có con” với ông chỉ để kiếm chác từ khối gia sản đồ sộ của gia đình ông.
Theo bà Nga, mong muốn nhờ công nghệ phân tích ADN nhằm xác định huyết thống để giải tỏa những nỗi ngờ vực hay giải quyết các vấn đề gia đình chiếm phần lớn trong số những trường hợp tìm tới trung tâm.
ADN là phân tử mang thông tin di truyền, chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi của mỗi người. Trong số các đặc tính mà ADN quy định có các đặc điểm cá nhân của mỗi người, được truyền từ bố mẹ.
Theo bà, trong phân tích ADN, để xác định quan hệ bố con hay mẹ con cần xét nghiệm trực hệ bộ gen với tối thiểu 24 gen, thậm chí nhiều trường hợp cần làm tới 36 gen hoặc nhiều hơn nữa, ví dụ như khi cần xác định quan hệ cha – con nếu như 2 anh em ruột cùng trong diện nghi vấn là là bố của một đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu 2 anh em sinh đôi cùng trứng thì không phân biệt được ai là bố.
Chuyên gia cho biết, để xét nghiệm quan hệ huyết thống giữa những người đàn ông trong một dòng họ thì sử dụng phương pháp phân tích dòng gen Y (nhiễm sắc thể giới tính nam). Tất cả đàn ông trong một dòng họ (nếu không có đột biến gen) sẽ có dòng Y giống nhau.
Theo các chuyên gia, giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống là phương pháp chính xác nhất hiện nay. Nếu hai mẫu ADN giữa con và bố (mẹ) nghi vấn trùng khớp với nhau hoàn toàn thì khả năng có cùng huyết thống bố (mẹ) ruột và con tỷ lệ từ 99,999% trở lên. Nếu hai mẫu giám định không trùng khớp từ 2 gen trở lên thì khả năng người bố (mẹ) nghi vấn 100% không phải bố (mẹ) ruột của con. Một đứa trẻ trùng gen với hai người đàn ông chỉ trong trường hợp hai người đó là cặp song sinh cùng trứng.
Xét nghiệm huyết thống có thể thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào vì hệ gene của con người được thiết lập từ thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối có chứa các tế bào của thai nhi. Các mẫu máu, tế bào niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng… đều có thể sử dụng để xét nghiệm ADN.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ket-qua-adn-tiet-lo-nhung-bi-mat-ve-huyet-thong-tr…
Hôn nhân cận huyết đã hủy hoại sức khỏe của những thế hệ tương lai và thậm chí còn khiến một gia tộc hùng mạnh, thịnh vượng biến mất hoàn toàn.
Theo Linh Linh (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)