Chị em nào hầu như cũng có lúc cố ăn kiêng và tập thể dục nhiều hơn vì nghĩ sẽ tốt cho sức khỏe, giúp giảm cân, nhưng ăn kiêng hà khắc và tập thể dục quá nhiều lại hại nhiều hơn lợi.
Beat – Tổ chức từ thiện quốc gia hỗ trợ những người bị rối loạn ăn uống ở Vương quốc Anh cho biết, tình trạng phụ nữ đua nhau “nhịn miệng” và tập luyện thật nhiều được châm ngòi bởi truyền thông xã hội, đang ngày càng tăng ở những người vốn có cân nặng bình thường.
Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều phụ nữ bỗng dưng không thấy kinh nguyệt xuất hiện vì thực hiện theo các xu hướng trên mạng xã hội về ăn kiêng hà khắc và cật lực tập thể dục.
Ăn uống cân bằng mới là chìa khóa để chị em khỏe đẹp lâu bền. (Ảnh minh họa)
Tổ chức hỗ trợ những người rối loạn ăn uống và các chuyên gia dinh dưỡng đang cảnh báo về chứng vô kinh thứ phát do rối loạn vùng dưới đồi, một tình trạng mà cơ thể bước vào cơ chế sinh tồn khi bị thiếu năng lượng, khiến chu kỳ kinh nguyệt dừng lại. Nó là một dạng rối loạn gây ra bởi căng thẳng liên quan tới giảm cân, tập thể dục quá mức và sang chấn.
Martha Williams, một điều phối viên tư vấn tại Tổ chức hỗ trợ những người rối loạn ăn uống Beat cho biết, tình trạng này ngày càng lan rộng và thường gặp ở những người vốn có cân nặng khá bình thường và chỉ số khối cơ thể không hề thấp.
“Chưa có thống kê chính xác về vấn đề này nhưng phần lớn những người chúng tôi gặp đều bỗng dưng vô kinh và một vài trong số phụ nữ này không bị thiếu cân nghiêm trọng. Một số chị em có cân nặng bình thường nhưng lại ăn uống hà khắc”, chuyên gia Williams cho biết.
Phụ nữ thường hỏi ý kiến bác sĩ gia đình khi thấy bị mất kinh nhưng nhiều bác sĩ đa khoa đó không được đào tạo phù hợp để phát hiện các nguyên nhân tiềm ẩn nên đã kê thuốc tránh thai để bệnh nhân có chu kỳ mới.
Chuyên gia Williams cho rằng áp lực của việc giãn cách xã hội do bệnh dịch gây khó khăn cho rất nhiều người và thông điệp từ chính phủ khuyến khích người dân tập thể dục mỗi ngày không phải với ai cũng hữu ích. “Việc nhấn mạnh thông điệp này có thể gây hại với một số người đang chật vật điều chỉnh mức độ tập luyện của họ”, vị này nói.
Bà nhấn mạnh rằng mạng xã hội có thể cũng là một “vấn đề” bởi phụ nữ thường chia sẻ những bức ảnh đã qua chỉnh sửa về cơ thể mình, tạo ra những kỳ vọng phi thực tế về vẻ ngoài mỗi người nên có. Williams nói rằng, những người có tầm ảnh hưởng trong giới tập luyện cũng thường nói với người theo dõi về những gì họ ăn mỗi ngày, gồm bao nhiêu calo – trong khi việc này không hề hữu ích với những ai bị rối loạn ăn uống.
Nhiều chị em bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng, rồi cố tập luyện để có thân hình mơ ước. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi những gì họ thấy trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, về việc áp dụng tập luyện cật lực hay những cách ăn uống được gọi là “ăn sạch” – chế độ mà người ta cần tránh ăn thực phẩm tinh chế hay đã được chế biến.
Chuyên gia về sức khỏe Chloe Hodgkinson đã hỗ trợ nhiều cô gái mắc chứng rối loạn ăn uống, bị mất kinh, dựa trên chính những trải nghiệm của mình. Chị cho biết, thời gian trước, khi ngừng dùng thuốc tránh thai, chị vẫn không có kinh lại và các bác sĩ nói rằng việc chu kỳ bị trễ đôi chút là bình thường. Mặc dù cảm thấy có gì đó liên quan tới việc bấy lâu nay mình ăn ít, nhưng vì chỉ số khối cơ thể của chị không hề thấp nên các bác sĩ không cho rằng việc mất kinh có gì nghiêm trọng. Không yên tâm, Hodgkinson đến gặp một chuyên gia dinh dưỡng và được tư vấn rằng chị có mức nội tiết tố nữ oestrogen thấp. Sau đó, chị thay đổi cách ăn uống, luyện tập thì chu kỳ cũng trở lại.
Thời gian qua, chị Hodgkinson nhận hơn 20 tin nhắn mỗi ngày từ những cô gái muốn được giải đáp những điều họ không thể tìm ở nơi khác. “Họ có thể cảm thấy liên quan và thấy hình ảnh mình ở những gì tôi đã trải qua. Họ cần được hỗ trợ để có cuộc sống tốt”, chị nói.
Chuyên gia dinh dưỡng Renee McGregor, người chuyên điều trị chứng rối loạn ăn uống cho biết, 12 tháng qua, bà đã có 1.000 giờ tư vấn cho bệnh nhân và 95% số họ gặp tình trạng vô kinh thứ phát do rối loạn vùng dưới đồi. “Đó là một vấn đề lớn, lớn hơn mọi người tưởng, đặc biệt là khi nó kéo dài, và khi người ta mặc nhiên chấp nhận rằng khi phụ nữ tập thể dục nhiều, họ bị mất kinh”.
Bà cho rằng vấn đề này thường không được chẩn đoán đúng, với việc nhiều phụ nữ bị các bác sĩ nói rằng họ mất kinh là vì cơ thể đã quen với thuốc tránh thai. “Tôi đã tư vấn cho một người tuần trước – người này bị một bác sĩ phụ khoa nói rằng vì họ chưa muốn có con ngay nên việc không có kinh chẳng gây vấn đề gì. Nhưng chị em cần hiểu rằng, bỗng dưng vô kinh không rõ lý do có ảnh hưởng lớn hơn tới sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta”, bà nói.
Việc tăng giảm cân ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt thế nào?
Đột nhiên tăng hoặc giảm cân có thể làm rối loạn mức độ hoóc môn trong cơ thể phụ nữ, từ đó ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
Trong cơ thể phụ nữ, hoóc môn estrogen đóng vai trò chính trong việc điều hòa kinh nguyệt. Nếu tăng nhiều cân trong thời gian ngắn, cơ thể có thể tiết ra một lượng hormon estrogen lớn, khiến cho lớp nội mạc tử cung không thích nghi kịp, làm chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Ngược lại, nếu cố ăn kiêng, tập luyện để giảm cân nhanh thì hàm lượng estrogen có thể giảm thấp, khiến niêm mạc tử cung bị mỏng và lâu bong ra, dẫn tới chu kỳ kinh bị kéo dài hơn bình thường.
Theo các chuyên gia, để có sức khỏe tốt và giữ gìn vóc dáng, chị em nên ăn uống và tập luyện điều độ, không áp dụng các chế độ ăn kiêng mất cân bằng (thiếu hẳn một nhóm chất nào đó). Nên tham khảo ý kiến bác sĩ và luôn theo dõi, lắng nghe sự thay đổi của cơ thể, nhận biết sớm các bất thường về chu kỳ kinh nguyệt để tư vấn người có chuyên môn khi cần thiết.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/hai-viec-phu-nu-co-lam-de-dep-va-tre-lau-laianh-hu…
Thời kỳ kinh nguyệt không chỉ là thời kỳ vàng để giữ gìn sức khỏe của phụ nữ mà còn là thời kỳ tế bào mỡ trong cơ thể bị tiêu hao nhanh nhất do lượng…
Theo Yên Minh (Dịch từ Guardian, Timesofindia) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)