Nước chiếm đến 70% trong cơ thể chúng ta và có mặt ở tất cả các cơ quan, kể cả xương. Do đó, để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường, các chuyên gia thường khuyến khích chúng ta uống nước thường xuyên. Tuy nhiên không nên uống nước ở 2 thời điểm này, để tránh gây hại cho sức khỏe.
Tầm quan trọng của nước lọc
Nước lọc được khuyến khích dùng nhiều bởi nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Cụ thể:
– Điều hòa nhiệt độ, giúp nhiệt độ cơ thể được cân bằng ở 37 độ C.
– Vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào.
– Thải độc tế bào, thực hiện chức năng giải độc, lấy đi các chất độc hại ở tế bào.
– Chuyển hóa thức ăn thành năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
– Làm trơn các khớp xương giúp chúng vận hành nhịp nhàng, trơn tru, tránh gây tổn thương cho xương khớp.
– Làm sạch phổi, đóng vai trò là chất gột rửa cho phổi khỏe mạnh và làm việc tốt hơn.
– Cấu thành nên bộ não bởi nước chiếm 85% não bộ, thiếu nước đầu óc sẽ kém minh mẫn.
– Đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành cơ bắp và máu, chiếm khoảng 75% cơ bắp và khoảng 83% của máu.
– Bảo vệ các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
– Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên uống khoảng 2.000 ml nước mỗi ngày để quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường.
Bởi những tác dụng trên, nước lọc còn được coi là “thuốc trường sinh” rẻ tiền, chỉ khi chúng ta uống đủ nước mỗi ngày, mới có thể duy trì sức khỏe và sống thọ. Tuy nhiên khi uống nước bạn nên tránh uống nhiều nước trong 2 khoảng thời gian này để bảo vệ sức khỏe.
1. Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ
Nhiều người có thói quen uống một cốc nước khi ngủ vào buổi tối, cho rằng đây là một cách để bổ sung nước cho cơ thể. Lượng nước tiểu thường sẽ giảm xuống vào ban đêm, cho phép bạn ngủ liền mạch 6-8 tiếng. Thế nhưng, nếu uống 1 hoặc 2 ly nước ngay trước khi đi ngủ, chu kỳ giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng.
Ngủ không đủ giấc có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tim và là nguyên nhân gây tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng cân. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và có thể gây phù nề.
Do đó, buổi tối nên uống nước cách thời gian ngủ ít nhất 2 tiếng và hình thành thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ. Nếu bạn cảm thấy hơi khát trước khi ngủ, nên uống một lượng nước nhỏ thích hợp, điều này cũng sẽ có tác dụng làm loãng máu và giảm cô đặc trong máu, đặc biệt đối với một số người có mỡ máu cao, uống một cốc nước vào buổi tối có thể làm giảm tình trạng của bệnh.
2. Không uống nhiều nước ngay sau bữa ăn
Nhiều người có thói quen uống nước ngay sau khi ăn, vì nghĩ rằng điều này có thể làm sạch thực quản và tạo điều kiện tốt cho quá trình tiêu hóa, nhưng thực tế phương pháp này không chính xác.
Vì khi chúng ta vừa ăn xong, trong hệ thống tiêu hóa, dạ dày tiết ra các chất dịch tiêu hóa. Chất dịch này giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi có nhiều nước đi vào dạ dày sau khi ăn, chức năng của chất dịch này sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đường ruột.
Dưới đây là một số tác hại có thể xảy ra nếu bạn uống nhiều nước sau khi ăn:
Khó chịu dạ dày: Nước đi vào dạ dày sau khi ăn sẽ tạo ra quá nhiều khí và diễn ra trong một thời gian nhanh. Kết quả là dạ dày bị căng tức và khó chịu.
Các vấn đề về tiêu hóa: Nước thừa sẽ khiến thức ăn đã tiêu hóa khó đi qua đại tràng. Hậu quả là làm tăng nguy cơ táo bón, đầy hơi…
Đường huyết tăng: Thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn do ảnh hưởng của nước làm tăng chỉ số đường huyết. Sự tăng vọt đường huyết diễn ra khá nhanh đi kèm với thức ăn không được tiêu hóa hết. Sau ăn, mức độ đường huyết có thể tăng nhẹ trong mức an toàn nhưng nó tăng cao khi thức ăn không được tiêu hóa và lưu trong dạ dày lâu.
Dư thừa axit dạ dày: Uống nước ngay sau ăn, axit dạ dày bị loãng và giảm khả năng tiêu hóa. Thức ăn chậm tiêu và lưu lại trong dạ dày lâu sẽ kích thích dạ dày tăng tiết axit để tiêu hóa hết thức ăn. Điều này gây dư thừa axit trong dạ dày.
Đầy bụng: Uống nước ngay sau khi ăn khiến axit dạ dày bị pha loãng và giảm khả năng tiêu hóa. Các thức ăn không tiêu hóa được sinh khí gây ra đầy bụng.
Thời điểm lý tưởng để uống nước là 30 phút trước và sau bữa ăn, điều này giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Trong bữa ăn nếu muốn uống nước canh thì nên uống trước khi ăn cơm. Nhất là với những người muốn giảm cân thì uống canh trước khi ăn sẽ giúp giảm số lượng tinh bột và thực phẩm ăn vào. Ngoài ra, bạn có thể uống một chút nước trong khi ăn, nhưng tốt nhất là nước ấm để giúp nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nuoc-loc-lathuoc-truong-sinh-re-tien-nhung-cam-uon…
Uống nước – một điều tưởng đơn giản nhưng lại có công hiệu cực kỳ lớn trong việc ngăn ngừa bệnh tim.
Theo Hà Vũ. Dịch từ aboluowang (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)