Quả vải rất bổ dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên không phải cứ ăn nhiều vải sẽ tốt cho cơ thể.
Quả vải là một loại trái cây rất phổ biến, thường được trồng ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, phổ biến nhất tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Tại Việt Nam, quả vải là một trong những trái cây phổ biến nhất trong mùa hè.
Vải có vị ngọt, thơm ngon, dễ ăn, được nhiều người yêu thích, ngoài ra còn có thể được chế biến thành nước trái cây, chè, rượu vang hay thạch…
Quả vải là một nguồn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa lành mạnh. Trong 100 gam vải tươi có chứa những thành phần dinh dưỡng sau:
– Nước: 82%
– Carb: 16,5 gam. Phần lớn lượng carb trong quả vải đến từ đường tự nhiên, tạo ra vị ngọt của nó.
– Lượng calo: 66
– Chất đạm: 0,8 gam
– Đường: 15,2 gam
– Chất xơ: 1,3 gam
– Chất béo: 0,4 gam
– Vitamin C: Đây là loại vitamin dồi dào nhất trong quả vải. Một quả vải trung bình cung cấp khoảng 9% lượng tham chiếu hàng ngày (RDI) cho vitamin C.
– Đồng: Vải là một nguồn cung cấp đồng dồi dào. Đồng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.
– Kali: Trong vải cũng chứa nhiều kali, cần thiết cho trái tim khỏe mạnh.
Ngoài ra, giống như các loại trái cây khác, vải là một nguồn cung cấp các hợp chất thực vật chống oxy hóa dồi dào:
– Epicatechin: Một loại flavonoid có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường.
– Rutin: Một flavonoid có thể giúp bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
– Oligonol: Oligonol có các đặc tính chống oxy hóa và chống virus cúm.
Tác dụng của quả vải
1. Ngăn ngừa ung thư
Quả vải rất giàu vitamin C và các hợp chất phenolic, giúp ngăn chặn sự phá huỷ của các tế bào do các chất ô nhiễm, hoá chất độc hại và các gốc tự do dẫn đến một số vấn đề về sức khoẻ như ung thư, viêm khớp và bệnh tim. Các gốc tự do sẽ phát triển khi cơ thể bạn tiếp xúc với thuốc lá, bức xạ hoặc khói. Đặc tính chống oxy hóa của quả vải sẽ giúp bạn chống lại các độc tố trong cơ thể một cách hiệu quả.
Ngoài ra, quả vải còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như epicatechin và rutin, giúp chống lại căng thẳng oxy hóa, trung hòa các gốc tự do, từ đó ngăn chặn tiến trình phát triển bệnh ung thư.
2. Tăng cường hệ miễn dịch
Với hàm lượng vitamin C dồi dào, quả vải thiều có thể giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch nhằm chống lại các bệnh nhiễm trùng theo mùa và các bệnh mãn tính khác. Ngoài ra, vitamin C cũng góp phần kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu, giữ vai trò như một chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ tác hại của quá trình oxy hoá. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn quả vải có thể giúp bạn chống lại chứng cảm lạnh vô cùng hiệu quả.
3. Giảm nguy cơ đột quỵ
Cùng với việc chứa nhiều chất chống oxy hóa và có hàm lượng cholesterol thấp, quả vải không chỉ làm giảm nguy cơ đột quỵ mà còn có khả năng giảm tổn thương oxy hoá, viêm nhiễm, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, huyết áp và các vấn đề nội mô.
4. Cải thiện sự trao đổi chất
Việc ăn vải có thể giúp tăng tốc độ đồng hóa carbohydrate, protein và chất béo trong thực phẩm. Điều này là do quả vải khi được tiêu thụ sẽ hoạt động như một chất xúc tác cho các enzyme trong nhiều quá trình sinh hoá của cơ thể. Quả vải cũng giúp thúc đẩy sự thèm ăn, tăng cường trao đổi chất và duy trì trọng lượng cơ thể một cách tối ưu.
5. Ngăn ngừa tình trạng táo bón
Vải chứa rất nhiều nước, nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động khỏe mạnh hơn, rất hữu ích cho những người có chức năng ruột kém hoặc thường xuyên bị táo bón.
6. Giảm tình trạng chuột rút cơ bắp
Quả vải có chứa nhiều kali và nước, giúp tăng cường sức mạnh của cơ bắp và làm giảm đáng kể được tình trạng chuột rút cơ bắp thường xảy ra do cơ thể bị mất nước.
7. Tốt cho gan
Những tổn thương gan do uống quá nhiều rượu, suy dinh dưỡng, thiếu máu, nhiễm trùng và sử dụng các loại thuốc gây độc cho gan, có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau. Trong quả vải có chứa các chất bảo vệ gan, giúp điều trị hiệu quả các bệnh về gan.
8. Giúp xương chắc khỏe
Nhờ vào lượng phốt pho, magie và các chất khoáng như đồng, mangan, nên vải có thể hỗ trợ xương chắc khỏe, tránh tình trạng giòn hay dễ gãy. Ngoài ra, ăn vải thường xuyên có thể duy trì sức khỏe của xương nhờ kẽm và đồng làm tăng hiệu quả của vitamin D.
Tác hại của quả vải
1. Gây dị ứng
Vải hầu như không có bất kỳ tác dụng phụ nào đối với sức khỏe. Tuy nhiên, một số người có thể bị dị ứng vải nếu ăn quá nhiều. Ăn quá nhiều vải có thể gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, phát sinh các triệu chứng dị ứng, bao gồm: suy hô hấp, phù nề da, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt…
2. Gây nóng trong người
Quả vải có tính nóng, do đó nếu ăn quá nhiều có thể làm mất cân bằng nhiệt của cơ thể, gây nóng trong, nhiệt miệng, xuất hiện mụn nhọt, chảy máu mũi… Phụ nữ mang thai và trẻ em không nên ăn quá nhiều vải.
3. Không tốt cho người mắc bệnh tiểu đường
Vải chứa lượng đường khá lớn, có khả năng làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường, thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ không nên ăn nhiều loại trái cây này, khuyến cáo chỉ nên ăn ít hơn 6 – 7 trái trong 1 lần ăn.
4. Có thể gây ra triệu chứng “say” vải
Cùi vải chứa nhiều glucoza, nếu ăn một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường này vào máu, vượt quá khả năng hấp thụ và chuyển hóa của gan. Khi đường glucoza tăng đột biến, cơ thể sẽ phản ứng tăng tiết insuline để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp với các triệu chứng “say” vải như váng đầu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, nóng trong người khiến nổi nhiều mụn… Do đó, ngay cả người có sức khỏe bình thường cũng không nên ăn quá nhiều vải.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-qua-vai-an-vai-co-gay-ra-nhung-tac-ha…
Không chỉ ngon miệng, dứa còn đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo Khánh Hằng (Dịch từ Health Line) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)