Mục lục
Quả dâu tằm rất phổ biến và quen thuộc với người Việt Nam. Nó cũng là một trong những loại quả có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Vậy tác dụng của quả dâu tằm và cách sử dụng quả dâu tằm như thế nào?
Dâu tằm là quả của cây dâu tằm. Cây dâu tằm được trồng để lấy lá, chủ yếu ở Châu Á và Bắc Mỹ vì chúng là thức ăn duy nhất của tằm.
Dâu tằm là những quả mọng nhiều màu sắc, phổ biến nhất là màu đen, trắng hoặc đỏ, thường được chế biến thành rượu, nước hoa quả, trà, mứt, hoặc thực phẩm đóng hộp, nhưng cũng có thể được sấy khô và ăn như một món ăn nhẹ.
Giá trị dinh dưỡng của dâu tằm
Dâu tằm tươi chứa 88% nước và chỉ có 60 calo trong 140 gam dâu tằm. Chúng cung cấp 9,8% carbs, 1,7% chất xơ, 1,4% protein và 0,4% chất béo.
Dưới đây là các chất dinh dưỡng chính trong 100 gam dâu tằm tươi:
Lượng calo: 43
Nước: 88%
Chất đạm: 1,4 gam
Carb: 9,8 gam
Đường: 8.1. gam
Chất xơ: 1,7 gam
Chất béo: 0,4 gam
Carb
Dâu tằm tươi chứa 9,8% carbs. Những loại carbs này chủ yếu là đường đơn, chẳng hạn như glucose và fructose, nhưng cũng chứa một số tinh bột và chất xơ.
Chất xơ
Dâu tằm có một lượng chất xơ tương đối bao gồm chất xơ đều hòa tan ở dạng pectin (25%) và chất xơ không hòa tan ở dạng lignin (75%). Chất xơ giúp bạn duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
Dâu tằm chứa chất xơ giúp chúng có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe
Vitamin và các khoáng chất
Dâu tằm rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C và sắt:
– Vitamin C: Một loại vitamin thiết yếu quan trọng đối với sức khỏe làn da và các chức năng khác nhau của cơ thể.
– Sắt: Một khoáng chất quan trọng có nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn như vận chuyển oxy đi khắp cơ thể của bạn.
– Vitamin K1 còn được gọi là phylloquinone. Vitamin K rất quan trọng đối với quá trình đông máu và sức khỏe của xương.
– Kali: Một khoáng chất thiết yếu có thể làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
– Vitamin E: Một chất chống oxy hóa bảo vệ khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.
Các hợp chất thực vật khác
Dâu tằm rất giàu các hợp chất thực vật chẳng hạn như anthocyanins, góp phần tạo nên màu sắc của nó và có các tác dụng có lợi cho sức khỏe. Những hợp chất thực vật có nhiều nhất trong dâu tằm nhất bao gồm:
– Anthocyanins: Một nhóm chất chống oxy hóa có thể ức chế quá trình oxy hóa cholesterol LDL (xấu) và giúp ngăn ngừa bệnh tim.
– Cyanidin: Một loại anthocyanin chính có trong dâu tằm khiến chúng có màu đen, đỏ hoặc tím.
– Axit chlorogenic: Một chất chống oxy hóa có nhiều trong nhiều loại trái cây và rau quả.
– Rutin: Một chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
– Myricetin: Một hợp chất có thể có tác dụng bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư.
Số lượng các hợp chất thực vật trong dâu tằm tùy thuộc vào giống. Dâu tằm chín và có màu đậm giàu hợp chất thực vật hơn và có khả năng chống oxy hóa cao hơn dâu không màu và chưa trưởng thành.
Tác dụng của quả dâu tằm
Dâu tằm hoặc chiết xuất từ dâu tằm có thể có lợi trong việc ngăn ngừa một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.
Giảm cholesterol
Cholesterol là một phân tử chất béo quan trọng có trong mọi tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ cholesterol trong máu tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy dâu tằm và chiết xuất từ dâu tằm có thể giảm mỡ thừa và giảm mức cholesterol. Chúng cũng có thể cải thiện tỷ lệ giữa cholesterol LDL (xấu) và HDL (tốt).
Ngoài ra, một số thí nghiệm trong ống nghiệm cho thấy chúng làm giảm sự hình thành chất béo trong gan – có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.
Cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ tăng nhanh lượng đường trong máu và cần phải cẩn thận khi họ ăn thực phẩm có chứa carbs. Dâu tằm có chứa hợp chất 1-deoxynojirimycin (DNJ), có tác dụng ức chế một loại enzyme trong ruột có chức năng phân hủy carbs.
Do đó, dâu tằm có thể có lợi trong việc ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng cách làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn.
Giảm nguy cơ ung thư
Sự gia tăng căng thẳng trong cơ thể đã được chứng minh là gây ra tổn thương oxy hóa trong các tế bào và mô, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
Trong hàng trăm năm, dâu tằm đã là một phần của y học cổ truyền Trung Quốc như một phương thuốc chống lại bệnh ung thư. Một số nhà nghiên cứu hiện nay tin rằng những tác dụng ngăn ngừa ung thư nổi tiếng này có thể có cơ sở khoa học. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng chất chống oxy hóa trong nước dâu tằm có thể làm giảm stress oxy hóa, từ đó giảm nguy cơ ung thư.
Có thể hỗ trợ tiêu hóa
Giống như hầu hết các loại trái cây và rau quả, dâu tằm chứa chất xơ, chiếm khoảng 10% nhu cầu hàng ngày của bạn trong một khẩu phần ăn. Chất xơ có thể giúp cải thiện tiêu hóa bằng cách đẩy phân lên, do đó tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, đồng thời có thể làm giảm sự xuất hiện của táo bón, đầy hơi và chuột rút.
Có thể giúp tăng cường trao đổi chất
Quả dâu tằm chứa hàm lượng sắt cao.
Hàm lượng sắt cao trong dâu tằm có thể thúc đẩy đáng kể việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Điều này có nghĩa là cơ thể có thể tăng cường phân phối oxy đến các mô và cơ quan quan trọng, do đó có thể giúp tăng cường trao đổi chất.
Có thể hỗ trợ điều chỉnh huyết áp
Resveratrol là một flavonoid rất quan trọng. Resveratrol có thể làm tăng sản xuất oxit nitric, là một chất làm giãn mạch. Điều này có nghĩa là nó làm giãn mạch máu và có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và các vấn đề về tim sau đó như đột quỵ hoặc đau tim. Resveratrol có thể được tìm thấy trong nhiều loại quả mọng có vỏ sẫm màu như dâu tằm, nho, đó là lý do tại sao chất chống oxy hóa có lợi này cũng được tìm thấy trong rượu vang.
Có thể cải thiện thị lực
Một trong những carotenoid được tìm thấy trong dâu tằm là zeaxanthin, có thể liên quan trực tiếp đến việc giảm stress oxy hóa trên một số tế bào mắt. Hơn nữa, zeaxanthin có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương nhất định đối với võng mạc, giúp phòng ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, trà dâu tằm thường được kê đơn để cải thiện thị lực.
Có thể tăng cường miễn dịch
Vitamin C là một vũ khí phòng thủ mạnh mẽ chống lại bất kỳ bệnh tật hoặc các mầm bệnh lạ trong cơ thể mà các chất chống oxy hóa không thể xử lý được. Chỉ cần 140 gam dâu tằm có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vitamin C trong ngày. Kết hợp các khoáng chất và vitamin có trong loại quả này, bạn có thể có một vũ khí thực sự chống lại bệnh tật.
Giúp xây dựng xương khỏe mạnh
Vitamin K, canxi và sắt, cũng như một lượng phốt pho và magiê được tìm thấy trong dâu tằm, tất cả đều có lợi cho việc tạo và duy trì mô xương. Khi chúng ta già đi, việc duy trì xương chắc khỏe hay giảm bớt thiệt hại của quá trình thoái hóa xương có thể rất quan trọng để ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương hoặc các rối loạn xương khác do tuổi tác.
Giúp ngăn ngừa lão hóa sớm
Quả dâu tằm cũng chứa nhiều vitamin A và vitamin E, cùng với một loạt các thành phần carotenoid như lutein, beta-carotene, zeaxanthin và alpha-carotene. Tất cả các yếu tố này có thể hoạt động như chất chống oxy hóa ảnh hưởng đặc biệt đến da, mô, tóc và các vùng khác của cơ thể.
Dâu tằm có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc da, có thể làm giảm sự xuất hiện của các vết nám và đồi mồi, đồng thời có thể giữ cho tóc bóng mượt và khỏe mạnh bằng cách ngăn chặn các hoạt động oxy hóa của các gốc tự do.
Cách sử dụng quả dâu tằm
Dâu tằm tốt nhất nên ăn tươi. Nếu muốn bảo quản dâu tằm, bạn có thể để trong tủ lạnh vài ngày. Đặt chúng trên đĩa có phủ khăn giấy. Tốt nhất bạn nên rửa ngay trước khi ăn để tránh bị hỏng.
Ở Việt Nam, cách sử dụng quả dâu tằm phổ biến là ngâm nước dâu tằm. Dâu tằm đem rửa sạch, để ráo và xếp vào bình thủy tinh. Mỗi một lượt dâu bạn phủ một lớp đường (có thể dùng đường phèn hoặc đường kính), cứ như vậy cho đến khi hết dâu và đường. Tỉ lệ dâu tằm và đường để ngâm nước là 1:1.
Ngoài ra, với hương vị ngọt ngào hoặc chua chua làm cho quả dâu tằm phù hợp để làm mứt, thạch, bánh tart trái cây, bánh nướng, rượu vang, trà và rượu.
Một số cách sử dụng quả dâu tằm khác:
Sinh tố: Làm sinh tố dâu tằm đơn giản với quả dâu tằm, sữa chua, mật ong và một chút bột/tinh chất vani.
Nước ép dâu tằm: Loại nước ép giàu chất chống oxy hóa và rất ngon lành này có thể được chế biến trong thời gian nhanh chóng. Bạn có thể đông lạnh quả dâu tằm để làm nước ép và sinh tố.
Mứt: Bạn có thể làm mứt dâu tằm đơn giản với đường và nước cốt chanh.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tac-dung-chua-biet-cua-qua-dau-tam-va-cach-su-dung…
Quả chanh đem lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà có thể bạn chưa biết đến.
Theo H.M (Dịch từ Health Line) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)