Chào bạn!
Chu kỳ kinh nguyệt đến là do tác động của hoạt động nội tiết của buồng trứng lên niêm mạc tử cung theo tính chu kỳ. Khi trứng phát triển từ đầu chu kỳ kinh sẽ tiết ra nội tiết Estrogen để kích thích niêm mạc dày lên, sau khi trứng rụng tạo thành hoàng thể sẽ tiết ra Estrogen và Progesteron giúp niêm mạc đạt đến độ dày thích hợp để phôi làm tổ.
Nếu trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ suy yếu và niêm mạc tử cung bong ra gây nên hiện tượng hành kinh. Kèm theo đó là hiện tượng tăng Prostaglandin gây co bóp tử cung để đẩy niêm mạc bong và máu kinh ra ngoài dẫn đến hiện tượng đau bụng.
Đau bụng khi hành kinh là vấn đề thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và như đã chia sẻ ở trên, tình trạng đau bụng là do sự tác động của Prostaglandin gây co bóp tử cung và thông thường không liên quan đến chế độ ăn uống.
Trong trường hợp hàng ngày bạn uống cà phê, cơ thể vẫn bình thường, không có những tác dụng phụ của cafein như: chóng mặt, buồn nôn, đau thượng vị, run chân tay… thì cà phê không phải là nguyên nhân khiến bạn đau bụng kinh.
Thời gian hành kinh nên ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước.
Trong thời gian hành kinh, bạn vẫn có thể duy trì chế độ ăn uống bình thường. Tuy nhiên, bạn nên ăn đa dạng các loại thức ăn và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để giảm bớt cảm giác khó chịu khi đến ngày.
Cụ thể, bạn nên uống nhiều nước, tối thiểu 2l nước, ăn nhiều chất xơ tránh táo bón,…Trong ngày đèn đỏ, phụ nữ thường bị thiếu hụt sắt, đặc biệt khi kinh nguyệt ra nhiều gây mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức cơ thể, vì vậy bạn nên tăng cường các loại thịt đỏ, rau lá xanh đậm như rau ngót, rau chân vịt, cải xoăn,… để bổ sung sắt.
Bên cạnh đó, trái cây là nguồn cung cấp đường rất tốt cho chị em trong giai đoạn hành kinh, làm giảm cảm giác thèm đồ ngọt và bổ sung chất xơ, vitamin cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường thêm các món ăn giàu protein, đạm động vật như thịt gà, cá để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Một số loại thực phẩm bạn nên tránh nạp vào cơ thể như: các chất kích thích (rượu, bia,…), thức ăn cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ và những loại thức ăn nhanh…
Ngoài ra, đau bụng nhiều trong những ngày hành kinh cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý hệ sinh sản như lạc nội mạc tử cung, polype buồng tử cung, u xơ tử cung, viêm phần phụ… nếu không phát hiện sớm và được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe sinh sản sau này.
Vì vậy, trong trường hợp bạn bị đau bụng nhiều khi đến ngày đèn đỏ, bạn nên thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ có thể xác định nguyên nhân đau bụng kinh của bạn để có phương án điều trị phù hợp.