Sạch sẽ là tốt nhưng 5 bộ phận này trên cơ thể nếu được làm sạch quá mức sẽ gây hại nhiều hơn cho sức khỏe.
Nhiều người thường rất sợ bụi bẩn, khi cảm thấy người có chút không sạch sẽ liền muốn đi rửa sạch hay tắm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, sạch sẽ quá mức không phải lúc nào cũng tốt, trên cơ thể có 5 bộ phận không phải càng sạch càng tốt.
Nếu những bộ phận này luôn được làm sạch quá mức thậm chí không chỉ gây ra các bệnh nhiễm trùng khác nhau mà còn có thể gây ung thư.
1. Tai: Nhiễm nấm, gây viêm tai và ung thư
Nhiều người có thói quen ngoáy tai gần như mỗi ngày ví dụ sau khi tắm hoặc bất cứ lúc nào họ cảm thấy khó chịu vì cho rằng ráy tai rất bẩn.
Thực tế, ráy tai tưởng chừng như mất vệ sinh lại không thể thiếu trong lỗ tai. Bác sĩ Hong Weijie, Giám đốc Khoa Y tế Dự phòng tại Bệnh viện E-Da Hospital, Đài Loan đã giải thích rằng ráy tai giống như người gác cổng của tai, có chức năng bảo vệ ống tai, làm sạch và ức chế sự phát triển của vi khuẩn, và có thể ngăn bụi, vi khuẩn, muỗi,… xâm nhập vào ống tai.
Bác sĩ Wu Zhaokuan, bác sĩ trưởng khoa Tai mũi họng của Bệnh viện đa khoa Taichung, Đài Loan, cũng cho biết việc ngoáy tai quá nhiều sẽ dễ làm hỏng khả năng bảo vệ và sinh ra nấm mốc, không chỉ gây nguy cơ viêm tai giữa mà còn có thể gây ung thư trong những trường hợp nặng.
Vậy, khi nào bạn có thể ngoáy tai? Trên thực tế, các thầy thuốc không khuyến khích việc ngoáy tai. Bác sĩ Hong Weijie cho biết ráy tai sẽ được thải ra ngoài một cách tự nhiên bằng động tác nhai, nói chuyện vì vậy không cần cố ý làm sạch.
2. Mũi: Viêm, teo niêm mạc mũi, viêm xoang, viêm khí quản
Bàn tay con người tiếp xúc với vô số vi khuẩn mỗi ngày, bác sĩ tai mũi họng người Đài Loan Chen Rongzhe chỉ ra rằng khi ngoáy mũi bằng ngón tay giống như việc đưa trực tiếp vi khuẩn, virus cúm, virus cảm lạnh, thậm chí cả virus SAR-CoV-2 vào mũi. Khi hệ thống miễn dịch yếu, vi trùng, virus có thể bắt đầu hoạt động.
Ngoài ra, nếu trong khoang mũi có vết thương thì càng dễ làm tăng tình trạng viêm nhiễm khoang mũi, dẫn đến nguy cơ viêm mũi, teo niêm mạc mũi, viêm xoang, viêm phế quản mãn tính và các bệnh khác.
Nếu bạn thực sự cảm thấy ngứa mũi và cần ngoáy mũi, bác sĩ Chen Rongzhe khuyên bạn nên rửa tay thật sạch trước rồi mới thực hiện.
3. Mặt: Làm tổn thương da mặt, nổi mụn trứng cá
Đối với những người có làn da dầu, họ có thể luôn cảm thấy mặt mình nhờn dính hoặc thậm chí cảm thấy thật bẩn nên thường cố gắng rửa mặt vài lần trong ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ da liễu Zheng Renrong tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc chỉ ra rằng làm sạch quá mức da mặt có thể dễ gây kích ứng da và dễ bị mụn trứng cá hơn, bệnh rosacea (hay còn gọi là chứng đỏ mặt) cũng dễ bị xấu đi do làm sạch quá nhiều.
Chỉ nên rửa mặt 2 lần vào buổi sáng và tối, cũng không nên dùng nước nóng quá, để không khiến tình trạng viêm nhiễm trên da bị nặng hơn. Bác sĩ da liễu Zheng Renrong đã đưa ra 4 bước rửa mặt đúng cách để mọi người tham khảo:
B1: Rửa tay trước khi rửa mặt để vi trùng từ tay không tiếp xúc với da mặt.
B2: Nước quá lạnh hoặc quá nóng có thể gây kích ứng da, vì vậy hãy rửa mặt với nhiệt độ nước phù hợp.
B3: Chọn sử dụng sữa rửa mặt tùy theo loại da của bạn, hoặc bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt dạng mousse tương đối nhẹ.
B4: Sau khi thoa sữa rửa mặt và rửa mặt, làm sạch lại bằng nước sạch, thay khăn mặt thường xuyên để tránh vi khuẩn sinh sôi.
4. Rốn: Đau dạ dày, nhiễm trùng da, thậm chí là viêm mô tế bào
Nhiều người thấy rốn bị thâm đen, thậm chí còn thấy bốc mùi nên cố gắng làm sạch bằng được. Thực chất, chất bẩn ở rốn được hình thành do chất sừng lão hóa, mồ hôi hỗn hợp và bã nhờn tiết ra nên không cần vệ sinh quá nhiều.
Bác sĩ Liu Pengchi từ Khoa Y học Gia đình của Bệnh viện Xinguang, Đài Bắc, Đài Loan cho biết do vùng da ở rốn mỏng và rất gần với ruột nên việc chà xát mạnh có thể gây kích ứng ruột và gây đau dạ dày, đồng thời có thể gây nhiễm trùng và viêm mô tế bào.
Do đó, bạn thường chỉ cần dùng nước xà phòng để rửa sạch một chút khi tắm, nếu chất bẩn nhiều, bạn có thể nhỏ dầu trẻ em và dầu ô liu vào rốn để làm mềm chất bẩn trước sau đó lau bằng tăm bông, rửa sạch lại rốn.
5. Âm đạo: Phá vỡ sự cân bằng độ pH, dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn
Những năm gần đây, trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm vệ sinh “vùng kín” nhưng nếu vệ sinh khu vực này quá nhiều có thể gây phản tác dụng. Mặc dù sử dụng dung dịch vệ sinh để làm sạch “vùng kín” là phù hợp nhưng nếu bạn sử dụng quá nhiều chất làm sạch âm đạo sẽ dễ phá hủy sự cân bằng pH của bộ phận sinh dục và tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu phát triển.
Ngoài ra, nhiều người có suy nghĩ rằng “vùng kín” bị viêm nhiễm thì càng phải dùng dung dịch hay chất tẩy rửa vệ sinh nhiều hơn nữa. Tuy nhiên điều này khiến cho tình trạng viêm nhiễm âm đạo diễn ra nhiều lần hơn và còn có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bác sĩ sản phụ khoa người Đài Loan Lin Yuhong giải thích rằng khi hệ sinh thái có tính axit yếu (giá trị pH từ 3,8 đến 4,5) trong “vùng kín” của phụ nữ bị phá hủy, các triệu chứng như viêm âm đạo, tăng tiết dịch nhờn và ra máu có khả năng xảy ra.
Do đó, nếu có triệu chứng viêm nhiễm, bạn nên đi khám trước, điều chỉnh cân bằng pH “vùng kín”, không nhịn tiểu, không mặc quần quá chật và uống nhiều nước. Nếu thực sự muốn chọn sản phẩm vệ sinh âm đạo, bạn nên tập trung vào những sản phẩm có tính axit yếu, dịu nhẹ, không cần thiết có tác dụng dưỡng ẩm, tạo mùi thơm, làm trắng da và các tác dụng khác, tránh làm tổn hại đến khu vực nhạy cảm này.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/5-bo-phan-tren-co-the-cang-sach-se-cang-khong-tot-…
Thời tiết lạnh giá khiến bạn lười tắm hơn, liệu điều này có gây hại cho sức khỏe. Nếu bạn thực sự không muốn tắm, cũng đừng bỏ qua việc vệ sinh 3 bộ…
Theo Hoàng Dương (Dịch từ EDH) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)