Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều người thường bị tăng cân và câu đầu tiên được nhắc đến đó là: Do ăn bánh chưng nhiều. Không chỉ vậy, trong những ngày tết, rất nhiều người khi bị đầy bụng, khó chịu cũng đổ lỗi cho bánh chưng, xôi nếp. Vậy đồ nếp có phải nguyên nhân gây tăng cân, đầy bụng?
Ăn đồ nếp có phải thủ phạm gây tăng cân, đầy bụng?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, ngày Tết không chỉ có bánh chưng mà nhiều loại đồ ăn khác cũng được làm từ đồ nếp như xôi, cơm nếp, bánh nếp, chè kho… Tuy nhiên, nói ăn đồ nếp gây tăng cân, đầy bụng là không đúng, mọi người đang đổ oan cho đồ nếp.
Nhiều người cho rằng ăn đồ nếp gây tăng cân, đầy bụng là chưa chính xác. Ảnh minh họa.
“Ví dụ, bánh chưng không chỉ có gạo nếp mà còn có đỗ xanh, thịt nên giàu năng lượng. Nếu ai “bon miệng” bữa nào cũng ăn hết ¼ hoặc một nửa chiếc bánh chưng thì càng có nguy cơ tăng cân. Vì chúng ta không chỉ ăn mỗi bánh chưng mà còn kèm nhiều thực phẩm khác.
Hay như chè kho, không chỉ có gạo nếp trong đó mà còn kết hợp với đường để nấu. Việc thêm đường vào đồng nghĩa với việc thêm nhiều năng lượng. Hay xôi cũng vậy, dù chỉ ăn một bát xôi nhỏ nhưng kết hợp với nó lại là xá xíu, thịt kho trứng và chan cả nước thịt… Nếu cứ ăn như vậy thì sẽ tăng cân, đầy bụng là khó tránh khỏi”, bác sĩ Hưng giải thích.
Ăn đồ nếp như thế nào cho hợp lý?
Vậy ăn đồ nếp thế nào là hợp lý? Theo bác sĩ Hưng, với bánh chưng, chỉ cần ăn 1/8 chiếc là đã có năng lượng bằng một bát cơm tẻ, do vậy không nên ăn nhiều, vì còn bổ sung các thực phẩm khác. Các đồ nếp khác cũng tương tự, không nên ăn nhiều.
“Điều đặc biệt cần lưu ý là nghỉ Tết nhưng mọi người đừng quên vận động. Nếu ăn nhiều bánh chưng, thực phẩm giàu đạm mà không vận động thì việc tăng cân, bụng ấm ách sẽ xảy ra”, bác sĩ Hưng cho hay.
Chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng/bữa, nếu ăn nhiều cần hạn chế thực phẩm khác. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết chúng ta cần hiểu đúng để có cách sử dụng hợp lý đồ nếp. Theo đó, nếu so sánh 100 gam gạo nếp và 100 gam gạo tẻ thì năng lượng không khác nhau nhiều (cùng khoảng 350kcal). Nhưng nếu nấu thành cơm, cơm nếp sẽ có năng lượng nhiều hơn.
Nguyên nhân là cơm nếp có độ kết dính cao hơn, nên tính bằng một bát cơm thì cơm nếp bị nén xuống chặt hơn, còn cơm tẻ rời rạc. Do vậy, dù thích đồ nếp, khi lấy cơm cũng nên đánh tơi, không xới đầy cơm nếp như bát cơm tẻ. Nếu ăn nhiều cơm nếp, nên bổ sung thêm rau, hạn chế các đồ đạm, béo hoặc các đồ sinh nhiều năng lượng khác.
PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết thông tin ăn đồ nếp gây đầy bụng, gây nóng là không có cơ sở khoa học.
Đối với thông tin ăn cơm nếp gây đầy bụng, gây nóng hoặc thậm chí làm mưng mủ vết thương hở, PGS Lâm khẳng định điều này chưa có cơ sở khoa học. Theo khuyến cáo của PGS Lâm, người bình thường nên ăn 100 gam cơm nếp/bữa (180kcal -200kcal). Với nam giới có thể ăn khoảng 150 gam/bữa.
Ngoài ra, nên ăn đa dạng các chất như bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, không nên chỉ tập trung ăn đồ nếp mà quên các thực phẩm khác, đặc biệt là rau xanh, quả chín… Với người thừa cân, nên giảm ăn cơm tẻ và cơm nếp so với người bình thường. Người mắc bệnh tiểu đường cần bớt ăn cơm tẻ, cơm nếp do chất bột đường có thể ảnh hưởng tới đường máu.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ai-cung-nghi-an-do-nep-lam-tang-can-day-bung-su-th…
Trẻ ăn cơm chan, ăn cơm riêng thức ăn riêng liệu có bị ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiêu hóa? Ths.BS chuyên khoa Nhi Dương Thị Thủy – Bệnh viện đa…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)