Có những thời điểm “chuyện ấy” không mang lại niềm vui hay lợi ích cho sức khỏe, mà ngược lại có thể khiến bạn gặp nhiều hệ lụy lâu dài.
Một trong những điều cần chú ý để có đời sống tình dục viên mãn là biết thời điểm nào mình không nên làm “chuyện ấy” để đảm bảo cho sức khỏe tinh thần và thể chất cho bạn và “nửa kia”. Các chuyên gia về sức khỏe sinh sản và tình dục khuyên bạn nên tránh “yêu” trong một số thời điểm dưới đây:
Khi chưa khỏi hẳn nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi đang bị nhiễm trùng đường tiểu, nhất là ở giai đoạn cao trào, bạn thường không có hứng thú cho “chuyện ấy”. Nhưng ngay cả lúc đã bắt đầu thấy ổn hơn, bạn có lẽ cũng không nên “yêu” vội.
Theo chuyên gia người Mỹ Diana Rodriguez ở trang Everyday Health, bạn nên đợi tới khi kết thúc liệu trình kháng sinh đã được kê và hết các triệu chứng ít nhất 2 tuần. Nếu không, tình trạng viêm nhiễm của bạn có nguy cơ nặng hơn trước khi nó thực sự khỏi, đồng thời việc quan hệ thời điểm này có thể khiến bạn đau hay khó chịu.
Khi đang chữa viêm đường tiết niệu hay bất cứ loại nhiễm trùng hay bệnh nào ở vùng nhạy cảm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm bạn có thể quay lại với các hoạt động tình dục một cách an toàn.
Khi vừa làm sạch lông vùng kín
Làm sạch lông vùng bikini có thể khiến da bạn trở nên nhạy cảm. Đó là lý do các chuyên gia khuyên bạn nên đợi 24 giờ sau mới làm ‘chuyện ấy” để có thời gian cho da “cô bé” được hồi phục.
Khi bạn bị nhiễm nấm
Quan hệ lúc đang nhiễm nấm có thể khiến các triệu chứng của bạn tệ thêm và gây đau, nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn còn có khả năng lây bệnh cho “nửa kia”, đặc biệt nếu quan hệ đồng tính nữ.
Một số thời điểm trong thai kỳ
Thông thường, việc quan hệ trong quá trình mang thai là an toàn vì bào thai đã được bảo vị bởi túi ối và nút nhầy chặn tử cung. Tuy nhiên, theo bác sĩ Laura Riley, chuyên gia tư vấn trên trang Parents.com, một số tình trạng có thể đe dọa đến các biện pháp bảo vệ đó, bao gồm màng ối vỡ, vị trí hoặc chuyển động bất thường của nhau thai, cổ tử cung mở sớm, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc tiền sử chuyển dạ sinh non.
Vì thế, nếu đang mang thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ theo dõi thai kỳ cho mình để đảm bảo không mắc vấn đề gì cần kiêng “chuyện ấy” trong hành trình thai nghén.
Cố “yêu” để tránh mâu thuẫn dù không có hứng thú
“Làm “chuyện ấy” để giữ hòa khí, để làm vui lòng bạn đời hay ngăn chặn một cuộc cãi vã… không hề mang lại điều gì tốt đẹp”, Domina Franco, một chuyên gia giáo dục tình dục nói với Insider. Nếu “nửa kia” tạo áp lực khiến bạn phải quan hệ hay bạn biết mình có thể chịu hậu quả nào đó nếu không chiều theo – đó là sự ép buộc.
“Ai đó cố quấy rầy cho tới khi bạn chịu gật đầu thì rõ ràng “chuyện ấy” dễ thành thảm họa. Cần có sự tự nguyện và ưng thuận, tình dục mới là điều tốt lành và dễ thăng hoa”, chuyên gia này nói.
Tương tự, bạn không bao giờ nên là người ép buộc “nửa kia” phải đáp ứng nhu cầu của mình. Nếu bạn đời có vẻ kháng cự hay không có hứng, giải pháp là đừng cố thuyết phục. Hãy tạo cho họ cảm giác thoải mái và được quan tâm tới nhu cầu cảm xúc thay vì khăng khăng bắt họ chiều theo ý mình.
Khi vừa sử dụng rượu hay chất kích thích
Nếu bạn hay “nửa kia” vừa tiệc tùng, cần thận trọng. Rất nhiều người cảnh báo không nên quan hệ khi đang bị chi phối bởi rượu hay chất kích thích bởi vì sẽ khó biết liệu bạn có hoàn toàn ưng thuận không khi khả năng ra quyết định bị che mờ bởi hơi men hay tác dụng của thuốc.
Nếu lúc đó “nửa kia” đang không tỉnh táo, bạn phải là người “hạ nhiệt” cho tình huống, đừng lợi dụng sự mất kiểm soát của họ. Nếu “chuyện ấy” không thể đừng, hãy đảm bảo sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn.
Thực tế cho thấy, các sự cố cũng rất dễ xảy ra khi hai người làm “chuyện ấy” lúc không còn tỉnh táo.
Khi mới sinh con
Mặc dù không có quy định chính thức về việc cần đợi bao lâu mới nên “yêu” lại sau sinh, Mayo Clinic khuyên các bố mẹ mới lên chức nên đợi 4-6 tuần. Thân mật quá sớm có thể gây một số biến chứng và ảnh hưởng tới quá trình hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Trước khi làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ trong vòng 48 giờ trước khi đi khám phụ khoa, làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung có thể khiến kết quả bạn nhận được sau đó không chính xác.
“Tinh trùng có thể ảnh hưởng tới những chất dịch được lấy để xét nghiệm”, bác sĩ Jessica Shepherd, một phó giáo sư tại phòng khám sản phụ khoa, giám đốc trung tâm sản phụ khoa tại Đại học Illinois (Chicago, Mỹ), nói với Glamour.
Thực tế, sự có mặt của tinh dịch có thể gây nhiễu với kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung. Các chuyên gia nói rằng, quan hệ có sử dụng các biện pháp bảo vệ hoàn toàn không vấn đề gì nếu bạn không thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nhưng thậm chí “yêu” dùng áo mưa vẫn có thể khiến kết quả không còn giá trị. Tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ và tránh quan hệ trong vòng 48 tiếng trước đó.
Khi không có sẵn “đồ bảo hộ”
Bạn có thể nghĩ chẳng có gì to tát khi lỡ quên bảo vệ một lần – dù là dùng thuốc hay “áo mưa”. Nhưng dù chỉ một lần “yêu” không an toàn, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Tốt nhất là hãy chuẩn bị sẵn sàng trước khi hành sự để cuộc vui được trọn vẹn.
Khi bị áp lực phải “yêu”
Ngoài tình huống bị người khác ép buộc, đừng bao giờ làm “chuyện ấy” khi bạn không muốn. “Điều cốt lõi là, tôi tin bạn không nên “yêu” trừ khi bạn thực sự hứng thú và hiện diện hoàn toàn cho cuộc yêu ấy”, chuyên gia Franco nói. Chẳng có lý do nào khiến bạn phải thực hiện bất cứ hành vi yêu đương nào nếu bạn chưa sẵn sàng – dù là với chính vợ/chồng mình.
“Đừng bao giờ quan hệ chỉ vì người khác nghĩ bạn nên làm điều đó. Chỉ gật đầu khi bạn thấy việc đó vui, tự nguyện và nhớ luôn dùng biện pháp bảo vệ”, chuyên gia nhắn nhủ.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/10-thoi-diem-nen-kieng-chuyen-ay-de-tranh-hoa-ve-s…
Không chỉ trong lúc “yêu” mà sau thời điểm đó, một số hành động có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và sự gắn kết giữa bạn và “nửa kia”.
Theo Yên Minh (Dịch từ Insider) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)