Mật ong vừa có hương vị ngon ngọt lại là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai và lúc nào cũng có thể sử dụng. Nếu dùng không đúng, mật ong có thể gây hại cho cơ thể.
Mật ong là một chất lỏng ngọt ngào do ong mật tạo ra bằng cách sử dụng mật hoa của các loài thực vật có hoa. Có khoảng 320 loại mật ong khác nhau, có màu sắc, mùi và hương vị khác nhau.
Mật ong chủ yếu chứa đường, cũng như hỗn hợp các axit amin, vitamin, khoáng chất, sắt, kẽm và chất chống oxy hóa. Ngoài công dụng làm chất ngọt tự nhiên, mật ong còn được sử dụng như một chất chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn. Người ta thường sử dụng mật ong để chữa ho và bôi tại chỗ để điều trị bỏng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
Nhiều người có thói quen pha nước mật ong ấm để uống mỗi sáng và trong mùa đông để phòng ho, viêm họng. Mặc dù mật ong tốt nhưng nếu rơi vào những trường hợp dưới đây, bạn nên dừng ngay việc sử dụng mật ong lại trước khi gây nguy hiểm tới sức khỏe.
1. Bạn có biểu hiện dị ứng
Mật ong có thể bị nhiễm phấn hoa thông thường và các chất gây dị ứng thực vật khác. Các triệu chứng dị ứng mật ong có thể giống với các triệu chứng dị ứng phấn hoa thông thường, chẳng hạn như:
– Sổ mũi, hắt hơi
– Da sưng tấy
– Chảy nước mắt
– Ngứa họng
– Nổi phát ban, mề đay
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
– Đau đầu
– Thở khò khè
– Buồn nôn, nôn mửa
– Tiêu chảy
– Ngất xỉu
– Nhịp tim không đều
– Sốc phản vệ
Ăn mật ong hoặc da tiếp xúc với mật ong có thể gây ra phản ứng dị ứng. Nếu sau khi sử dụng mật ong, bạn thấy xuất hiện những triệu chứng trên thì nên ngừng ăn lại và đi khám sớm để biết chắc chắn bản thân có bị dị ứng với mật ong hay không.
2. Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi
Mật ong giàu chất dinh dưỡng, là thực phẩm tốt. Nhiều bà mẹ mới sinh còn cho thêm một ít mật ong vào thức ăn bổ sung của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để điều chỉnh khẩu vị và tăng giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không thích hợp để ăn mật ong.
Mật ong dễ bị ô nhiễm bởi botulinum. Bào tử độc tố botulinum rất dễ thích nghi và vẫn có thể tồn tại ở nhiệt độ cao 100°C. Do chức năng tiêu hóa của trẻ còn non yếu và chức năng giải độc của gan kém, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi nên botulinum rất dễ sinh sôi trong ruột và sinh ra độc tố, từ đó gây ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra từ 8 đến 36 giờ sau khi ăn mật ong hoặc thực phẩm có chứa mật ong, và các triệu chứng thường bao gồm táo bón, mệt mỏi và chán ăn. Mặc dù khả năng lây nhiễm bệnh ngộ độc ở trẻ sơ sinh là rất nhỏ, nhưng các bác sĩ vẫn khuyến cáo rằng không nên cho trẻ dùng mật ong và các sản phẩm của nó cho đến khi trẻ được 1 tuổi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên 1 tuổi nên cẩn thận khi uống mật ong, lượng mật ong nên ít hơn so với người lớn.
3. Bệnh nhân tiểu đường
Trong mỗi 100 gam mật ong có 35 gam glucose, 40 gam fructose, 2 gam sucrose và 1 gam dextrin.
Glucose và fructose đều là monosaccharide (đường đơn), sau khi vào đường ruột có thể được hấp thu trực tiếp vào máu mà không bị tiêu hóa làm tăng lượng đường trong máu. Sau khi thủy phân, một ít sucrose và dextrin cũng có thể được hấp thu nên càng dễ làm tăng đường huyết. Do đó, bệnh nhân tiểu đường không nên dùng mật ong.
4. Bệnh nhân xơ gan
Nói chung, bệnh nhân viêm gan B rất thích hợp uống mật ong, vì các monosaccharide do mật ong cung cấp không cần gan phân hủy và tổng hợp nên có thể giảm bớt gánh nặng cho gan. Tuy nhiên, bệnh nhân xơ gan lại không được uống mật ong vì nó sẽ làm cho tình trạng xơ hóa gan trở nên trầm trọng hơn.
5. Người béo phì nên hạn chế
Mật ong chứa khoảng 64 calo trong một muỗng canh (21 gam). Mặc dù nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu bạn sử dụng mật ong mỗi ngày, lượng calo có thể tăng lên. Sau một thời gian, điều này sẽ dẫn đến tăng cân.
Ngoài ra, mật ong cũng chứa rất nhiều đường, được tiêu hóa nhanh chóng và có thể khiến lượng đường trong máu tăng giảm đột biến, dẫn đến tăng cảm giác đói khiến bạn ăn nhiều hơn và kết quả sẽ tăng cân. Do đó, những người béo phì đang cần giảm cân nên cân nhắc việc thêm mật ong vào chế độ ăn sao cho phù hợp.
6. Khi có biểu hiện tiêu thụ quá nhiều
Một số người có thể sử dụng mật ong quá nhiều mà không nhận ra. Nếu bạn thấy xuất hiện những biểu hiện dưới đây sau khi dùng mật ong một thời gian thì hãy thử tạm dừng để xem các triệu chứng có chấm dứt hay không.
– Lượng đường trong máu bị tăng: Khi bạn uống quá nhiều mật ong, lượng đường trong máu của bạn có xu hướng tăng cao. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có thể thấy lượng đường trong máu tăng bất thường.
– Giảm huyết áp: Mật ong giúp kiểm soát huyết áp nhưng nếu lạm dụng, nó có thể khiến bạn có nguy cơ bị huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp. Về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim bạn.
– Gặp các vấn đề về dạ dày: Sử dụng quá nhiều mật ong có thể khiến bạn bị tắc nghẽn đường ruột do hàm lượng lớn đường fructose trong đó. Hơn nữa, mật ong cũng có thể gây đầy hơi, tiêu chảy do cơ thể bạn không thể tiêu hóa đường trong mật ong.
– Tăng cân: Hàm lượng calo, đường và carbohydrate cao trong mật ong có thể khiến bạn tăng cân nếu lạm dụng.
– Gặp các vấn đề răng miệng: Ăn quá nhiều mật ong cũng tươn đương với việc tiêu thụ quá nhiều đường, có thể thúc đẩy sâu răng. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia USDA (Mỹ), khoảng 82% mật ong được làm từ đường và điều này đủ để làm hỏng răng của bạn. Hơn nữa, mật ong cũng có tính chất dính, có nghĩa là nó có thể bám vào răng của bạn, dễ gây sâu răng hơn.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhung-truong-hop-ban-nen-dung-an-mat-ong-ngay-dac-…
Thay vì dùng mỗi nước ấm mật ong, mọi người có thể cho mật ong vào các đồ uống dưới đây để tăng cường tác dụng cho sức khỏe.
Theo Minh Minh (Tổng hợp) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)